VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ hai, 13/1/2025

Cách đây 1,5 năm tôi chạy thể dục và bị rách sụn chêm, đi khám thì bác sĩ nói cần mổ, có bác sĩ bảo không cần mổ nên tôi quyết định không mổ. Đầu năm vừa rồi tôi đi khám lại thì tình trạng tương tự. Trước đây chân bị thương yêú và bị teo cơ. Hiện tại, sau 2,5 tháng đạp xe liên ...

Thái Thị Thuỷ, 41 tuổi, Hà Nội

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào anh
Theo như anh chia sẻ, anh có khả năng đã bị tổn thương sụn chêm vùng khớp gối. Để xác định chính xác tình trạng tổn thương sụn chêm của anh, bác sĩ sẽ cần đi thăm khám lâm sàng và cho anh chụp MRI. Từ đó, bác sĩ sẽ biết được tổn thương sụn chêm ảnh hưởng đến khớp gối của anh như thế nào. Một số trường hợp sẽ cần phẫu thuật tạo hình sụn chêm. Bác sĩ khuyên anh nên đi điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng của tổn thương sụn chêm như:
- Đau nhức khớp dữ dội: Khi rách sụn đầu gối, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức trong khớp gối, đặc biệt khi thực hiện các tư thế co duỗi, nghiêng người qua trái, phải. Những chấn thương đột ngột trong thể thao, hoặc tai nạn giao thông có thể gây nên tình trạng sưng đau, không thể duỗi thẳng chân,... Đây chính là dấu hiệu của kẹt khớp, mảnh sụn chêm bị rách đi vào giữa khớp gối, gây nên tình trạng cấn, kẹt ở đầu gối.
- Teo cơ tứ đầu đùi: Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng đau nhức khớp gối kéo dài sẽ khiến người bệnh có nguy cơ bị teo cơ tứ đầu đùi. Lúc này, người bệnh không thể đi lại, không thể duỗi thẳng chân, khó khăn trong vận động.
- Hư khớp gối: Tình trạng đứt dây chằng chéo trước sẽ làm gối mất vững, sụn chêm bị hư hại nặng hơn theo thời gian. Nếu sụn chêm bị hư hoàn toàn, người bệnh bắt buộc phải cắt bỏ sụn chêm, dẫn đến khớp gối nhanh chóng thoái hóa và hư khớp gối. Việc cắt sụn chêm khi tuổi càng trẻ, quá trình thoái hóa và hư khớp gối sẽ diễn ra càng sớm.
- Gây tổn thương lên các bộ phận khác: Thống kê cho thấy, có đến 50% trường hợp rách sụn chêm do tổn thương dây chằng chéo trước dẫn đến các tổn thương khác như bong chỗ bám, tổn thương dây chằng chéo sau, phù tủy xương,... Một số người có thể bị đứt một phần hoặc toàn bộ dây chằng chéo trước, dẫn đến lỏng gối, mất khả năng đi lại.

Tháng 8/2020 trong một trận đá bóng tôi có va chạm và bị hơi gập gối trái vào phía trong, sau đó đầu gối đau và sưng. Tôi có đi kiểm tra thì trong đầu gối có dịch và đã uống thuốc điều trị. Tuy nhiên đến tháng 11/2020, tôi đá bóng lại và bị trượt ngã chân trái nên đầu gối bị nặng hơn. ...

Việt Đức, 36 tuổi, 27A1,cc Green Star, 234 Phạm Văn Đồng, Hà Nội

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào anh
Theo như thông tin anh cung cấp, anh có thể đã bị đứt dây chằng chéo trước (DCCT). Một trong các dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này là khi chạy nhanh, chân sẽ bị khuỵu về phía trước; trong khi anh đi đứng chậm rãi thì chân hoàn toàn bình thường. Bác sĩ khuyên anh nên đi thăm khám và chụp MRI để kiểm tra tình trạng tổn thương.
Nếu bị đứt DCCT toàn phần, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng bằng gân tự thân hoặc gân nhân tạo. Trong trường hợp đứt DCCT bán phần, bác sĩ sẽ phẫu thuật để khâu nối lại DCCT bị tổn thương cho anh. Tuy nhiên, nếu trì hoãn điều trị, anh có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng cơ đùi teo dần, gặp nhiều khó khăn trong di chuyển, sinh hoạt.
Trân trọng!

Em là nam 36 tuổi bị rách sụn chêm trong bên chân trái vùng vô mạch cách đây hơn 15 năm. Lúc đó em có phẩu thuật cắt bỏ phần rách (bị rách dọc) tới gần 2/3 sụn chêm. Nhưng từ đó đến nay gối vẫn kêu lụp cụp và đau khi khi ngồi chéo chân và ngồi xổm , hoặc khi ít vận động ...

Trần Dũng, 36 tuổi, 91 điện biên phủ k2 p6

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào em
Theo như em chia sẻ, em bị đau khớp gối khi ngồi xổm, quỳ gối, bắt chéo chân. Nguyên nhân có thể đến từ tình trạng thoái hóa khớp gối sau phẫu thuật tạo hình sụn chêm. Khi sụn chêm bị cắt gọt sẽ không còn lớp bảo vệ giữa 2 mặt sụn của xương, dẫn đến tình trạng bị bào mòn lớp sụn, khiến khớp gối nhanh bị thoái hóa.
Vì thế, bác sĩ khuyên em nên đi đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định em chụp X-quang để xác định mức độ thoái hóa khớp gối. Nếu thoái hóa ở mức độ I và II, em chỉ cần điều trị bảo tồn (uống thuốc, hạn chế vận động xấu, tiêm chất nhờn). Với mức độ thoái hóa III và IV, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật để bảo trì khớp gối cho em.
Trân trọng!


Tôi bị đâu đầu gối trái từ nửa năm nay, đi lại vẫn bình thường tuy nhiên nếu đi nên cầu thang nếu nhấn vội có hiện tượng bị đau, tôi có chơi thể thao môn golf khí đánh bóng thường hay vặn chân trái. Liệu có phải bị đâu day chằng hay viêm khớp không ạ, hướng xứ lý thế nào ?
Rất ...

Mai Tiến Cương, 49 tuổi, Nhà vườn NV52 kđt mới Trung Văn, nam từ Liêm, hà nội

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào anh
Khi anh bị đau khớp gối không do bị té ngã hoặc chấn thương, bác sĩ có thể loại bỏ nguyên nhân do đứt dây chằng chéo. Thay vào đó, nguyên nhân có thể là do anh đã bị thoái hóa khớp gối. Triệu chứng điển hình của tình trạng thoái hóa khớp gối là anh sẽ bị đau nhiều khi ngồi xổm, quỳ gối, ngồi xếp bằng và gặp nhiều khó khăn trong di chuyển, khi đi có thể nghe tiếng lụp cụp ở đầu gối.
Bác sĩ khuyên anh nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám. Bác sĩ có thể chỉ định anh chụp X-quang và tiến hành các bài kiểm tra lâm sàng. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá mức độ thoái hóa khớp gối hiện tại của anh. Nếu thoái hóa ở mức độ I và II, anh chỉ cần điều trị bảo tồn (tập vật lý trị liệu, uống thuốc, tiêm chất nhờn). Với trường hợp thoái hóa ở mức độ III và IV, bác sĩ sẽ cần can thiệp phẫu thuật. Điều trị sớm sẽ giúp anh bảo trì khớp gối của mình tốt hơn, đồng thời cơ hội quay trở lại chơi thể thao cũng cao hơn.
Trân trọng!

Tôi bị đứt dây chằng chéo đầu gối gần 10 năm. Tôi muốn tư vấn mổ để có thể chơi lại thể thao được không?

Nguyễn thanh minh, 40 tuổi, 111/5 trần nhật duật, phước hòa, nha trang

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào anh
Nếu đã bị đứt dây chằng chéo đầu gối gần 10 năm, anh có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật tái tạo dây chằng bằng dây chằng nhân tạo (LARS). Phương pháp này sẽ giúp tăng độ vững chắc khớp gối ngay lập tức. Qua đó, anh có thể sớm thực hiện các bài tập cơ đùi và quay trở lại chơi các môn thể thao yêu thích.
Bác sĩ khuyên anh nên đến bệnh viện để được thăm khám, tiến hành chụp MRI để bác sĩ xác định tình trạng đứt dây chằng chéo đang ở mức độ nào, đồng thời kiểm tra có tổn thương khác như rách sụn chêm, thoái hóa khớp gối hay không. Điều này rất quan trọng trong quá trình điều trị của anh.
Đối với phẫu thuật tái tạo dây chằng, bác sĩ có thể sử dụng gân tự thân hoặc gân nhân tạo. Với phương pháp gân nhân tạo, chi phí khoảng 100 triệu (đã áp dụng bảo hiểm y tế), gân tự thân là khoảng 60 triệu (đã áp dụng bảo hiểm y tế).
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, anh có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!


Tôi nay 45 tuổi, đang chơi cầu lông 3 lần/tuần. Mới đây thấy đau quá đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm mỏm bám xương cầu trong khủyu tay phải lan xuống bắp tay. Trước người ta bày đã đến phòng khám tư tiêm vào chỗ đau một lần nhưng lại đau lại. Đã đau một năm nay rồi, trái gió ...

Đức Phát, 45 tuổi, Hà Nội

ThS.BS Trương Hoàng Huy

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Đây là một trình trạng khá phổ biến, thông thường mọi người sẽ đau ở khuỷu tay bên ngoài (tennis elbow), tương tự như động tác của vận động viên tennis phải dùng cơ duỗi tay rất mạnh, phần cơ bám từ khuỷu tay đến cổ tay, một điểm đau cũng tương tự là viêm mỏm trong lồi cầu trong xương cánh tay, đó chính là nguyên nhân đau vì sử dụng bộ phận đó nhiều nên cần hỗ trợ và điều trị phần cơ hoạt động nhiều hơn.
Phương pháp điều trị bạn đã sử dụng đó là tiêm thuốc tại chỗ, nhưng bác sĩ chưa rõ là bạn tiêm thuốc gì, vì hiện tại có rất nhiều dược phẩm để tiêm vào cái lồi cầu trong để điều trị: corticoid, collagen, PRP, chất nhờn... Việc điều trị của bạn cũng khá ổn đã giúp bạn hồi phục trong 1 năm nhưng mà sau này sẽ tái phát trở lại. Lời khuyên của bác sĩ là bạn nên tái khám để biết rõ mức độ đau của bạn là gì, có thật sự bạn bị viêm mỏm trên lồi cầu trong hay không, có liên quan đến những tình trạng khác như viêm khớp khuỷu tay, dây thần kinh,...khi chẩn đoán chính xác bác sĩ sẽ có phương án điều trị chính xác hơn. Khi sử dụng hết thuốc kháng viêm giảm đau, liệu pháp tiêm tại chỗ... để duy trì được hiệu quả điều trị, cần kết hợp phục hồi chức năng, vật lý trị liệu như dùng sóng xung kích, sẽ hỗ trợ làm cho sợi gân này tiếp tục phục hồi, được rèn luyện để không bị tái phát.
Vì nhu cầu của bạn là chơi tennis nên nếu sợi gân này điều trị xong mà không bảo trì cũng sẽ dễ bị tái phát vì vậy, việc theo đuổi một liệu trình phục hồi chức năng, vật lý trị liệu không dùng thuốc là cực kỳ quan trọng đối với bạn.
t
 
 


Em mổ nối dây chằng chéo sau, giãn dây chằng chéo trước và mặt sụn bị tổn thương nhiều. Nhưng lúc mổ, bác sĩ nói dây chằng chéo sau liền rồi nên không làm, chỉ xử lý dây chằng chéo trước do giãn nhiều và xử lý mặt sụn do tổn thương. Sau hơn 2 tuần mổ thì mấy ngày nay đầu gối em ...

Minh Vũ, 34 tuổi, Hà Nội

BS.CKI Phạm Quang Thanh Long

Trưởng khoa Phục hồi chức năng, TTCT Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Vấn đề tổn thương đầu gối của bạn có vẻ cũng ảnh hưởng đến nhiều thành phần trong khớp gối. Trong đó theo mức độ đánh giá của bác sĩ với thông tin của bạn cung cấp thì 3 vùng tổn thương là sụn chêm, dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau. Mức độ nặng của cả 3 chấn thương sẽ được sắp xếp theo thứ tự đầu tiên là sụn chêm, thứ hai là dây chằng chéo trước bị giãn (nhưng chưa rõ dây chằng của bạn giãn như thế nào, có thể là đứt bán phần, đứt nhỏ...) và thứ ba là dây chằng chéo sau.

Bác sĩ sẽ phân tích theo thứ tự từ nhẹ đến nặng. Đầu tiên về vấn đề dây chằng chéo sau, chỉ cần bạn được tập tốt cơ đùi sẽ đảm nhiệm được vai trò dây chằng chéo sau nên vấn đề này không cần thiết phải can thiệp. Còn phần dây chằng chéo trước đã giãn, lỏng lẻo, có thể gây mất vững của khớp gối nên cần phải được xử lý chấn thương này và có vẻ bạn đã được xử lý trong đợt mổ vừa rồi. Thứ ba là tổn thương sụn chêm khá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của bạn, vì khi bạn đứng phải chịu tải lên chân đó, mà trước đó sụn chêm khi được can thiệp đã khâu lại hoặc bị cắt gọt bớt nên khi chịu tải lên sớm sụn chêm bị một lực ép có thể làm phá hủy.

Vì vậy, bác sĩ không cho bạn sử dụng toàn bộ lực lên chân mà cần phải sử dụng nạng tối thiểu trong vòng 6 tuần bên bây giờ, bạn cần phải được huấn luyện, hướng dẫn phương án sử dụng nạng như thế nào để chịu tải một phần nhỏ lên chân của mình, còn lại lực tải phải chịu tải lên trên nạng giúp bảo vệ sụn chêm trong thời gian chờ sụn chêm lành. Còn vấn đề khớp gối của bạn bị sưng sau mổ có rất nhiều nguyên nhân như chỉ cần bạn tập luyện nhiều hơn mà bên trong không còn cấu trúc cũ khớp bình thhường mà đã bị tác động. Một số cách để giúp giảm vấn đề sưng như thuốc men, kê cao chân, chườm lạnh, giảm đi mức độ vận động... sẽ làm giảm sưng đầu gối. Bạn đừng nôn nóng vấn đề có thể bỏ được nạng hay không mà mục tiêu bây giờ là bảo vệ vùng mổ đó trước, sau khi vùng mổ an toàn rồi mới thích nghi dần dần và tập luyện để lấy lại mức độ hoạt động thông thường. Với tình trạng giảm chịu tải của bạn, cần giữ được mức độ duỗi bình thường của chân còn lại, vì sau khi mổ rất nhiều bệnh nhân hay bị ảnh hưởng đầu gối cong, không gập duỗi ra hết tầm được và sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục đầu gối và dáng đi của bạn sau này.

t
 
 

Ba em 72 tuổi, bị hẹp ống sống c3 đến c6, ngày 7/12 vừa phẫu thuật "giải áp làm cứng khớp". Lúc vừa phẫu thuật xong thì chân tay giảm sưng rõ rệt. Bác sĩ nói phẫu thuật ổn nhưng khi xuất viện 14/12 về nhà mới phát hiện 2 tay sưng lên nhiều. Chân trái cũng hơi sưng, ngủ li bì cả ngày ...

Nguyễn Ngọc Hân, 36 tuổi

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Theo như bạn chia sẻ, sau mổ, ba của bạn có các triệu chứng như sưng tay chân và ngủ li bì. Trước hết, bác sĩ cần biết toa thuốc khi xuất viện của bác. Vì có rất nhiều loại thuốc kháng viêm cũng như điều trị triệu chứng tê bì của rễ thần kinh có tác dụng phụ là giữ nước. Vì thế, khi sử dụng, người bệnh dễ bị sưng lên một số khu vực trên cơ thể.
Ngoài ra, những loại thuốc giảm đau thần kinh ngoại biên, có tác dụng phụ làm cho người bệnh ngủ li bì cả ngày, đặc biệt là thuốc Pregabalin (Lyrica). Tuy nhiên, nếu trong toa thuốc của bác không có các loại thuốc này, bạn nên lưu ý là bác có mắc các bệnh lý khác đi kèm như tăng huyết áp hay là suy tim, suy thận không. Nếu bị các bệnh lý này, bạn nên đưa ba quay trở lại bệnh viện để các bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời.
Trân trọng!

Chân phải của em đã bị đứt dây chằng chéo. Em đã phẫu thuật được 10 tháng rồi nhưng giờ đây khi em đi lại, cảm giác chân đã phẫu thuật vẫn còn yếu, có thêm hiện tượng co duỗi nghe lạch cạch và tiếng kêu. Vậy bác sĩ cho em hỏi chân có tiếng kêu sau phẫu thuật đứt dây chằng chéo là sao? ...

Duy Minh, 23 tuổi, Chợ Gạo, Tiền Giang

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn
Tiếng kêu của đầu gối có thể do 2 nguyên nhân, thứ nhất có thể là do dây chằng của bạn cấn vào sụn xương, thứ hai có thể do bị khô khớp gối do mất chất nhờn trong phẫu thuật tái tạo dây chằng. Bác sĩ khuyên bạn cần phải bổ sung chất nhờn cho gối để cải thiện được tình trạng khô khớp.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!

Tôi bị viêm phù nề bao gân duỗi, gân dạng ngón một tay trái ( ngang mõn tâm quay). Kết quả siêu âm ở bệnh viên chấn thương chỉnh hình TP HCM. Gần đây, có cho thuốc về uống gần 10 ngày nhưng không bớt mà thấy đau tăng hơn. Hàng ngày tôi vẫn làm nội trợ vận động động chạm tới thấy nhói và ...

Trần thị kim Oanh, 59 tuổi, Phường hưng long -phan thiết bình thuận

BS.CKI Phạm Quang Thanh Long

Trưởng khoa Phục hồi chức năng, TTCT Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Tình trạng của bạn trong y khoa có tên gọi là Hội chứng De Quervain. Đây là tình trạng viêm vùng gân duỗi và dạng của ngón cái. Nguyên nhân tổn thương thường do các hoạt động thường xuyên của bàn tay. Đặc điểm chung của các tổn thương gân bàn tay, bàn chân là khó lành do vùng gân đó phải hoạt động thường xuyên và máu nuôi cung cấp cho gân rất ít. Nguyên tắc điều trị là giảm tình trạng viêm bằng thuốc uống, thuốc tiêm tại chỗ và bằng các tác nhân vật lý thích hợp. Một số công cụ hiện đại đạt hiệu quả cao là tia Laser, sóng xung kích, sóng Radio.. tùy theo mức độ đau của bạn mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Ngoài tác dụng giảm đau, các tác nhân trên còn giúp cải thiện tình trạng tưới máu và giảm viêm trên vùng điều trị. Ngoài ra, nếu được bạn vẫn nên hạn chế các hoạt động gây đau nhằm giúp vùng tổn thương có thời gian nghỉ ngơi hồi phục.

Tôi năm nay 38 tuổi, cách đây 2 tháng có đi chạy bộ buổi sáng, buổi chiều khi đang ngồi ăn cơm thì bị đau phần sườn trái. Hiện tại, tay trái nếu cầm vật nặng đưa sang ngang thì sẽ bị đau từ xương bả vai lan đến sườn và đến thắt lưng. Tôi ngồi nghỉ một lúc thì phần bả vai và sườn ...

Tran Anh, 38 tuổi

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào anh
Về triệu chứng của anh, bác sĩ có thể chia thành 2 trường hợp là đau từ phần bả vai lan đến hông lưng và đau ở vùng mông khi ngồi. Trong trường hợp đau từ bả vai lan tới hông, có nhiều nguyên nhân dẫn tới triệu chứng này như đau từ cột sống cổ, cột sống ngực. Đặc biệt vào thời điểm giao mùa, nguyên nhân phổ biến có thể là hội chứng chóp xoay, đau khớp bả vai lòng ngực và đau thần kinh liên sườn. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ phải thăm khám khớp vai, khớp bả vai lồng ngực cho đến đốt sống cổ của anh. Sau đó, tùy vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định anh chụp MRI, điện cơ, siêu âm, chụp X-quang, từ đó mới đưa ra hướng điều trị thích hợp. Thông thường, với triệu chứng mới chỉ xuất hiện khoảng 2 tháng, bác sĩ chưa cần can thiệp phẫu thuật. Thay vào đó, người bệnh sẽ bắt đầu điều trị nội khoa trước (dùng thuốc, vật lý trị liệu, điện trị liệu và thay đổi lối sống).
Trong trường hợp anh bị đau ở vùng mông khi ngồi, nếu cơn đau từ mông lan xuống dưới chân, làm cho anh đi lại khó khăn, chỉ đi lại được 100-200 mét và có cảm giác tê dần từ mông xuống chân, anh có khả năng bị đau thần kinh tọa. Nếu chỉ đau ở vùng mông, bác sĩ cần phải loại trừ các nguyên nhân khác như là viêm khớp cùng chậu, hội chứng cơ hình lê... Để loại trừ các nguyên nhân này, bác sĩ sẽ cần anh đến bệnh viện để được thăm khám trực tiếp.
Ngoài ra, thoái hóa cột sống thắt lưng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chèn ép thần kinh tọa. Tuy nhiên, nếu chỉ mới bị đau khoảng 2 tháng, bác sĩ khuyên anh nên đi thăm khám càng sớm càng tốt, loại trừ những nguyên nhân cấp tính.
Trân trọng!

Tôi chơi Tennis bị đau vùng khuỷ tay muốn điều trị thế nào để khỏi hẳn không bị tái phát nữa?

Nguyễn duy linh, 40 tuổi, Xã bày chinh huyện châu Đức tỉnh brvt

ThS. BS Phạm Thanh Nghị

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Đây là một trong những hội chứng thường gặp ở những người chơi tennis thường gọi là hội chứng "tennis elbow", do các chuyển động lặp đi lặp lại của cổ tay và cánh tay làm tổn thương các gân cơ bám vào mỏm lồi cầu ngoài xương cánh tay. Một số nguyên nhân chính do: không khởi động kỹ trước khi tập luyện; tay cầm của vợt không phù hợp, nhỏ quá hoặc to quá so với tay; tập luyện quá tải; sai kỹ thuật. Để điều trị trước tiên bạn cần nghỉ ngơi hoàn toàn từ 1 đến 2 tuần để cơ bắp có thời gian hồi phục, có thể sử dụng chườm lạnh để giảm đau (chườm 10 -15 phút/lần, 4-5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 tiếng). Nếu tình trạng không có tiến triển bạn nên đến chuyên khoa y học thể thao để bác sĩ thăm khám cụ thể, và tùy trạng của bạn có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị kết hợp với một số phương pháp như trị liệu bằng sóng xung kích, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP).

Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh hội chứng "tennis elbow" bằng một số cách sau:

1. Khởi động kỹ trước khi tập luyện, căng giãn toàn thân đặc biệt là cơ vùng cẳng tay của cả 2 tay. Sau đó khởi động nhẹ với bóng, tập trung vào kỹ thuật.

2. Kỹ thuật đúng trong thực hiện cú đánh là yếu tố quan trọng nhất để phòng tránh hộ chứng "tennis elbow", thay vì dùng lực của cổ tay và khuỷu tay, bạn nên tạo lực từ vai và xoay thân để giảm áp lực lên cẳng tay.

3. Sử dụng vợt phù hợp, một cây vợt quá to hoặc nặng cũng làm tăng áp lực lên cổ tay và khuỷu tay, làm gia tăng nguy cơ chấn thương.

4. Khi mới quay lại tập luyện, nên bắt đầu với lượng vận động vừa phải cho cơ thể thích nghi dần, có thời gian nghỉ ngơi phù hợp giữa các bài tập và giữa các buổi tập để cơ thể có thời gian hồi phục, lượng vận động có thể tăng dần qua từng tuần, không nên tăng đột ngột. Sau mỗi buổi tập nên chườm đá vùng khuỷu tay ngay cả khi không thấy đau.

5. Tập các bài tập phát triển sức mạnh đặc biệt là sức mạnh vùng trục thân: khi đánh một cú đánh đúng kỹ thuật với lực mạnh đòi hỏi một sự kết hợp một chuỗi chuyển động từ chân, hông, cột sống, vai chuyển qua khuỷu tay và cổ tay, nếu bị yếu ở bất cứ khâu nào trong chuỗi chuyển động này thì các phần khác sẽ bị gia tăng áp lực để bù lại và dẫn đến chấn thương.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Tôi 45 tuổi, vận động thể thao hằng ngày để giữ gìn sức khỏe, khoảng 2 năm nay các đầu khớp tay, chân, cổ, gối... kêu lụp cụp mỗi khi vận động. Tôi vận động nhiều đau đầu khớp. Nhờ bác sĩ tư vấn. Cám ơn.

Võ thị mỹ ngân, 45 tuổi, Khóm 2, thị trấn mỹ an, tháp mười, đồngtháp

ThS. BS Phạm Thanh Nghị

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn
Tình trạng của bạn có thể do 2 nguyên nhân sau:

1. Do tập luyện quá tải, với số lần 150 lần và dùng chính trọng lượng cơ thể làm bài tập có thể gây áp lực lớn lặp lại liên tục đối với cơ, gần và dây chằng vùng vai. Với bài tập này chỉ nên tập với số lần từ 10 – 20 lần một set và lặp lại từ 3 – 5 set trong một buổi tập.

2. Kỹ thuật thực hiện động tác sai, hay tay để quá rộng hoặc quá gần. Dùng lực quá nhiều ở phần cẳng tay do nắm quá chặt hoặc ở phần vai thay vì dùng nhóm cơ vùng ngực.

Ở lứa tuổi của bạn cần phải đặc biệt chú ý đến kỹ thuật và lượng vận động trong tập luyện, do cơ thể ở lứa tuổi này đang trong quá trình lão hóa, suy giảm khối lượng cơ và sự tăng lên của trọng lượng cơ thể. Cơ thể ở lứa tuổi 50-60 không giống một cơ thể 20-30 tuổi, không phải tập càng nhiều càng tốt mà quan trọng là tập với lượng vận động vừa đủ với kỹ thuật phù hợp. Mục tiêu là duy trì sức khỏe, giảm quá trình lão hóa và ngăn ngừa một số bệnh lý như bệnh tim, huyết áp, tiểu đường, loãng xương ...

Hạn chế các bài tập bật nhảy và các bài tập lặp lại với số lần lớn gây áp lực lên khớp và gân, dây chằng. Nên tập các bài tập đa dạng cho toàn thân, các bài tập gia tăng tuần hoàn hô hấp không nên chỉ tập trung vào một số nhóm cơ hoặc bài tập nhất định. Đặc biệt khi tập thường xuyên và lượng vận động lớn bạn nên tham vấn các chuyên gia về y học thể thao để xây dựng một chương trình tập phù hợp với đặc điểm sinh lý lứa tuổi, giảm thiểu các nguy cơ chấn thương không đáng có.

Sau khi đá banh thì phần trước xương bánh chè chân phải bị đau, nghỉ đá 1,2 tuần thì hết. Xin hỏi bác sĩ như vậy có chữa được không?

PHAM NGOC THU, 49 tuổi, 5B PHỔ QUANG, F2, TB, HCM

ThS. BS Phạm Thanh Nghị

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Theo tình trạng bạn mô tả thì việc đau xương bánh chè có thể do một số nguyên nhân chính sau:
1. Tập luyện quá tải, cơ thể không có thời gian thích nghi và hồi phục, do sự thay đổi đột ngột về tần suất tập luyện cũng như cường độ và thời gian tập luyện.
2. Các cơ bao quanh khớp gối bị yếu và mất cân bằng, đặc biệt là ở cơ tứ đầu đùi. Đây là nhóm cơ giúp duỗi gối và ổn định xương bánh chè.
Để phòng tránh bạn cần phải:
- Mang giày phù hợp và khởi động kỹ trước khi tập luyện. Căng giãn cơ tứ đầu đùi và cơ đùi sau trước và sau tập luyện.
- Đảm bảo quá trình thích nghi và hồi phục của cơ thể bằng việc tăng dần lượng vận động, không nên tăng đột ngột số buổi tập/tuần, thời gian tập và cường độ tập.
- Tập các bài tập phát triển sức mạnh cho cơ tứ đầu đùi, đồng thời phải điều chỉnh sự mất cân bằng giữa cơ tứ đầu đùi và cơ đùi sau dưới 30% (sức mạnh của cơ đùi sau phải đạt tối thiểu 70% so với cơ đùi trước).

Em bị thoát vị đĩa đệm l4, l5, S1 gây đau từ lưng xuống hết chân phải cần bác sĩ tư vấn có uống thuốc và tập vật lý trị liệu ở đại học y dược gần 2 tháng nay vẫn chưa đỡ. Em đau nhiều và tăng dần nên mỗi khi đi lại khoảng 5-10 phút. Nằm nghỉ xíu lại hết đau. Thấy bác ...

Nguyễn văn quyết, 33 tuổi, 144 lê thị hoa bình chiểu thủ đức

ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Thoát vị đĩa đệm vùng lưng có thể gây chèn ép rễ thần kinh. Khi rễ thần kinh bị chèn ép tùy vị trí sẽ gây triệu chứng tê, đau, có khi mất cảm giác ở vùng mông, đùi, cẳng chân, bàn chân hay toàn bộ chi dưới. Ngoài ra triệu chứng của bạn cũng có thể tăng thêm do tình trạng căng hoặc yếu cơ vùng lưng, mông. Các giải pháp điều trị thoát vị đĩa đệm như thuốc uống, vật lý trị liệu, vận động trị liệu, thay đổi thói quen sinh hoạt, phẫu thuật sẽ tùy thuộc mức độ đĩa đệm thoát vị và chèn ép rễ thần kinh.
Vì vậy để trả lời câu hỏi của bạn có nên mổ không, nếu không mổ thì điều trị nội khoa như thế nào. Bạn cần đến thăm khám lâm sàng, chụp MRI để bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị chính xác được.

Tôi bị đau mỏi một bên từ thắt lưng xuống bàn chân bên trái, kèm đau lưng, tình trạng của tôi đã bị hơn 10 năm nay. Có lúc bị đau cấp không thể đi lại được và hằng ngày thường xuyên bị đau và mỏi, đau tập trung ở hông và lan xuống bàn chân. Đi khám đông y bác sĩ nói bị thần ...

Nguyễn Tuấn Dũng, 39 tuổi, Vĩnh Phúc

ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn
Qua mô tả của bạn, có thể nói nguồn gốc của triệu chứng là từ vùng lưng. Vùng lưng có nhiều thành phần gây ra triệu chứng tương tự ở trên như: thoái hoá cột sống; bệnh lý đĩa đệm; co thắt cơ lưng mạn tính, vẹo cột sống... Muốn có được chẩn đoán chính xác tình trạng, bạn cần được thăm khám, thực hiện các chỉ định Xquang hoặc MRI vùng lưng. Ngoài ra cần khảo sát cả chất lượng xương để đảm bảo là không bị loãng xương vì cấu trúc đốt sống không chắc khỏe cũng góp phần làm cho hiệu quả điều trị kém đi hay tình trạng thể chất của bạn như thừa cân, thiếu cân, tỷ lệ cơ mỡ chênh lệch nhiều, có các bệnh lý khác đi kèm không... Sau khi có được cái nhìn toàn cảnh về tình trạng bệnh lý của bạn, bác sĩ mới có thể tư vấn cụ thể kế hoạch điều trị.

Tôi bị khuyết eo sống lưng. Tỷ lệ lệch dưới 25%. Xin hỏi có thể chơi thể môn gì? Trước đây có đá bóng, đạp xe, tập chơi tennis... Nay không dám chơi môn gì. Xin cảm ơn

Hồ Văn Thin, 44 tuổi, Phường 4. Tân Bình

ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Tình trạng khuyết eo sau đốt sống, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến độ vững của cột sống. Do vậy, các môn thể thao đòi hỏi xoay chuyển nhiều, nhanh, gây áp lực lên cột sống nhiều như đá banh, bóng chuyền, võ thuật, tennis, cầu lông, chạy đường dài... nếu diễn ra thường xuyên có thể gây các tổn thương như bệnh lý đĩa đệm, thoái hóa đốt sống, trượt đốt sống. Tuy nhiên, vẫn có một số môn thể thao thích hợp cho trường hợp của bạn như: bơi lội, đi bộ, yoga, các bài tập cardio có chọn lọc, tập dưỡng sinh... Nhưng nắm vững nguyên tắc là tập mức độ trung bình khoảng 30 phút/loại hình vận động, thực hiện đều đặn hàng ngày, mức độ chậm hoặc vừa. Ngoài ra bạn nên chú trọng bài tập mềm dẻo và mạnh cơ lưng, giúp hỗ trợ cho cấu trúc cột sống bị khiếm khuyết của bạn. Chúc bạn luôn mạnh khỏe.
Trân trọng!

Các ngón tay tôi khi co lại thì đau các khớp. Bác sĩ nói bị viêm đa khớp. Vậy tôi xin hỏi bệnh có chữa được không? Và chữa như thế nào? Nếu tiêm tế bào gốc thì có chữa được không? Xin cảm ơn nhiều.

Nguyen Huong, 52 tuổi, Vientiane

ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Hy vọng là bạn chỉ có mỗi triệu chứng đau khi co các ngón tay, với biểu hiện như vậy trước khi nghĩ đến bệnh viêm đa khớp, bác sĩ đưa ra vài yếu tố liên quan như: Bạn bao nhiêu tuổi? Nam hay nữ? Công việc bạn đang làm là gì, có sử dụng các ngón tay rất nhiều không? Đau ở vị trí nào? Có gây kẹt ngón khi cử động không? Có từng bị sưng - nóng - đỏ không? Có biến dạng khớp không?... Tổng hợp các yếu tố trên, mới có thể xác định được là tình trạng của bạn do lão hóa, do viêm gân, do viêm đa khớp, hay chấn thương cũ.
Tế bào gốc là danh từ chung để chỉ các chế phẩm sinh học tự thân hay nhân tạo. Hầu hết các bệnh lý ở ngón tay ít có chỉ định dùng tế bào gốc để điều trị. Với thông tin ít ỏi từ bạn, rất khó để có lời khuyên cụ thể cho bạn. Bạn có thể đến BVĐK Tâm Anh thăm khám lại và được tư vấn cụ thể và hiệu quả hơn. Chúc bạn sức khỏe.

Tôi 44 tuổi đi khám bị thoái hóa đa khớp. Khi cử động các khớp kêu lục cục, đã uống thuôc đông tây, châm cứu rồi nhưng không đỡ. Với bệnh của mình nhờ bác sĩ tư vấn giúp.

Phạm Đức Tùng, 44 tuổi, 16 trường sơn đã nẵng

ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Đầu tiên, bạn cần biết thoái hóa khớp có 4 độ từ nhẹ đến nặng, trong đó độ 1, 2 và 3 có thể điều trị nội khoa và cũng có thể chơi được các môn thể thao từ nặng đến nhẹ. Tiếp theo, bạn cần biết cấu trúc khớp bao gồm xương, sụn khớp và hệ thống cơ - dây chằng quanh khớp. Thoái hóa khớp nếu không điều trị đúng và kịp thời, dần dần sẽ làm suy giảm chất lượng xương và sụn khớp đồng thời làm suy yếu nhóm cơ - dây chằng quanh khớp. Khi các thành phần trên bị suy yếu, sẽ làm cho tình trạng thoái hóa khớp nặng thêm. Đây là vòng lẩn quẩn, đòi hỏi công việc điều trị sáng suốt lựa chọn điểm mấu chốt để mở nút thắt của vòng lẩn quẩn này, đồng thời đòi hỏi sự kiên nhẫn của bệnh nhân.
Như vậy ngoài việc đánh giá thoái hóa khớp của bạn đang ở giai doạn 1, 2, 3 hay 4, bạn cần được đánh giá chất lượng xương - khớp và cơ - dây chằng bên trong các khớp bạn mắc phải, khớp nào được ưu tiên điều trị trọng tâm hoặc may mắn thì có thể điều trị cùng lúc. Sau khi tổng hợp tất cả các yếu tố trên, bác sĩ mới có kế hoạch điều trị phục hồi khớp .
Tại BVĐK Tâm Anh, bạn sẽ được khám và lượng giá các vấn đề trên và các bác sĩ sẽ đồng hành cùng bạn để đạt được kết quả tốt nhất có thể.
Trân trọng!

Trước nay tôi hay chơi môn xà đơn xà kép luyện tập đều đặn cách đây hai năm cảm giác hơi ê khớp cổ tay. Hơn tháng nay, thì đau ê ẩm ngay cổ tay phải, ngón tay cái gập lại là rất đau, cảm giác như giãn gân cơ. Tôi đã chụp phim thì không sao, không sưng, bác sĩ khoa nội nói bị ...

thái quang minh, 53 tuổi, quy nhơn

ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Theo cách bạn mô tả, bác sĩ nghĩ nhiều đến tổn thương viêm gân gập hoặc gân duỗi đi dọc theo ngón cái. Đây là bệnh lý không nặng nhưng đôi khi khi lại gây cảm giác đau rất nhiều, đặc biệt khi không chú ý các cử động dễ gây đau điếng đột ngột vùng cổ tay, ngón tay. Thường gặp ở những người làm công việc như cầm dao, kéo thường xuyên hoặc như trường hợp tập luyện của bạn phải sử dụng cổ tay - ngón tay với lực rất lớn. Bệnh lý viêm gân thường được điều trị bằng thuốc uống hoặc tiêm bao gân bằng thuốc kháng viêm kết hợp nghỉ ngơi tránh các hoạt động có liên quan đến sử dụng lực ngón cái đủ thời gian để gân viêm lành, nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn bạn nhé.