Chỉ cách đây chưa tới một năm, vào tháng 10/2020, Quân, em đồng nghiệp cũ của tôi hân hoan tổ chức tiệc cưới sau khi đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 7/2020 ở Đà Nẵng tạm lắng.
Từ khoảng thời gian đó đến Tết dương lịch là khoảng thời gian êm đềm sau cưới vì dịch tạm thời bị khống chế, cũng như các khoản thu nhập chưa bị ảnh hưởng. Rồi thời điểm ngay trước Tết 2021 dịch lại bùng lên và thổi bay nhiều dự định kinh doanh mùa Tết của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp.
Vợ Quân làm trong ngành tổ chức sự kiện, cứ tưởng sẽ chạy nhiều dự án trong những ngày tết, ở các khu du lịch để kiếm tiền rồi qua Tết đi chơi bù với chồng cũng chẳng muộn nhưng khách hàng huỷ hết các hợp đồng để chống dịch, thế là cô ấy ngồi chơi xơi nước ở nhà suốt mùa Tết. Sau Tết đi làm lại thì lên công ty chỉ để lấy vía chứ cũng không có việc để làm.
>> Vừa mua nhà trả góp 1,5 tỷ đồng thì thất nghiệp
Công ty mới của Quân cũng không khá hơn, tình hình doanh thu cả năm 2020 thu vừa đủ chi nên trước Tết chỉ có lương, thưởng thì qua Tết tính sau. Tôi nhớ thời điểm đó hai vợ chồng em ấy vẫn còn khoản tiền mừng cưới nên cũng không lo lắng nhiều về tài chính. Vẫn gửi tiền, quà mừng Tết về cho gia đình hai bên đầy đủ.
Mọi việc chỉ đến khi tuần trước, em ấy nhắn tin hỏi mượn tiền tôi vì thật sự bí bách do vợ mang thai được ba tháng. Tiền khám thai mỗi lần vài triệu, rồi tiền dưỡng thai cũng tốn kém. Thêm một khoản phải chi trong khi thu nhập chững lại và có dấu hiệu giảm thực sự là một gánh nặng và nỗi lo.
Em nói mượn để dằn túi trong thời gian giãn cách, hứa khi nào dịch bớt căng thẳng sẽ trả lại ngay. Chưa có ý định mượn gia đình vì ở quê cũng khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Tôi tuy không dư giả nhiều, nhưng sẵn lòng chuyển cho em mượn vài triệu để xoay xở.
Một trường hợp khác mà tôi biết là hai vợ chồng em họ tôi, cưới từ đầu năm 2019. Lúc đó chưa có dịch nên mọi thứ khá bình thường, từ làm việc, vui chơi, giải trí...chẳng ai ngờ dịch Covid-19 bùng lên ngay dịp Tết 2020 và kéo dài vài tháng sau đó khiến rất nhiều người điêu đứng.
Thời điểm đó, vợ mất việc, chồng giảm thu nhập vì công ty không có nhiều đơn hàng, vợ chồng em họ tôi phải trả lại căn chung cư đang thuê 8 triệu đồng một tháng và chịu khó đi xa trung tâm hơn để thuê phòng trọ với giá tiền một nửa. Các chi phí cho các khoản không cần thiết được cắt giảm tối đa để không phải chi tiền khi đang nằm chơi xơi nước. Còn trong những ngày đợt dịch này, do đã có kinh nghiệm nên mỗi ngày hai vợ chồng xài chưa tới 40 nghìn đồng. Nhưng vẫn cảm thấy khá bất an nếu tình hình dịch kéo dài. Bởi tiền tiết kiệm đã xài gần hết, trong khi thu nhập bù vào lại chẳng thấm vào đâu.
>> Tôi không thể trả lãi ngân hàng vì dịch
Khi Sài Gòn ghi nhận những ca dương tính đầu tiên vào cuối tháng 5 và bắt đầu bước vào giãn cách vào những ngày đầu tháng 6, cũng như gia hạn giãn cách sau đó, tôi bỗng rùng mình phần vì dịch bệnh, phần vì có bao nhiêu người sẽ trụ được qua mùa dịch này? Phải chăng các cửa tiệm ăn uống, quán xá...sẽ không còn trụ được trước đợt dịch thứ tư này? Sẽ có bao nhiều người phá sản?
Nhưng trên hết, tôi lại nghĩ đến trường hợp cậu em đồng nghiệp cũ và vợ chồng em họ tôi - họ là những gia đình trẻ và đang chật vật vì khủng hoảng tài chính trước dịch bệnh. Tôi tin rằng đang có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ khác cũng đang vướng phải tình trạng thiếu tiền như trên.
Những gia đình trẻ chưa có nền tảng kinh tế vững chắc, chưa có nhiều kinh nghiệp quản lý tài chính đã được Covid-19 dạy cho những bài học thực tế về tiền bạc suốt gần hai năm qua. Những tổn thương mà nó đem lại sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để chữa lành. Những gia đình trẻ, phải chật vật kiếm việc, tạo dựng lại các mối làm ăn hay tích luỹ lại từ đầu.
Nhưng bao giờ thì dịch sẽ hết? Nếu không hết thì chúng ta có tính đến phương án sống chung với dịch không? Nếu không thì phải làm sao?...là những câu hỏi mà tôi cứ nghĩ mãi. Bởi nếu cứ có đợt dịch thứ năm, thứ sáu, thứ bảy thì những gia đình cố cựu, có tích luỹ cũng khủng hoảng chứ đừng nói là những gia đình trẻ nữa.
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.