Chấn thương thể thao là gì?
Chấn thương thể thao là những tổn thương do hoạt động thể thao gây ra sự giới hạn hay tạm ngưng khả năng tham gia tiếp tục các hoạt động thể dục thể thao của người vận động viên. Theo phân loại của Hệ thống báo cáo chấn thương của vận động viên Mỹ thì chấn thương thể thao được chia là ba loại:
- Loại nhẹ: những chấn thương làm giới hạn thi đấu trong 7 ngày
- Loại vừa: những chấn thương làm giới hạn thi đấu 7-21 ngày.
- Loại nặng: những chấn thương làm giới hạn thi đấu trên 21 ngày.
Ngoài ra còn có loại đặc biệt nặng là tử vong, liệt tứ chi, liệt một chi hay phải đoạn
chi.
Chấn thương do chơi thể thao có thể được phân loại là chấn thương vĩ mô và chấn thương vi mô.
- Chấn thương vĩ mô: Chấn thương thường do một lực mạnh - chẳng hạn như ngã, tai nạn, va chạm hoặc vết rách và phổ biến hơn trong các môn thể thao tiếp xúc như bóng đá và bóng bầu dục. Những tổn thương này có thể là nguyên phát (do tổn thương mô trực tiếp) hoặc thứ phát (do truyền lực hoặc giải phóng các chất trung gian gây viêm).
- Chấn thương vi mô: Thường là những chấn thương mãn tính do sử dụng quá mức một cấu trúc như cơ, khớp, dây chằng hoặc gân. Loại chấn thương này phổ biến hơn trong các môn thể thao như bơi lội, đạp xe và chèo thuyền.
Nguyên nhân gây chấn thương và những loại thường gặp
Hầu như bộ phận nào trên cơ thể cũng đều có khả năng bị chấn thương trong quá trình tập luyện, bao gồm cơ, xương, khớp và dây chằng, gân. Vị trí dễ bị tổn thương nhất là mắt cá chân và đầu gối.
Các nguyên nhân khiến cho người chơi thể thao dễ gặp chấn thương thể thao bao gồm:
- Tai nạn trong khi tập hoặc chơi thể thao như té ngã hay bị va đập mạnh
- Sử dụng thiết bị hoặc dụng cụ sai cách hoặc sai kỹ thuật
- Không khởi động đúng cách trước khi tập luyện
- Ép bản thân vận động quá sức
Những chấn thương thể thao phổ biến gồm:
- Bong gân và căng cơ
- Chấn thương đầu gối
- Sưng cơ
- Chấn thương gân gót chân (còn gọi là gân Achilles)
- Đau dọc theo xương ống chân
- Chấn thương chóp xoay ở vai
- Gãy xương
- Trật khớp xương
Biến chứng của chấn thương thể thao
Phần lớn bệnh nhân sẽ gặp phải những hậu quả, di chứng không mong muốn sau khi gặp chấn thương dẫn tới khó tham gia thể thao và trở lại phong độ thi đấu. Di chứng sau chấn thương thể thao thường gặp phải do chế độ sinh hoạt, tập luyện phục hồi chức năng không đúng bao gồm:
- Đau
- Xương chậm liền.
- Can lệch, khớp giả
- Teo cơ
- Cứng khớp, biến dạng khớp
- Lỏng khớp, tràn dịch khớp
- Tổn thương thần kinh, liệt
- Hạn chế chức năng sinh hoạt và di chuyển...
- Tái chấn thương: thường xảy ra khi người bệnh trở lại sinh hoạt và chơi thể thao quá sớm, khi cơ thể chưa đủ khả năng đáp ứng do người bệnh thiếu sự định hướng, tuân thủ theo sự hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng của bác sĩ dẫn tới sức mạnh cơ chưa đủ đáp ứng, giảm điều hợp giữa các vùng vận động, mất cân bằng sức mạnh giữa nhóm cơ chủ vận và nhóm cơ nghịch vận sau chấn thương thể thao lần đầu.
Tầm quan trọng của phục hồi chức năng sau chấn thương thể thao
Phục hồi chức năng là một quá trình hỗ trợ và tập luyện nhằm giảm thiểu tổn thất liên quan đến chấn thương cấp tính hoặc bệnh mãn tính, để thúc đẩy phục hồi và tối đa hóa năng lực chức năng, thể lực và hiệu suất sau chấn thương.
Mục tiêu lớn nhất của phục hồi chức năng là hạn chế mức độ tổn thương, giảm hoặc đảo ngược tình trạng suy giảm và mất chức năng, đồng thời ngăn ngừa, sửa chữa hoặc loại bỏ hoàn toàn khuyết tật. Sau khi trải qua quá trình này, khả năng vận động và chơi thể thao phải tương tương như trước khi bị chấn thương.
Phục hồi chức năng sau chấn thương thể thao còn là cách ngăn chặn tình trạng tái chấn thương do sự mất điều hợp giữa các nhóm cơ, mất cân bằng sức mạnh giữa nhóm cơ chủ vận và nhóm cơ nghịch vận sau chấn thương thể thao
Tập luyện phục hồi chức năng giúp bệnh nhân nhanh phục hồi khả năng vận động, đặc biệt tránh được các nguy cơ di chứng sau chấn thương hoặc phẫu thuật và tái hòa nhập cộng đồng.
Nguyên tắc của phục hồi chức năng sau chấn thương
Quá trình phục hồi chức năng nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau chấn thương và tạo thành một chuỗi liên tục với các can thiệp trị liệu khác. Quá trình này có thể bắt đầu trước hoặc ngay sau khi phẫu thuật khi chấn thương cần can thiệp phẫu thuật.
6 nguyên tắc trong phục hồi chức năng cần phải lưu ý bao gồm:
Tránh tăng nặng: Điều quan trọng nhất trong phục hồi chức năng đó là không khiến chấn thương tiến triển xấu đi trong quá trình tập luyện. Việc tập phục hồi chức năng nếu được thực hiện không chính xác hoặc không có sự theo dõi từ kỹ thuật viên có chuyên môn cao, có thể làm trầm trọng thêm chấn thương và làm ảnh hưởng tới khả năng vận động về sau.
Thời gian: Phần tập luyện trị liệu của chương trình phục hồi chức năng nên bắt đầu sớm, tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng chấn thương. Thời gian nghỉ ngơi và tập luyện cần được sắp xếp hợp lý, nghỉ ngơi sau chấn thương là điều cần thiết, tuy nhiên nghỉ ngơi quá nhiều có thể gây hại cho quá trình hồi phục. Đối với các vận động viên chuyên nghiệp, việc nghỉ ngơi phần cơ thể bị chấn thương được diễn ra song song với việc tập luyện phần còn lại của cơ thể - thường được gọi là "nghỉ ngơi tương đối".
Tuân thủ: Tuân thủ phác đồ phục hồi chấn thương là điều bắt buộc đối với mỗi người bệnh. Để đảm việc này, điều quan trọng là bệnh nhân cần phải hiểu về nội dung, mục tiêu của chương trình và liệu trình phục hồi chức năng dự kiến. Mục tiêu hoạt động là yếu tố thúc đẩy, từ đó tăng sự tập trung, sức bền và định hướng cho vận động viên tiếp tục tập luyện, là một phần quan trọng của phục hồi chức năng sau chấn thương.
Cá thể hóa: Mặc dù chấn thương có thể giống về loại và mức độ nghiêm trọng, nhưng sự khác biệt luôn thể hiện rõ ở sự phục hồi, khả năng đáp ứng của cơ thể với bài tập. Sự khác biệt về sinh lý, tuổi tác, giới tính, bệnh nền sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch phục hồi chức năng.
Trình tự cụ thể: Một chương trình tập thể dục trị liệu nên tuân theo một chuỗi sự kiện cụ thể. Trình tự cụ thể này được xác định bởi phản ứng sinh lý của cơ thể và được xây dựng bởi những chuyên gia phục hồi chức năng chuyên nghiệp.
Cường độ phù hợp: Mức độ và cường độ của chương trình tập luyện trị liệu thường mang tính thử thách vùng bị thương nhưng phải đảm bảo không khiến chấn thương nặng thêm. Kỹ thuật và các bác sĩ phục hồi chức năng phải đảm bảo luôn theo sát đáp ứng của bệnh nhân và xem xét quá trình tập luyện để định liều điều trị.
Dinh dưỡng trong quá trình phục hồi chức năng
Sử dụng thực phẩm giàu protein
Protein là thành phần quan trọng xây dựng để phát triển cơ bắp . Sau khi gặp sự cố, phần cơ thể đó thường phải hạn chế cử động để tăng tốc độ phục hồi chấn thương, dẫn đến sức mạnh và khối lượng của cơ bắp sẽ giảm đi.
Lúc này, bổ sung đủ protein trong chế độ ăn uống sẽ giúp bạn duy trì lượng cơ tốt hơn, giảm viêm và tăng tốc độ hồi phục hiệu quả. Protein cũng sẽ giúp xây dựng khối cơ khi bạn bắt đầu tập luyện trở lại.
Một lưu ý nhỏ là khi bổ sung protein, người bệnh nên tính lượng protein cần thiết mỗi ngày và chia đều trong các bữa ăn sẽ giúp cơ bắp phát triển tốt hơn. Thêm một bữa nhẹ giàu protein vào buổi tối cũng giúp cơ thể tăng tốc độ hồi phục và xây dựng cơ bắp trong lúc ngủ.
Thực phẩm giàu chất xơ
Bạn nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vì quá trình phục hồi chức năng chấn thương khiến bạn phải không thể tập luyện với tần suất và cường độ như ban đầu, cơ thể có khả năng sẽ tích trữ nhiều chất béo hơn mong muốn.
Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ, các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt đều chứa nhiều dưỡng chất khác như vitamin C, magiê và kẽm rất có thể hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng.
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C giúp cơ thể bạn tạo ra collagen, cần thiết cho mô cơ, xương khớp, gân và da của bạn. Bổ sung vitamin C sẽ giúp cơ thể xây dựng lại mô sau chấn thương. Loại vitamin này còn có khả năng chống oxy hóa và kháng viêm, giúp giảm đau nhức và tăng tốc đội phục hồi của cơ thể.
Bạn có thể dễ dàng bổ sung vitamin C qua chế độ ăn uống với các thực phẩm giàu vitamin C như trái cây có múi, ớt chuông, rau lá xanh, kiwi, bông cải xanh, đu đủ, cà chua, xoài và quả mọng.
Thực phẩm giàu omega-3
Giai đoạn đầu tiên trong quá trình làm lành vết thương luôn xuất hiện tình trạng viêm, cần thiết cho việc điều trị. Tuy vậy, viêm nhiễm nặng và lâu dài sẽ tác động ngược khiến cơ thể lâu lành hơn.
Để hạn chế viêm nhiễm, bạn có thể bổ sung axít béo omega-3, có nhiều trong các thực phẩm như cá, tảo biển, quả óc chó, hạt chia và hạt lanh... có đặc tính chống oxy hóa và giảm viêm. Omega-3 còn thúc đẩy xây dựng protein cơ bắp và hạn chế giảm khối lượng cơ.
Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là thành phần của nhiều loại enzym và protein, bao gồm những enzym cần thiết cho việc chữa lành vết thương, hồi phục và phát triển mô cơ. Bệnh nhân nên bổ sung các thực phẩm giàu kẽm như thịt, cá, động vật có vỏ, các loại đậu, hạt và quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt... Lưu ý nếu bổ sung kẽm ở hàm lượng cao, cơ thể có khả năng sẽ bị thiếu đồng.
Thực phẩm giàu vitamin D và canxi
Canxi là thành phần quan trọng đối với việc phát triển xương và răng chắc khỏe. Loại khoáng chất này cũng tham gia vào quá trình co cơ và truyền tín hiệu thần kinh.
Việc phục hồi chức năng của được quản lý bởi một nhóm đa ngành bao gồm, bác sĩ chấn thương thể thao, bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng, bác sĩ dinh dưỡng. Nhóm phục hồi chức năng phối hợp chặt chẽ với bệnh nhân để thiết lập các kế hoạch phục hồi chức năng, thảo luận về tiến trình đạt được từ các biện pháp can thiệp khác nhau và thiết lập khung thời gian để tránh tối đa các di chứng sau chấn thương và mục tiêu đưa vận động viên trở lại tập luyện và thi đấu.
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)