VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ sáu, 1/11/2024


Tôi bị tai nạn trong lúc đá bóng nên bị gãy xương mác, xương chày và bị trật khớp. Hôm nay, tôi mới được nẹp 8 lỗ xương mác, đóng 2 đinh ở xương chày. Nhưng một tiếng sau khi mổ tôi thấy bị căng cơ, chân mỏi như đang căng cơ vậy. Xin hỏi bác sĩ, triệu chứng căng cơ kèm mỏi chân ...

Quang Huy, 29 tuổi, Tuy Hoà, Phú Yên

Ths.BS.CKI Lê Đình Khoa

Trưởng khoa Tái tạo khớp, TTCT Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Theo như bạn mô tả thì thông thường ca mổ của bạn bác sĩ gây mê sẽ gây tê tuỷ sống của mình tức là chích một mũi thuốc tê ở sau lưng khiến mình mất cảm giác đau ở vùng chi dưới mới có thể mổ được. Nên sau khi mổ một tiếng bạn có cảm giác còn tê mỏi ở vùng dưới thì là điều rất bình thường vì lúc này thuốc tê vẫn còn, sau 8-12 tiếng thì tác dụng của thuốc tê sẽ giảm đi sẽ lấy lại được cảm giác của vùng chi dưới. Nếu sau đó bạn vẫn còn cảm giác tê, căng thì nên thăm khám lại vì khi bạn bị chấn thương có tổn thương thần kinh, mạch máu ở vùng chi dưới hay không.

t
 
 


Năm em 17 tuổi, khi chơi bóng rổ, bị ngã gãy một xương tay bên trên cổ tay (gãy xương chính). Gia đình đưa em đi bó lá ở chỗ người quen biết, sau khi bó lá xong cũng không chụp X-quang xem xương đã thẳng hay chưa mà cứ để vậy sau một tháng thì tháo lá ra. Hiện tay không thẳng ...

Nguyễn Hồng Thi, 17 tuổi, Tạ Quang Bửu, Quận 8, TpHCM

Ths.BS.CKI Lê Đình Khoa

Trưởng khoa Tái tạo khớp, TTCT Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Thông thường người Việt hay truyền tai nhau gãy xương nên đi bó lá bó thuốc. Như chia sẻ của em thì khả năng em bị gãy đầu dưới xương quay, nên sau một tháng thì xương chưa liền hoàn toàn được, chỉ mới liền nhưng vẫn có lệch.

Do đó, em nên đi tái khám lại để chụp Xquang xem mức độ lệch của xương như thế nào. Như chúng ta biết, vùng cẳng tay gồm xương quay và xương trụ, hai phần xương này cần phải nắn chỉnh về mặt giải phẫu thì lúc đó mới có thể làm được các động tác như sấp ngửa cổ tay, cẳng tay, vận động cổ tay. Đồng thời, sức mạnh của cổ tay cần có sự hoàn hảo về mặt giải phẫu hai phần xương.

Khi em bị lệch, em cần phải chỉnh lại sớm. Bên cạnh đó, đối với những bệnh nhân bó thuốc thường rất dễ bị nhiễm trùng, do những loại lá thuốc gây ra nhiệt, làm tổn thương lớp da, gây phản ứng viêm tại chỗ vùng gãy. Do đó khi bị chấn thương gãy xương, tốt nhất chúng ta nên đến những bác sĩ chuyên cơ xương khớp, cơ sở uy tín để có phương pháp điều trị thích hợp, chưa kể khi bó thuốc thời gian đã qua một tháng thì muốn can thiệp lần hai sẽ gặp khó khăn hơn.

Chấn thương thể thao
 
 


Tôi nay 45 tuổi, chơi cầu lông, bị viêm mỏm bám xương cầu trong khủy tay phải lan xuống bắp tay. Đã tiêm vào chỗ đau một lần nhưng lại đau lại. Tôi đau một năm nay rồi. Xin hỏi có thể chữa khỏi không? Trường hợp của tôi có cách điều trị nào dứt điểm không? Xin cảm ơn bác sĩ.

Trần Tâm, 45 tuổi, Dĩ An, Bình Dương

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bác!
Theo như thông tin bác chia sẻ, bác có thể bị viêm điểm bám mỏm trên lồi cầu trong. Đây là chấn thương thường gặp trong thể thao. Bệnh lý này đều có thể điều trị khỏi hoàn toàn. 90% người bệnh đều chỉ cần điều trị bảo tồn. Ngoài việc sử dụng thuốc uống, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc thoa tại chỗ để giúp tăng máu nuôi đến gân, giảm quá trình viêm.
Có một vấn đề hết sức quan trọng thường bị bỏ quên đó trong điều trị bệnh lý này là tập vật lý trị liệu. Vai trò của bác sĩ phục hồi chức năng trong điều trị viêm mỏm trên lồi cầu trong là hết sức quan trọng. Vì bệnh lý này rất dễ làm tình trạng viêm điểm bám gân cơ tái đi tái lại. Nếu chỉ uống thuốc, sau một thời gian, bệnh rất dễ tái phát.
Khi tập phục hồi chức năng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bác những bài tập giúp gân cơ bị tổn thương phát triển đúng hướng, tái tạo bám vào xương. Ngoài ra, bác sĩ phục hồi chức năng cũng có thể đưa ra chỉ định can thiệp điện trị liệu (tia laser, sóng xung kích...), qua đó tăng tưới máu nuôi đến điểm bám gân, giúp gân bám sát vào xương, phục hồi tình trạng gân nguyên thủy. Điều này sẽ giúp cho chấn thương nhanh chóng phục hồi và tránh tái phát hiệu quả.
Vì thế, bác sĩ khuyên bác nên đến thăm khám các bác sĩ phục hồi chức năng để được tư vấn điều trị tốt nhất. Nếu như đã trải qua quá trình phục hồi chức năng mà tình trạng chấn thương vẫn không thuyên giảm, bác sĩ mới cần phải can thiệp phẫu thuật.
t