Tại sao lại có câu "Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ"? Đơn giản là vì định kiến xã hội xưa khiến người phụ nữ không có tiếng nói, không được coi trọng. Việc của người vợ là ở nhà nội trợ và nơi làm việc của họ là cái bếp, thế nên người phục nữ thường bị coi là ăn bám, phụ thuộc chồng, tất cả phải vì nhà chồng. Phụ nữ xưa không được tiếp xúc nhiều với xã hội nên nói vào đầu họ cái gì thì họ biết cái đó và răm rắp nghe theo.
Nhưng ngày nay đã khác rồi, phụ nữ cũng phải kiếm tiền để lo liệu cho cuộc sống (chi phí sinh hoạt, con cái ăn học, tiết kiệm cho tương lai, đầu tư nhà cửa, ôtô..). Thế nên, họ đã có tiếng nói hơn, có hiểu biết, có kiến thức, tiếp thu tư tưởng và văn hóa mới mỗi ngày.
Hơn nữa, ngày xưa phương tiện giao thông còn hạn chế, muốn đi về nhà đẻ cũng khó khăn và mất thời gian, thậm chí là chồng không chịu đưa đi nên người phụ nữ đành phải hy sinh đến mùng Hai mới rồi mới dám về. Còn giao thông ngày nay đã phát triển, đi lại dễ dàng, vậy thì tại sao phụ nữ không được về thăm nhà đẻ thường xuyên, nhất là những dịp đặc biệt như lễ, Tết.
Công việc thường ngày vừa đi làm kiếm tiền, vừa lo nhà cửa, chăm con đã quá mệt mỏi cho người phụ nữ. Dịp Tết chỉ được nghỉ vài ngày, tất nhiên ai cũng muốn chọn nơi mà mình cảm thấy dễ chịu nhất, thoải mái nhất để về. Tôi tin, phụ nữ xưa cũng rất muốn về nhà đẻ đón Tết, đón giao thừa, nhưng vì định kiến xã hội, vì không có tiếng nói và nhiều lý do ràng buộc khác mà họ không dám lên tiếng hay chia sẻ cảm nhận của mình, chỉ có thể cố nhẫn nhịn. Chứ không phải họ nghĩ đón Tết nhà nội trước mới là đúng.
>> Tôi muốn vợ chu toàn Tết nhà chồng trước khi về ngoại
Gia đình chồng tôi trước kia cũng mang tư tưởng bảo thủ như vậy. Mỗi lần đến Tết là tôi thấy anh em trai của chồng lời ra tiếng vào. Họ nói tôi phải về nội ăn Tết trước, không về là không tôn trọng bố mẹ, xem thường nhà chồng... Tất nhiên họ chỉ dám xì xào sau lưng chứ không dám nói thẳng trước mặt tôi vì tôi không hề ăn bám chồng. Nhưng tôi vờ như không biết, mặc kệ tất cả. Tôi đã nói với chồng lý do vì sao mình không muốn về nội, nhiệm vụ của chồng là giải thích lại với gia đình anh, không để người khác nói sai về vợ con mình.
Còn nếu gia đình chồng cứ tiếp tục điệp khúc suy diễn lệch lạc và dùng lời lẽ khó nghe với tôi, thì tôi sẽ không về nhà chồng nữa, cho đến khi việc này kết thúc. Đến nay, việc nói ra nói vào ở nhà chồng cũng đã giảm bớt đi phần nào, không còn gay gắt như lúc đầu nữa.
Thực tế, không phải nàng dâu nào cũng đòi hỏi về nhà mẹ đẻ đón Tết. Nhưng ai cần và mong muốn thì cứ để người ta về, nhà chồng không có quyền gì đỏi hỏi giữ người ta lại để lo cho nhà mình trước. Việc ăn Tết ở đâu là do bản thân mỗi người lựa chọn, không có một quy định nào hay bắt buộc phải làm như vậy tất cả các năm và cũng không phải mọi nhà đều như thế.
- 'Tết bày vẽ nấu nướng, dọn dẹp rồi than mệt'
- Nhà 400 m2 nhưng chẳng mệt mỏi dọn dẹp đón Tết
- Tôi khiến vợ con bỏ ý định về ngoại ăn Tết
- Hơn chục năm lấy chồng toàn ăn Tết nhà ngoại
- Đấu tranh Tết ngoại