Tôi rất xúc động với chuỗi bài viết về các em nhỏ mồ côi do Covid -19. Những hỗ trợ về mặt vật chất đã và sẽ được tiến hành, tuy nhiên, làm thế nào nâng đỡ các em về mặt tinh thần lại là một câu hỏi khó hơn.
Từ câu chuyện về cô bé 14 tuổi nhất định sống một mình thay vì sang ở với người chú; những em bé nói chuyện lầm bầm, hét toáng giữa đêm, gọi điện vào số điện thoại của người bố, người mẹ đã mất để nói chuyện... tôi nhận thấy điểm chung đó là những nỗi đau cần được nơi phù hợp để giãi bày. Không phải lúc nào những đứa trẻ này cũng dễ dàng tâm sự với người thân.
>> Những vợ chồng trẻ 'bó mình' trong căn trọ 15m2
Tôi xin có một số góp ý về vấn đề này.
- Việc hỗ trợ kịp thời về mặt tinh thần cho các em điều cần làm ngay, huy động sự chung sức của cộng đồng vì những tổn thương tinh thần hằn sâu và khó chữa lành trong suốt cuộc đời.
- Bên cạnh sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, nên có sự tham gia của các tình nguyện viên. Đây là những người muốn lắng nghe, chia sẻ tâm sự của các em, và được xác minh thông tin nhân thân rõ ràng. Sự cộng đồng hóa này là rất quan trọng để giảm tải cho các chuyên gia tâm lý, giảm chi phí vận hành hệ thống và thể hiện sự quan tâm của cả xã hội dành cho các em. Bản thân tôi, và tôi tin nhiều người khác sẵn sàng tham gia vai trò này.
Phương thức tổ chức:
- Việc bố trí một người nào đó định kỳ thăm hỏi, động viên các em, theo tôi nghĩ không thật sự hiệu quả. Người ta chỉ tâm sự khi muốn. Các "cơn bão" nỗi đau có thể đến và đi nhanh. Khi các em cần ta không ở đó lắng nghe, khi ta đến thì các em chưa thực sự mở lòng.
- Hiệu quả nhất là áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng mạng lưới tư vấn tâm lý trực tuyến. Về lâu dài, hệ thống này không chỉ giúp đỡ các em nhỏ mồ côi trong Covid-19 mà sẽ có hiệu quả lâu dài tới sức khỏe tinh thần của người Việt Nam.
Tôi đề xuất mô hình giống như website học tiếng Anh online một kèm một. Với các ưu điểm như sau:
- Người cần tư vấn (người dùng) có thể đăng nhập vào hệ thống bất cứ lúc nào. Ở đó hiện lên danh sách các chuyên gia, tình nguyện viên đang online và sẵn sàng lắng nghe.
- Chuyên gia, tình nguyện viên đều có đầy đủ hình ảnh, thông tin giới thiệu để người dùng lựa chọn. Khi đã chọn được chuyên gia tin cậy, người dùng có thể đặt lịch hẹn lâu dài với người đó. Sự tự do, tự được lựa chọn này là rất quan trọng về mặt tâm lý, thay vì chỉ định một ai đó trợ giúp các em.
>> Gia đình trẻ khủng hoảng tài chính vì Covid-19
- Các cuộc gọi được record ngay trên hệ thống để tránh các rủi ro, vấn đề phát sinh. Người dùng có thể xem lại video khi cần, đó cũng là một cách để được nâng đỡ về mặt tinh thần.
- Những em nhỏ mồ côi trong Covid-19, sẽ được cấp account miễn phí để tham gia hệ thống này.
- Về lâu dài, hệ thống có thể phát triển rộng trong cộng đồng với các tài khoản thu phí (theo thời gian gọi, theo mức phí của từng chuyên gia, tình nguyện viên). Đây là một hướng tích cực giúp xã hội tiếp cận cởi mở, dễ dàng hơn về vấn đề tư vấn tâm lý, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần cho người dân Việt Nam.
- Đường dây nóng sẽ phù hợp với những em nhỏ không có mạng internet. Đường dây sẽ lựa chọn một chuyên gia/ tình nguyện viên đang online để gọi lại cho các em.
Tư vấn tâm lý không giải quyết mọi vấn đề. Có những nỗi đau mà chúng ta phải tự mình vượt qua. Tuy nhiên, tôi và những người giàu lòng trắc ẩn trong xã hội sẽ yên tâm hơn khi biết rằng các em nhỏ mồ côi vì Covid-19 có được một địa chỉ tin cậy để luôn được chia sẻ, lắng nghe.
Vu Hien Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.