VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ hai, 13/1/2025

Em bị tai nạn xe cuối năm 2019 và gãy xương đùi trên. Bác sĩ đã mổ tuy nhiên khi theo dõi mà mới chụp X-Quang thì phần xương vẫn không liền sau gần 2 năm. Em có đi khám thì bác sĩ tư vấn cần mổ ghép xương lại. Bác sĩ có thể giải thích thêm giúp em vì sao trường hợp xương em ...

Hòa Tâm, 28 tuổi

Ths.BS.CKI Lê Đình Khoa

Trưởng khoa Tái tạo khớp, TTCT Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào em
Theo như em chia sẻ em đã được phẫu thuật kết hợp xương gãy 1/3 trên xương đùi đã được 2 năm. Kết quả chụp X-quang sau 2 năm chưa có dấu hiệu liền xương nên có thể chẩn đoán em bị khớp giả (không liền xương) 1/3 trên xương đùi.
Lý do tại sao xương em không liền? Để xương gãy được liền tốt cần đảm bảo 2 yếu tố: yếu tố sinh học và yếu tố cơ học. Yếu tố cơ học là xương gãy được nắn và cố định tốt, vững chắc bằng các loại đinh hay nẹp vít. Yếu tố sinh học là khi mổ phải bảo tồn được các mạch máu nuôi xung quanh để nuôi và hỗ trợ ổ gãy lành xương. Khi thiếu 1 trong 2 yếu tố trên có thể dẫn đến chậm liền xương hoặc thậm chí không liền xương như trường hợp của em.
Trường hợp của em nên đi khám và chụp phim lại để xác định xem xương gãy của mình thiếu hụt yếu tố nào hay cả 2 yếu tố kể trên. Từ đó sẽ có kế hoạch phẫu thuật điều trị ổ khớp giả thích hợp bằng nhiều phương pháp: thay đinh, kết hợp xương lại, đặt nẹp tăng cường, ghép xương...
Sau mổ, vật lý trị liệu là một phần rất quan trọng trong quá trình điều trị giúp em lấy lại sức cơ, giảm đau, mau lành xương và phục hồi tốt. Do đó, em nên kiên trì và tuân thủ trong quá trình tập vật lý trị liệu trước và sau mổ. Khi xương hoàn toàn lành là em có thể chơi đá bóng trở lại. Chúc em mau khỏe.
Vài dòng trao đổi cùng em.


Em mấy năm trước bị một chấn thương trong bóng đá bị ngáng chân, ngã nhưng không úp thẳng người xuống mà xoay ngang người. Phần hông trái tiếp xúc và va đập vào mặt sân (mặt sân đấy cỏ khá mỏng), em xạng ngang chân thì đau nhưng chạy thẳng thì lại không thấy đau. Em lúc đấy không thấy đau nên tiếp ...

Minh Quân, 33 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Theo miêu tả của bạn, bạn bị đau hông bên trái do bị té ngã khi chơi đá bóng. Vùng đó không có dây chằng, nên bạn đừng lo lắng về chấn thương này. Nhiều khả năng bạn bị đau chỉ do chấn thương phần mềm, nặng hơn là nội tạng phía trong, cụ thể là thận. Nếu như bạn vẫn sinh hoạt, chơi thể thao bình thường thì cũng không cần phải lo lắng. Bởi khi có tổn thương nặng, triệu chứng sẽ trầm trọng và rầm rộ hơn rất nhiều. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp một vấn đề khác là căng cơ vùng hông trái.

Với trường hợp này, bạn có thể được điều trị bằng chiếu tia laser, dùng máy chiếu tần số cao, tập vật lý trị liệu, uống thuốc... để cơ giãn ra, phục hồi về trạng thái ban đầu.

Trong trường hợp cần được kiểm tra thêm về tổng trạng hay các chấn thương khi chơi thể thao, bạn có thể đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh để được hỗ trợ. Bạn cũng có thể gọi tổng đài của bệnh viện để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội 1800 6858, TP HCM: 02871026789 để được hỗ trợ.

Chấn thương trong thể thao
 
 

Em bị tai nạn và bác sĩ chẩn đoán bạn bị bong điểm bám dây chằng chéo trước gối, căng cơ và bong gân. Bác sĩ chỉ định mổ và em mổ đến nay tròn một tháng. Sau khi tái khám bác sĩ yêu cầu em về tập đi và tập co duỗi gối. Em đã tập được 4-5 ngày, tuy nhiên trong quá trình ...

Đỗ Quyên, 31 tuổi, Thanh Hoá

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Bạn có triệu chứng bị bong điểm bám dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, bạn không chia sẻ là đã chấn thương bao lâu rồi. Nếu bị bong điểm bám dây chằng chéo trước trong khoảng một tháng trở lại, bác sĩ có thể mổ cho bạn bằng phương pháp đính điểm bám dây chằng. Trong trường hợp đã hơn một tháng, vùng điểm bám dây chằng đã bị xơ hóa, bạn sẽ được mổ bằng phương pháp tái tạo dây chằng sử dụng dây chằng nhân tạo hoặc gân tự thân.

Với triệu chứng cứng và đau khớp sau mổ, đó là hiện tượng bình thường. Hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rối loạn dinh dưỡng và teo cơ sau chấn thương. Bạn cần thực hiện bài tập phục hồi chức năng phù hợp, tập dần dần để cải thiện độ linh hoạt cho khớp.

Thêm vào đó, bạn còn có triệu chứng do tập quá sức, nghe một tiếng khực lớn, khớp gối lỏng, tôi nghi ngờ là bạn bị đứt dây chằng chéo trước một lần nữa. Trong trường hợp này, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đề được thăm khám, chụp MRI để cho kết quả chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp.

Chấn thương thể thao
 
 


Em bị chấn thương đầu gối cách đây khoảng một năm do đá bóng. Sau đó có chụp MRI và X-Quang. Kết quả là rách dây chằng và rách sụn chêm. Kết quả X-Quang thì có một mảnh xương nhỏ cỡ đầu đũa nằm giữa 2 khớp gối, bác sĩ ghi là gãy xương chày khớp gối. Hiện tại em đi lại bình thường ...

Trần Nhân, 36 tuổi, Nam Định

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Bạn được chẩn đoán là có một mảnh xương nhỏ nằm trong khớp. Giới chuyên môn gọi đây là "chuột khớp", bởi mảnh xương đó sẽ di động trong khớp gối. Khi bạn hoạt động mạnh, sai tư thế, mảnh sạn bị kẹt lại giữa hai đầu xương của xương đùi và xương chày gây nên tình trạng kẹt khớp. Đôi khi chỉ cần bạn ngồi xuống lắc nhẹ nhàng, cử động chân là mảnh xương rời đi, khớp sẽ không bị kẹt.

Theo tôi, bạn nên đi kiểm tra để được các bác sĩ phẫu thuật, lấy sạn khớp ra. Bởi nếu sạn còn tiếp tục tồn tại trong khớp gối lâu ngày sẽ gây ma sát, làm hư hại mặt sụn ở đầu xương đùi hoặc mâm chày, sụn vỡ càng lúc càng nhiều sẽ dẫn đến thoái hóa khớp gối. Đồng thời bạn nên kiểm tra tình trạng dây chằng và sụn chêm để xem nguyên nhân là gì, xử lý triệt để để bạn nhanh chóng quay trở lại với môn thể thao yêu thích của mình.

Chấn thương thể thao
 
 


Em chơi bóng đá. Trong quá trình trụ và tranh chấp, em có bị chấn thương gối, sau 3 tuần không đỡ em có đi khám và được chẩn đoán là dập dây chằng chéo trước và rách sụn chêm. Vậy bác sĩ cho em hỏi dập dây chằng chéo trước, rách sụn chêm có phải mổ không? Em cảm ơn bác sĩ ạ.

Trần Quý, 31 tuổi, Quận 8, TP.HCM

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Về trường hợp của bạn thì dập dây chằng là tình trạng dây chằng có bị tổn thương, nhưng không rõ là có đứt hay không hoặc có đứt bán phần. Bởi nếu thời gian bạn đi khám vào khoảng ba tuần sau chấn thương khớp gối lúc đó đang sưng to, chảy máu, tràn dịch, tràn máu nên khi chụp MRI sẽ khó nhìn rõ dây chằng. Do đó, trong trường hợp này bạn nên đi khám chuyên khoa để các bác sĩ kiểm tra bằng các nghiệm pháp Lachman, ngăn kéo... để xem tình trạng dây chằng như thế nào.

Đồng thời, với trường hợp tổn thương dây chằng và sụn chêm như thế này, bạn nên chụp MRI để xem tổn thương dây chằng và sụn chêm có nặng nề và cần phẫu thuật hay không. Nếu tình trạng nhẹ, bạn có thể nghỉ ngơi khoảng một tháng là có thể tập luyện và chơi thể thao lại như bình thường.

Chấn thương thể thao
 
 


Con trai tôi đã từng thực hiện mổ dây chằng chéo trước một lần nhưng không thành công, sau phẫu thuật cháu nó không thể chơi bóng rổ lại được. Bây giờ, cháu nó muốn chơi thể thao lại. Liệu cháu nó thực hiện mổ lần 2 được không? Tôi nghe nói có loại dây chằng nhân tạo gì đó, rất phù hợp với ...

Hương Phạm, 34 tuổi, Hà Nội

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào chị,

Như chị chia sẻ, con trai từng mổ dây chằng chéo trước nhưng không thành công. Giờ cháu có nguyện vọng được tái tạo bằng dây chằng nhân tạo để chơi bóng rổ như trước đây. Tại BVĐK Tâm Anh, chúng tôi đang triển khai phương pháp dây chằng nhân tạo. Người bệnh sẽ không phải mất bất kỳ một sợi gân này để thế vào dây chằng chéo bị thương như lần mổ đầu tiên, mà bác sĩ sẽ lấy sợi dây chằng nhân tạo cấy thẳng vào khớp người bệnh. Với trường hợp của con chị, hoàn toàn có thể mổ lại.

Tại Hội thảo Isakos 2021, các chuyên gia cho biết, tỷ lệ thành công khi mổ lại dây chằng nhân tạo lần hai, lần ba có thể lên đến 95%. Với trường hợp của con chị, chị nên cho cháu đi khám lại tại bệnh viện chuyên khoa và thực hiện phẫu thuật nếu có chỉ định. Trong khoảng 3 tháng sau khi mổ, kết hợp với các phương pháp tập luyện theo chỉ định của bác sĩ, con chị có thể quay trở lại chơi bóng rổ như trước đây.

Chấn thương thể thao
 
 


Anh trai của tôi bị đứt dây chằng đầu gối khi đang tập boxing. Vì có thi đấu chuyên nghiệp nên bác sĩ tư vấn là nên mổ thay dây chằng. Với trường hợp anh tôi thì nên thực hiện phương pháp mổ nào để sớm quay trở lại thi đấu? Theo tôi tìm hiểu, thì có loại dây chằng nhân tạo (LARS) được ...

Tùng Bách, 26 tuổi, TP.HCM

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Phương pháp dây chằng nhân tạo được áp dụng thường xuyên ở các vận động viên chuyên nghiệp của các môn thể thao mang tính đối kháng như: bóng đá, bóng rổ, võ thuật...

Cách thức thực hiện như sau, khi có các sợi dây chằng nhân tạo bằng sợi polyethylene terephthalate, bác sĩ sẽ thực hiện cấy vào cơ thể người bệnh. Ưu điểm của phương pháp này là giúp người bệnh không mất một sợi gân nào, lại phục hồi nhanh hơn để có thể chơi thể thao, thi đấu. Cuộc mổ diễn ra khoảng 30 phút, sau một tuần là bệnh nhân có thể đứng dậy đi lại, tập luyện cơ tứ đầu đùi. Điều này vô cùng quan trọng, bởi giúp rút ngắn thời gian hồi phục và đạt được phong độ tốt nhất trong khi thi đấu.

Chấn thương thể thao
 
 


Em bị đứt dây chằng chéo trước, bác sĩ có chỉ định mổ thay dây chằng. Em cũng có tìm hiểu các loại mảnh ghép thay thế như mảnh ghép đồng loại, mảnh ghép tự thân, nay có cả dây chằng nhân tạo nữa. Em nghe nói chi phí cho dây chằng nhân tạo cao hơn so với các loại còn lại. Nhưng thời ...

Ngoc Duong, 40 tuổi, Nam Định

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn!

Tôi xin được chia sẻ về các loại mảnh ghép cho phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước. Tất cả các loại mảnh ghép đều có ưu và nhược điểm riêng. Với các trường hợp tổn thương dây chằng sớm (dưới 3 tuần) hoặc vị trí tổn thương gần ngay vị trí bám ở lồi cầu đùi của dây chằng chéo trước, bác sĩ có thể hoàn toàn khâu nối lại nhánh đã đứt, vẫn giữ nguyên vẹn các thành phần của dây chằng và gân xung quanh.

Ưu điểm của phương pháp này là giữ lại hoàn toàn sức mạnh của dây chằng nguyên thủy và các thụ thể. Thụ thể được xem như cảm biến sinh học của đầu gối. Ví dụ như khi chơi đá banh, bạn muốn chân di chuyển nhẹ nhàng để đưa ra đỡ trái banh, cái "cảm biến" này sẽ nghe tín hiệu từ thần kinh và đỡ trái banh được tinh tế nhất. Vì thế, khi tái tạo dây chằng hoặc ghép dây chằng, các thụ thể này sẽ không được nguyên bản giống như trước, cảm giác bóng của người bệnh sẽ không còn được tốt như xưa.

Chính vì vậy, nếu những tổn thương vào giai đoạn sớm và có vị trí đặc hiệu, bạn nên nhanh chóng đi điều trị. Bác sĩ có thể hoàn toàn nối lại dây chằng cho bạn. Phương pháp điều trị dây chằng tiếp theo là phương pháp tái tạo dây chằng, đang được áp dụng rộng rãi. Bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ tái tạo dây chằng khi dây chằng chéo bị rách hoàn toàn, không thể tự lành và mất vững khớp gối. Mảnh ghép thường được áp dụng là mảnh ghép tự thân. Bác sĩ sẽ sẽ lấy gân trên cơ thể của bệnh nhân như gân hamstring, gân bánh chè để tái tạo lại dây chằng đã đứt.

Ưu điểm của phương pháp điều trị này là mảnh ghép có sẵn trên cơ thể, tiết kiệm được chi phí hơn. Sau khi dây chằng này tái tạo lại hoàn toàn, sức mạnh của nó cũng gần bằng sức mạnh của dây chằng nguyên thủy. Người bệnh có thể đi lại hoặc quay lại chơi thể thao như trước. Tuy nhiên, thời gian phục hồi tương đối dài. Vì sau khi bác sĩ tạo đường hầm để tái tạo dây chằng chéo trước, mảnh ghép mới sẽ cần thời gian để phân hủy đi, sau đó trải qua một quá trình viêm.

Những tế bào collagen sẽ thay thế các tế bào của mảnh ghép này để tái tạo dây chằng mới. Quá trình phục hồi này diễn ra rất là lâu, thông thường phải mất đến 6 tháng. Mảnh ghép tiếp theo là mảnh ghép đồng loại. Thay vì bác sĩ lấy gân trên cơ thể của người bệnh thì sẽ lấy mảnh gân từ người hiến tạng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mảnh ghép đồng loại chưa được phổ biến. Mảnh ghép này có các khuyết điểm như chi phí cao; phải trải qua quá trình xử lý nghiêm ngặt để tránh tình trạng lây truyền bệnh và phải đảm bảo chất lượng mô được tốt nhất có thể khi gắn vào cơ thể của người cần tái tạo dây chằng.

Bệnh nhân vẫn phải trải qua quá trình dài để mảnh ghép này thay thế thành dây chằng trong cơ thể. Theo như bạn chia sẻ, loại mảnh ghép mà bạn muốn tham khảo chính là dây chằng nhân tạo. Đây là loại mảnh ghép mới nhất hiện nay. Tuy nhiên, dây chằng nhân tạo cũng không phải mảnh ghép là hoàn hảo. Loại dây chằng này được làm từ chất liệu polyethylene terephthalate. Ngay sau khi bác sĩ gắn sợi dây chằng nhân tạo này vào trong đầu gối, người bệnh đã có thể đi lại ngay trong ngày đầu tiên.

Vì cơ thể người bệnh không phải chờ quá trình đồng hóa để mảnh ghép này tạo thành dây chằng mới. Sức mạnh của dây chằng nhân tạo khi đó đã bằng dây chằng nguyên thủy. Ngoài chi phí, khuyết điểm của mảnh ghép này là các thụ thể trên dây chằng nhân tạo rất ít. Nếu là cầu thủ, cảm giác bóng của bạn sẽ khó thể nào bằng dây chằng nguyên thủy hoặc bằng mảnh ghép tự thân.

Các khuyết điểm tiếp theo chính là sức bền và sự đồng hóa cái dây chằng nhân tạo này vào xương. Khi khâu nối dây chằng hoặc tái tạo dây chằng bằng mảnh ghép tự thân hoặc mảnh ghép đồng loại, sau một thời gian, các loại mảnh ghép này sẽ đồng hóa vào xương tương tự dây chằng nguyên thủy. Người bệnh có thể đi lại và chơi thể thao gần như bình thường.

Tuy nhiên, với dây chằng nhân tạo, nếu cấu trúc xương của người bệnh bất thường hoặc là tình trạng loãng xương quá nặng, dây chằng nhân tạo rất khó bám vào xương. Một vài trường hợp đi một thời gian dài có thể bị lỏng gối. Vì thế, để lựa chọn mảnh ghép phù hợp với tình trạng của mình, bạn nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị tốt nhất.

T
 
 

Chân phải của em đã bị đứt dây chằng chéo. Em đã phẫu thuật được 10 tháng rồi nhưng giờ đây khi em đi lại, cảm giác chân đã phẫu thuật vẫn còn yếu, có thêm hiện tượng co duỗi nghe lạch cạch và tiếng kêu. Vậy bác sĩ cho em hỏi chân có tiếng kêu sau phẫu thuật đứt dây chằng chéo là sao? ...

Duy Minh, 23 tuổi, Chợ Gạo, Tiền Giang

THS.BS Trần Anh Vũ

Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình , BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn
Tiếng kêu của đầu gối có thể do 2 nguyên nhân, thứ nhất có thể là do dây chằng của bạn cấn vào sụn xương, thứ hai có thể do bị khô khớp gối do mất chất nhờn trong phẫu thuật tái tạo dây chằng. Bác sĩ khuyên bạn cần phải bổ sung chất nhờn cho gối để cải thiện được tình trạng khô khớp.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!


Em năm nay 25 tuổi. 3 tháng trước, em có va chạm với cầu thủ đội bạn nhưng lực không mạnh. Khi sút vào quả bóng chân em văng ra, không đứng dậy được. Ngày hôm sau chân đau nhức dữ dội nhưng đến giờ thì không có dấu hiệu gì, chạy nhảy bình thường, chỉ khi sút bóng hoặc xoay chân đột ngột ...

Quốc Khoa, 25 tuổi, XVNT, Q. Bình Thạnh, TP.HCM

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn!
Sau khi va chạm, nếu sút bóng bằng mu bàn chân, bạn có khả năng đã bị tổn thương dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Nếu sút bóng bằng lòng bàn chân, bạn có khả năng bị tổn thương dây chằng bên trong và dây chằng bên ngoài.
Ngoài ra, bác sĩ cũng không thể bỏ qua một tổn thương khác thường gặp khi va chạm trong thể thao là tổn thương sụn chêm. Khi có tác động khiến đầu gối bị xoắn vặn đột ngột sẽ dễ làm tổn thương sụn chêm. Nếu bạn đã nghỉ ngơi, chườm đá và hạn chế đi lại trong khoảng 3 tháng nhưng vẫn không hết đau, bác sĩ khuyên bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra dây chằng và sụn chêm.
Để chẩn đoán tình trạng đứt dây chằng, trước tiên bác sĩ sẽ khám tổng quát vùng bị chấn thương, đồng thời hỏi về bệnh sử của bạn. Bạn cần cung cấp thông tin về hoàn cảnh dẫn đến chấn thương, những chấn thương từng gặp và cả các bệnh mạn tính nếu có. Việc sờ nắn và di chuyển khớp cũng sẽ cung cấp cho bác sĩ thông tin chi tiết về mức độ chấn thương. Bước tiếp theo, bạn sẽ được chỉ định chụp X-quang để xem xương có bị gãy không, chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định dây chằng bị rách một phần hay toàn bộ.
Đối với sụn chêm, bên cạnh việc khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm nghiệm pháp là McMurray. Qua nghiệm pháp này, bác sĩ có thể kiểm tra sụn chêm có bị rách hay không. Nếu bị rách sụn chêm, bạn mới cần tiến hành chụp MRI để kiểm tra mức độ rách sụn chêm. Nếu tổn thương sụn chêm nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bảo tồn (vật lý trị liệu kết hợp thuốc). Với các trường hợp tổn thương sụn chêm nặng như sụn chêm bị rách quá nhiều hoặc mảnh rách sụn chêm gây kẹt khớp khối, bác sĩ có thể sẽ cần tiến hành phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm cho bạn.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, anh có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
t
 
 


Gót chân của em đã bị đau 5 năm nay. Bình thường thì không đau nhưng ấn mạnh vào các vùng quanh gót chân thì rất đau. Đi chụp Xquang vs MRI, siêu âm thì xương không có gì bất thường. Giai đoạn đầu bác sĩ có cho uống giảm đau có thành phần chống viêm. Uống thì hết mà hết uống thuốc thì ...

Trung Hiếu, 31 tuổi, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Tphcm

BS Nguyễn Thị Mỹ Linh

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Theo mô tả của bạn thì bác sĩ chưa có thông tin năm nay bạn bao nhiêu tuổi và tiền căn công việc của bạn có thường sử dụng bàn chân hay không, có chơi thể thao, chạy nhảy nhiều hay không, có tác động lực nhiều đến bàn chân hay không. Với những thông tin mà bạn mô tả thì bị viêm cân gan chân. Bệnh này có nhiều nguyên nhân thường gặp như gai xương gót hoặc chấn thương bàn chân trước đó, làm căng, giãn hoặc rách đứt hệ thống gân cơ ở gan bàn chân. Ngoài ra bạn có mô tả mình bị bàn bẹt nên bạn cần đến để bác sĩ thăm khám, xác thực xem có đúng là bị bàn chân bẹt hay không. Ở người bàn chân bẹt thì tỷ lệ đau cân gan chân, đau bàn chân rất là cao.

Khi kiểm tra xong bác sĩ sẽ cho bạn tập bài tập, mang đế giày hỗ trợ giúp vòm bàn chân nâng cao lên, giúp cấu trúc chịu lực của bàn chân đúng với tư thế sinh lý. Có thể hiểu là khi vòm bàn chân của bạn bẹt quá cồ chân sẽ bị vẹo vào phía trong, xương gót cũng bị vẹo nên chân rất dễ bị chấn thương, dễ bị đau. Cộng với mô tả của bạn đã dùng các đợt thuốc kháng viêm sử dụng xong đau lại thì bác sĩ khuyên bạn nên đi tái khám lại để xem tình trạng bệnh lý nặng đến đâu để kê thêm toa thuốc hoặc tiêm collagen giúp phục hồi, tái tạo vùng gân cơ bị hư hỏng, kết hợp hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu để căng giãn gân cơ vùng cổ chân, bàn chân. Bạn điều trị bằng sóng xung kích vừa giúp giảm đau vừa có tác dụng sinh học tăng tuần hoàn máu nuôi, tái tạo lại mô sinh học bị hư bị đứt gãy.

Nếu trong các trường học đã dùng thuốc, tiêm chích, laser, vật lý trị liệu mà vẫn không bớt thì bác sĩ sẽ xem xét can thiệp phẫu thuật, tuỳ vào trường hợp bệnh lý của bạn là gì. Bạn nên đến bệnh viện thăm khám lại sớm để bác sĩ tư vấn kĩ hơn.

t
 
 


Ban đầu cháu có đi đá bóng sau đó bị ngã trong tư thế đập đầu gối xuống đất. Sau khi đi chụp CT thì được kết luận là tràn dịch nhẹ (0.8cm). Cháu chỉ bó gối được một tuần. Từ đó đến nay là gần hai tháng. Sau khi kiểm tra nhẹ thì đầu gối cháu chưa co hết cỡ như ban đầu, ...

Tiến Đức, 24 tuổi, Long An

BS Nguyễn Thị Mỹ Linh

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Theo như mô tả của bạn thì có thể sau chấn thương khớp gối bạn đã bị đứt dây chằng, ngoài ra còn rách sụn chêm. Dây chằng có tác dụng giúp giữ vững khớp gối không bị trượt ra trước hoặc sau, bây giờ khớp gối lỏng là mất đi giá đỡ dây chằng nên khi làm những động tác nặng, chạy nhảy sẽ không dám trụ hoặc xoáy vào chân đó nữa rất dễ bị té. Ngoài ra sụn chêm giống như miếng đệm lót giữa 2 phần xương đùi ở trên và xương chày ở dưới. Bạn có thể tưởng tượng bình thường thì miếng sụn chêm bằng phẳng nhưng khi rách sẽ bị bong lên gây kẹt khớp gối khiến khó co ra duỗi vào, bị đau.

Để biết chính xác tổn thương của bạn là gì, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám lại độ vững của khớp gối, chụp thêm MRI để xác định tổn thương có đứt dây chằng hay không. Nếu có đứt dây chằng phải tiến hành mổ tái tạo dây chằng, nếu có rách sụn chêm thì bác sĩ sẽ xem xét vùng đó rách nhỏ hay lớn, ở vùng có mạch máu hay không, để đưa ra phương án cắt lọc sụn chêm rách hay là khâu tạo hình lại sụn chêm cho bạn. Chấn thương này bạn nên đi thăm khám sớm để tránh bị thoái hoá khớp gối sớm.

t
 
 


Em là một cầu thủ bóng đá hiện em đang là cầu thủ thử việc của một câu lạc bộ Việt Nam. Hiện nay, em 15 tuổi, trong một lần khi đang tập cùng mọi người trong đội trong một pha bóng đối kháng với một cầu thủ nữa trong đội, em bị chấn thương ở cổ chân, sau khi đi khám bác sĩ ...

Huy Hoàng, 32 tuổi, Thủ Dầu Một, Bình Dương

BS Nguyễn Thị Mỹ Linh

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào em

Ở tuổi của em mới 15 tuổi nếu gãy xương mà không bị di lệch thì thời gian lành xương tương đối nhanh, khoảng 1,5 - 3 tháng là lành xương. Tuỳ vào tốc độ lành xương của mỗi người, nên em có thể đi chụp X-quang kiểm tra mỗi tháng để biết diễn tiến lành xương tới đâu.

Trong thời gian xương chưa lành thì em có thể mang nẹp và bó bột để cho xương lành lại. Thời gian tháo bột sẽ phụ thuộc vào tiến triển lành xương của em nếu đã lành, tháo bột ra, bác sĩ sẽ tiến lành cho em tập vật lý trị liệu các bài tập cổ chân ví dụ như bài tập căng duỗi, nhón gót, đi trên mặt nước... mỗi giai đoạn sẽ có mỗi bài tập phù hợp.

Em nên đến bệnh viện thăm khám, để bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ cụ thể nhất cho từng giai đoạn hồi phục, giúp em lấy lại sức cơ cho chân của mình.

t
 
 


Tôi là vận động viên tennis. Khi tập luyện, tôi tiếp đất sai cách khi cố gắng cứu bóng nên đã bị đứt dây chằng chéo trước. Khi đi khám, bác sĩ chỉ định phải mổ mới quay trở lại chơi thể thao được. Bác sĩ cho tôi hỏi có phương pháp mổ thay dây chằng nào ít ảnh hưởng đến việc chơi tennis ...

Hồng Vũ, 31 tuổi, Biên Hoà

BS Nguyễn Thị Mỹ Linh

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Đối với những người bình thường, phụ nữ trẻ bị đứt dây chằng chéo trước mà chỉ có nhu cầu đi lại, sinh hoạt bình thường thì người ta sẽ không quan tâm nhiều đến việc đứt dây chằng. Người ta vẫn có thể đi trên khớp gối bình thường nhưng những động tác xoay chống lực, vận động trụ mạnh sẽ dễ bị trượt khớp gối, bị té sụp gối, không thể chơi thể thao.

Khi bị đứt dây chằng, gối trượt lên xuống nhiều, ma sát mạnh sẽ dễ làm thoái hoá khớp gối sớm. Đối với trường hợp của bạn, bác sĩ khuyên nên tái tạo lại dây chằng với các kỹ thuật mới nhất hiện nay như sử dụng gân đồng loại, gân chân ngỗng hay thay bằng dây chằng nhân taọ - phương pháp mới nhất độc quyền tại BVĐK Tâm Anh.

Dùng dây chằng nhân tạo bạn sẽ không mất đi gân tự thân, khả năng chịu lực cao từ 3000 - 5000 newton, bạn sẽ được trở lại chơi thể thao sớm hơn, phục hồi vận động nhanh hơn.

t
 
 


Sau cú ngã do đá banh chân em đau quá nên có đi khám phòng khám tư thì thấy kết quả ghi là phù nề chằng chéo trước và rách sụn chêm độ 1, phù nhẹ tủy xương đầu dưới xương đùi. Với tình hình này em có nhất thiết can thiệp mổ xẻ không và nếu mổ thì dùng phương pháp nào? Cảm ...

Minh Nhựt, 29 tuổi, Quốc Lộ 13, Bình Thạnh, TP.HCM

BS Nguyễn Thị Mỹ Linh

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn
Theo như bạn mô tả thì rách sụn chêm độ 1 tương đối nhẹ. Nếu như bạn không có triệu chứng kẹt khớp gối, đi đứng kêu lục cục, lâu lâu bị kẹt cứng gối không thể co duỗi được hết tầm thì bạn chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian để chấn thương hồi phục lại thì có thể chơi thể thao, sinh hoạt bình thường. Trường hợp nếu sụn chêm không được, rách nhiều gây tổn thương, khó chịu trong sinh hoạt thường ngày, đi đứng đau, kẹt gối thì cần can thiệp phẫu thuật.

Việc phẫu thuật sẽ tuỳ vào hình thái tổn thương sụn chêm của bạn, nếu vết rách nhỏ, tổn thương đến sớm ở vùng giàu mạch máu nuôi thì bác sĩ sẽ giữ lại sụn chêm chỉ cần khâu lại vết rách, có thời gian hồi phục. Vì sụn chêm là một mô rất quý của khớp gối nếu cắt sụn chêm đi khớp gối sẽ mất khả năng chịu lực sẽ đi 20% so với khớp gối có sụn chêm lành. Bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn sụn chêm của bạn, trừ trường hợp tổn thương quá trễ, rách nhiều, vết rách lớn hoặc ở vùng nghèo mạch máu nuôi thì lúc đó bắt buộc phải cắt lọc, tạo hình lại sụn chêm để không bị cấn vào khớp gối, đi không bị kẹt khớp, tuỳ vào mức độ tổn thương của bạn bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất nên bạn cần đi thăm khám lại sớm.

t
 
 


Mẹ tôi năm nay 62 tuổi, hưu trí rồi nên hay chơi cầu lông với các cháu trong nhà để vận động. Cách đây một tuần, khi đang giơ tay lên đánh cầu, mẹ tôi cảm thấy buốt một cái ở vai phải, đau dữ dội. Mẹ ngừng chơi ngay và về xoa dầu, bóp cao, nhưng đến nay vẫn đau khi nâng tay ...

Mỹ Anh, 23 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Đau nhức vai là tình trạng tương đối phổ biến với người chơi thể thao, đặc biệt là những môn cần đưa tay cao qua đầu như cầu lông, quần vợt, bóng bàn... Với trường hợp mẹ của bạn, bác đã lớn tuổi nên các bộ phận trên cơ thể đã dần xuất hiện dấu hiệu lão hóa, bao gồm các phần mềm quanh khớp vai. Trong đó, khu vực dễ tổn thương nhất khi chơi cầu lông là chóp xoay vai.
Chóp xoay vai là tuyến nối 4 gân xung quanh khớp vai gồm gân trên gai, dưới gai, dưới vai và cơ tròn bé. Khi lớn tuổi, các gân dần bị suy yếu. Vì thế, khi mẹ của bạn giơ tay qua đầu quá mạnh để đỡ cầu rất dễ làm đứt các sợi gân này, dẫn đến tình trạng tổn thương chóp xoay vai.
Ngoài ra, với những môn thể thao cần sử dụng tay nhiều, đặc biệt là động tác đưa tay qua đầu, người chơi rất dễ bị tổn thương gân nhị đầu, tổn thương sụn viền trên của khớp vai (SLAP). Để xác định chính xác tình trạng tổn thương vai của mẹ bạn, bác sĩ cần thăm khám khớp vai trước. Nếu nghi ngờ có tổn thương chóp xoay hoặc gân nhị đầu hoặc sụn viền, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp MRI để xác định chính xác mức độ tổn thương. Nếu tổn thương ở mức độ nhẹ như rách bán phần, bác sĩ hoàn toàn có thể điều trị bảo tồn (tập vật lý trị liệu và uống thuốc). Nếu tổn thương nặng như rách gân, bác sĩ sẽ cần tiến hành phẫu thuật nội soi để khâu chóp xoay khớp vai.
Bạn có thể theo dõi thêm tình trạng tổn thương vai của mẹ, đồng thời hướng dẫn bác chườm đá và uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên, nếu bác bị đau khi thực hiện các cái động tác như đưa tay lên gãi đầu, đưa tay ra sau lưng để mặc áo, giơ tay lên cao với lấy đồ, bị đau khi nằm nghiêng một bên vai, bạn nên đưa bác đi khám càng sớm càng tốt.
t
 
 


Em bị té ngã trúng vai, đã đi chụp không thấy chấn thương nặng nhưng bị đau nhức hoài là bị gì ạ? Em phải tập luyện hay nghỉ ngơi như thế nào cho hết ạ? Có cần phải nhập viện khám chụp gì cho chính xác không? Mong bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ.

Quốc Oai, 30 tuổi, Mỹ Hào, Hưng Yên

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Bác sĩ rất tiếc là bạn đã không cung cấp thông tin chi tiết về cơ chế chấn thương vai của mình. Vì mỗi cơ chế chấn thương sẽ có một loại tổn thương khác nhau. Tuy nhiên, đối với chấn thương vai khi té ngã, bác sĩ sợ nhất đó là tổn thương đến xương. Như bạn đã chia sẻ, sau khi chấn thương, bạn đã được bác sĩ chỉ định chụp X-quang để kiểm tra có gãy xương hay không và kết quả X-quang bình thường. Đến đây, tôi có thể loại trừ các tổn thương liên quan đến xương.
Ngoài tổn thương xương, bạn cũng có thể bị chấn thương phần mềm ở vai như tổn thương gân cơ quanh vai, gân chóp xoay, gân nhị đầu, sụn viền khớp vai, sụn khớp của khớp vai... Kết quả chụp X-quang ngay sau chấn thương rất khó để các bác sĩ cấp cứu phát hiện các tổn thương này. Nếu đã nghỉ ngơi, chườm đá, hạn chế vận động mà cơn đau vẫn dai dẳng, kéo dài làm ảnh hưởng tới sinh hoạt và vận động, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
t
 
 


Em bị tại nạn khi đang đạp xe, đi chụp MRI thì thấy bị giãn dây chằng vai, bác sĩ chỉ kê giảm đau rồi về, như thế liệu có hết hết được không?. Giãn như vậy rồi có dễ bị đứt không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Xuân Hồng, 28 tuổi, Quận 2, TPhcm

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Sau chấn thương vai, kết quả MRI cho thấy bạn bị giãn dây chằng, bác sĩ nghi ngờ rằng bạn có thể đã bị tổn thương gân chóp xoay. Gân chóp xoay gồm gân cơ trên gai, gân dưới gai, gân dưới vai và gân cơ tròn bé. Thông qua kết quả MRI, nếu bác sĩ của bạn chẩn đoán đứt bán phần gân cơ chóp xoay, bạn có thể chỉ cần điều trị bảo tồn. Bác sĩ khuyên bạn đến bệnh viện để được các bác sĩ phục hồi chức năng hoặc các chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn những bài tập phục hồi, giúp nhanh lành gân.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đến hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Tại đây, chúng tôi có một đội ngũ bác sĩ phục hồi chức năng giàu kinh nghiệm, có thể hướng dẫn cho bạn những phương pháp vật lý trị liệu phù hợp, hỗ trợ tốt quá trình lành gân. Nếu sử dụng thuốc làm ảnh hưởng tới dạ dày, bác sĩ có thể áp dụng những phương pháp vật lý trị liệu chỉ tác động tại chỗ như dùng tia laser, sóng điện từ, sóng xung kích... để giúp giảm viêm vùng tổn thương, kích thích máu nuôi đến gân, giúp rút ngắn quá trình lành gân. Bên cạnh đó, các bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu còn hướng dẫn bạn các bài tập phục hồi chức năng thực hiện ở bệnh viện và tại nhà, giúp kích thích quá trình lành gân nhanh nhất có thể.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
t
 
 


Em 39 tuổi. Bữa em tham gia trận bóng đá, do va chạm nên bị gãy xương chày (gãy kín 1/3 đầu dưới xương chày ). Đến bệnh viện, bác sĩ bó bột, được 28 ngày thì em tháo bột ở khớp gối để tập trị liệu và kết quả tốt, sau đó được 45 ngày thì em tháo bột ở khớp cổ chân ...

Hùng Dũng Trần, 39 tuổi, Tp.HCM

Ths.BS.CKI Lê Đình Khoa

Trưởng khoa Tái tạo khớp, TTCT Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn

Theo như bạn mô tả thì chấn thương của bạn may mắn vẫn có thể điều trị bảo tồn được. Cơ sở y tế điều trị bó bột cho bạn đã làm đúng phát đồ, đầu tiên là bó bột đùi bàn chân dài sau khoảng một tháng sẽ cắt bột đi, để tiếp tục làm bột nâng đỡ bánh chè, sau đó giúp cho bạn tập vùng gối. Hiện giờ đã hơn 2 tháng, bạn đã tập chống chân chịu lực rồi thì cần lưu ý là xương cẳng chân của mình cần thời gian từ 4-6 tháng để lành hoàn toàn. Tuy nhiên vùng gãy 1/3 đầu dưới này thì máu nuôi của nó khá là nghèo nàn nên cần thời gian lành xương sẽ lâu hơn, nên bạn cần đi tái khám thường xuyên, gặp bác sĩ của mình để chụp phim kiểm tra xem xương của mình lành như thế nào. Từ đó sẽ có biện pháp chống chân chịu lực tới mức như thế nào, không cần phải chống chân chịu lực hoàn toàn ngay lập tức mà chỉ cần chống phần tăng dần đến khi xương lành thì mới bỏ bột.

Khi mà xương lành khoảng tầm 6 tháng, thì bạn cần nhớ là sau một khoảng thời gian dài tầm 4 -6 tháng, cơ của mình không được hoạt động nên cơ sẽ bị teo đi so với chân đối diện. Bóng đá là môn thể thao cường độ cao nên dễ chấn thương, bác sĩ khuyên bạn nên đến những cơ sở vật lý trị liệu để tập lấy lại sức. Khi mà cơ của mình khoẻ trở lại thì mới căng cơ, lấy lại sức toàn diện mới nên chơi bóng đá. Nếu không may chấn thương trở lại rất nguy hiểm, bạn nên cẩn thận đừng quá vội vàng.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

t
 
 


Cháu đã mổ rách sụn chêm, nối dây chằng chéo và dịch tràn khớp gối cách đây 5 năm nhưng tới giờ cháu vẫn đau khi đứng lâu để làm việc. Khi cháu chỉ bị vấp hoặc trật nhẹ ngay chân đau là cháu không thể duỗi thẳng chân ra được, không thể trụ được và cũng không thể di chuyển. Cháu thường hay ...

Ngọc Hà, 31 tuổi, Quận 1, TP.HCM

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn
Khi rách sụn chêm đầu gối, người bệnh thường cảm thấy đau nhức dữ dội bên trong khớp gối, nhất là khi co duỗi, nghiêng người sang hai bên. Đó là tình trạng kẹt khớp. Mảnh sụn chêm bị rách đi vào giữa khớp gối, gây cấn, kẹt khi hai đầu xương va chạm vào nhau.
Theo như thông tin bạn chia sẻ, bạn có khả năng bị tổn thương sụn chêm. Đây có thể là tổn thương sụn chêm mới hoặc tổn thương sụn chêm cũ tái phát. Có thể tổn thương sụn chêm cũ của bạn không được khâu toàn vẹn, dẫn tới tình trạng rách tái phát.
Vì bạn đã phẫu thuật khâu sụn chêm và tái tạo dây chằng, việc bảo dưỡng khớp gối lại càng quan trọng. Nếu không cẩn thận trong việc bảo dưỡng, khớp gối rất dễ bị thoái hóa sớm. Bác sĩ khuyên bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện nghiệm pháp lâm sàng McMurray. Kết quả nghiệm phát này giúp bác sĩ kiểm tra sụn chêm có bị tổn thương hay không, có gây kẹt khớp gối không hoặc cảm giác đau nhức khớp gối chỉ là do tình trạng thoái hóa. Nếu nghi ngờ là do chấn thương sụn chêm cũ tái phát hay chấn thương sụn chêm mới, bác sĩ có thể chỉ định bạn tiến hành chụp MRI. Kết quả chụp MRI sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí tổn thương sụn chêm (sụn chêm trong hoặc sụn chêm ngoài) và mức độ tổn thương sụn chêm.
Sau chẩn đoán, nếu nhận thấy sụn chêm còn khả năng khâu lại, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương sụn chêm. Đây được xem là phẫu thuật ít xâm lấn, giúp người bệnh phục hồi nhanh sau phẫu thuật, đảm bảo tính thẩm mỹ và điều trị triệt để.
t