Tuổi "băm" là cách nói dùng để chỉ những người trên 30 tuổi, hiện tại là thế hệ cuối 8X và đầu 9X. Tôi cũng là một trong số đó. Ai đã sống đến tuổi "băm" thì có lẽ cũng đã trải qua hầu hết những hương vị của cuộc sống, từ thuở chăn trâu, đi học, cho đến khi lên thành phố học tiếp và lập nghiệp, lập gia đình ở nơi đát khách quê người, xa ông bà, cha mẹ, quê hương. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có những hương vị cuộc sống riêng, những màu sắc riêng và những cảm nhận riêng.
Cuộc sống không phải là một vật cụ thể, không phải là một hình ảnh cố định, không phải là một bản nhạc rõ ràng. Mà nó là tổng hòa của các mối quan hệ xung quanh chúng ta. Các mối quan hệ này có thể thay đổi theo không gian, thời gian. Vì vậy, người ta hay dùng từ "cuộc sống muôn màu, muôn vẻ"... Và ai đã sống đến tuổi "băm" thì có lẽ cũng đã tự hình dung ra mình là ai, cuộc sống của mình là gì, như thế nào, ở đâu, khi nào...?
Khi tôi còn nhỏ, được cha mẹ chăm sóc cho cuộc sống đầy đủ theo đúng nghĩa của thời đó: có cơm ăn, áo mặc, có sách vở để học hành, có thời gian để vui chơi... Tuổi thơ của tôi không quá vất vả như các bạn đồng trang lứa. Cha mẹ dành cho tôi những công việc vừa sức như chăn trâu, làm cỏ, hái cà phê, tỉa lúa, tỉa bắp... tất nhiên là chỉ làm vừa sức, làm phụ, để còn dành sức và thời gian cho việc học.
Sinh ra ở vùng Tây Nguyên, đa số các bạn bè cũng đều như tôi. Nhưng một số người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải làm chính, như một nhân viên toàn thời gian, việc học cũng từ đó bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có những khoảng thời gian chung vui với nhau. Đó là những buổi tối thứ tư và thứ bảy (do hồi đó chúng tôi được nghỉ học thứ năm và chủ nhật hàng tuần), là giờ ra chơi ở trường, và lâu lâu là cuối tuần. Riêng tôi còn có các bạn cùng chăn trâu mỗi ngày.
Mỗi khi có thời gian, chúng tôi chơi đủ thứ trò mà đến tuổi "băm" này tôi mới dám khẳng định là mình đã có một tuổi thơ dữ dội như vô cùng hạnh phúc. Thời gian đầu, chúng tôi không có điện, đèn dầu chỉ để dùng cho việc học tập và sinh hoạt cần thiết, chứ đừng nói chi các sản phẩm công nghệ hiện đại như điện thoại, máy tính bảng, máy game như bây giờ.
>> Tôi thèm cảm giác tất bật nấu nướng ngày Tết nhà chồng
Thời đó, món đồ chơi quý nhất của chúng tôi có lẽ là những viên bi ve tròn, lấp lánh như kim cương mỗi khi đưa ra dưới ánh nắng mặt trời, vì nó có thể bán được. Còn lại là những ống phóc, khăng, cù, súng AK bằng gỗ, đại đao bằng gỗ... bên cạnh những món đồ chơi tự nhiên như dế, đom đóm, cào cào, châu chấu, lá chuối, hạt cao su...
Đồ chơi thời ấy tuy đơn giản, nhưng chúng tôi chơi mãi không chán, chơi từ trò nọ qua trò kia, đến khi chán lại chơi tay không như rồng rắn lên mây, chơi u, chơi nhảy bước... và hôm sau lại thế. Chúng tôi chơi dưới mặt trời, dưới mặt trăng, trên bãi cỏ, trên đất, dưới nước...
Tết lúc đó, có ba thứ mà chúng tôi luôn chờ đợi: quần áo mới, đồ ăn ngon và lì xì. Quần áo mới là điều cực kỳ quan trọng, vì trong năm chúng tôi mặc toàn đồ cũ, đồ chắp vá, chỉ có đi học mới được mặc đồng phục quần xanh, áo trắng. Về nhà, chúng tôi lại phải cởi ra và mặc đồ cũ, sợ làm ố màu áo trắng. Cảm giác đến Tết được mặc quần áo mới đi chơi, vì thế rất vui, toát cả ra ngoài nét mặt mỗi đứa trẻ.
Đồ ăn ngon hồi đó với tôi là bánh tét và chả giò, vì cả năm chắc chắn không được ăn mấy món này. Tậm chí, trong năm có thời điểm tôi còn không được ăn no chứ nói chi đến ăn ngon. Lì xì thì tất nhiên đứa trẻ nào cũng mong ngóng, vì sẽ có tiền mua bút, thước, tập vở, và có thể mua cả đồ chơi như bi ve, sợi thun để nhảy dây...
Lớn hơn một chút, Tết với tôi còn có tiếng pháo nổ. Pháo hồi đó tiếng nổ nhỏ, quả pháo cối (pháo đại) nổ cũng chỉ bằng một phần mười quả pháo tép bây giờ. Pháo khi đó là tiếng ca, tiếng hát hùng hồn của mọi người, là bản tuyên bố niềm vui của chủ nhà, chứ không phải là tiếng thét, tiếng quát nạt như bây giờ.
Hồi đó, khi có nhà chuẩn bị đốt pháo thì mấy đứa nhóc như bọn tôi sẽ như cái loa đi thông báo hết cho cả xóm chuẩn bị. Chúng tôi rồng rắn kéo đến chỗ tràng pháo đã được treo rất cao, nghênh cái mặt ra tự hào, chờ đón các bạn nhỏ. Khi chủ nhà đốt sợi dây mồi thì cũng là lúc bọn tôi bắt đầu reo hò, đến khi bắt đầu nổ thì tiếng hò reo lại càng lớn hơn, cho đến khi làn khói lan lên đến gần đầu tràng pháo thì bọn tôi nín thở chờ quả pháo đại chốt hạ.
Và khi quả pháo đại vang lên cũng là lúc tiếng hò hét lại trở lại. Đám trẻ tranh nhau lượm pháo xịt, vì có những quả pháo sẽ bị văng ra trước khi cháy ngòi, nên vẫn còn nổ được. Mỗi tràng pháo khoảng 100 quả pháo thì ít cũng có bốn, năm quả văng ra như vậy, và chúng tôi tranh nhau.
Pháo hồi xưa vui và hạnh phúc như vậy đó. Còn pháo bây giờ thì khác hơn, pháo hoa bắn lên cao, mọi người cùng nhìn trong im lặng, lâu lâu ồ lên cảm thán, chứ không nhao nhao như hồi xưa. Còn pháo viên hàng lậu thì tôi không bàn tới vì nó nổ to như mìn, người lớn còn sợ chứ huống chi con nít, chỉ có mấy đứa nghịch ngợm mới thấy vui vì sự sợ hãi của người khác. Tôi tuyệt đối ủng hộ cấm pháo lậu này.
Nếu ví cuộc đời con người như một cuốn sách, thì tôi ví tuổi thơ như nội dung trang bìa sách. Nó không phản ánh hết nội dung của cả cuốn sách, nhưng luôn là cái in đậm nhất, và là tiền đề chắc chắn để ươm những con chữ bên trong cuốn sách. Cha mẹ chính là người đóng ra những trang sách, còn bản thân con cái là người viết nên trang. Tết tuổi thơ tôi cứ thế trôi đi một cách sôi động.
>> Tôi nhường chồng ăn Tết nhà nội đến mùng Ba
Bẵng đi một thời gian, chúng tôi lớn lên, vào cấp ba, rồi đại học, lên thành phố lập nghiệp, từ đó lập gia đình, sinh con đẻ cái. Đa số những người rời xa quê để đi học như chúng tôi thường không chọn con đường quay về nữa. Vì môi trường đã quen, vì công việc, vì tương lai các con nên gần như đa số chúng tôi chọn cuộc sống ổn định ở thành phố. Một số bạn xuất sắc có thể đi du học và định cư nước ngoài, tựu chung lại cũng là xa quê. Người làm bác sĩ, giáo viên, người kinh doanh, người làm công ăn lương... cũng vì thế, thời gian dành cho cha mẹ ngày càng ít.
Tuổi "băm", chính là thời điểm mà cuộc đời của một con người đã cơ bản hình thành: ai là bạn tốt, ai từng là bạn tốt, công việc nào phù hợp, công việc nào yêu thích, nơi sống nào phù hợp, môi trường nào mơ ước, ý nghĩa cuộc sống là gì...? Tất cả đều đã hình thành và có thể nói là khó thay đổi trong nửa sau cuộc đời. Ở tuổi "băm", mọi người ,mọi vật ghé ngang hay đang còn ở lại đều là một phần của cuộc đời chúng ta, tác động không lớn thì nhỏ để hình thành nên cuộc sống, con người của mỗi người.
Tuổi "băm", tôi đã làm cha làm mẹ, Tết đến được nghỉ làm việc cũng như ngày xưa được nghỉ học, cảm giác thấy bớt áp lực. Nhìn thấy các con vui vẻ thoải mái khi được nghỉ học, tôi cũng thấy vui lây, và cũng nhớ về tuổi thơ của mình hồi đó, cũng bằng tuổi bọn nó bây giờ. Rồi tôi lại nhớ về cha mẹ già, chắc chắn là họ cũng rất mong Tết, vì đó là cơ hội để được gặp lại con cháu, là niềm hạnh phúc lớn nhất lúc cuối đời.
Tuổi "băm", tôi mong Tết hơn tuổi đôi mươi. Vì khi ấy tôi đã qua tuổi thơ nhưng chưa tới tuổi trưởng thành, chưa có con cái, chưa biết cảm giác của các bậc làm cha mẹ, nên thường không mong Tết chỉ để có áo mới, ăn ngon, lì xì, và cũng chưa biết Tết là được thấy cha mẹ hạnh phúc. Tết của tuổi 20 vì thế là những cái Tết không rõ ràng.
Tuổi "băm", tôi mong Tết như tuổi thơ, không phải vì mong có áo mới, ăn bánh tét, chả giò, nhận phong bao lì xì, mà tôi mong được nhìn thấy cha mẹ vui khỏe bên con cháu. Mặc dù trong năm có trăm ngàn lời nói động viên cha mẹ, cũng không bằng một vài ngày được ở gần và làm cho họ cười, dù biết sau đó mọi thứ sẽ lại quay vòng quay của cuộc sống.
- 'Hết thời con dâu bắt buộc phải lo Tết nhà chồng'
- Nhà chồng khích bác vì tôi không chịu về nội ăn Tết
- Tôi muốn vợ chu toàn Tết nhà chồng trước khi về ngoại
- Tôi đấu tranh với mẹ để chị dâu được về ngoại ăn Tết
- Đau khổ tột cùng vì tranh cãi về ăn Tết nội hay ngoại
- Nhà 400 m2 nhưng chẳng mệt mỏi dọn dẹp đón Tết