Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi. Trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1; của nữ giới là 76,5. Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường năm 2024 là 61 tuổi đối với nam và 56 tuổi 4 tháng đối với nữ.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống ở một tỉnh lẻ Tây Bắc. Tư duy thế hệ là điều mà tôi được dạy dỗ và trải nghiệm từ hành trình cuộc sống của ông bà, cha mẹ và cả anh chị tôi. Mục tiêu lập nghiệp, tích lũy và ổn định cuộc sống đi theo chúng tôi về cơ bản không thay đổi từ đời ông bà tôi cho đến thế hệ của tôi bây giờ.
"Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà" là ba việc lớn của đời người theo quan niệm xưa. Điều này ăn sâu vào tư duy của chúng tôi - những con người thuộc thế hệ 8X. Thời hiện đại, việc dựng nhà (mua nhà) vẫn là đại sự của đời người, còn việc tậu con trâu được thay bằng xế hộp. Việc lập gia đình, mua được nhà, sắm được xe, lấy được vợ được coi là cuộc sống đã hoàn thành mục tiêu, dù để đạt được những điều đó người ta có thể phải lăn lộn, vất vả gần như hết cả cuộc đời.
Cuộc đời của bố mẹ tôi là một minh chứng cho tư duy thế hệ sâu sắc đó. Bố tôi là giáo viên và mẹ tôi là nhân viên ngân hàng. Hồi đó, dưới con mắt của những người hàng xóm, tôi hiểu rằng gia đình mình được coi là một gia đình căn bản, dù không giàu. Bố mẹ tôi làm việc không ngơi nghỉ trong hầu hết cuộc đời của mình và dành dụm để có thể mua nhà, mua xe. Cả cuộc đời họ hầu như không đi du lịch mà chỉ tập trung vào việc kiếm tiền lo cho mọi việc của gia đình.
>> '10 năm đi làm không dám nghỉ phép một ngày nào'
Rồi bố mẹ tôi cũng tiết kiệm được một khoản đủ để xây hai ngôi nhà hai tầng thật to cạnh nhau khi bố tôi đã ngoài 50 tuổi (một ngôi nhà để dành cho anh cả tôi khi lập gia đình sẽ về ở, ngôi nhà còn lại để bố mẹ tôi sinh sống đến khi về già). Thành quả của bố mẹ tôi là niềm tự hào vô cùng lớn của gia đình, của cả anh chị em chúng tôi - dù lúc đó khuôn mặt bố mẹ tôi đã đầy những nếp nhăn.
Khi đó, anh em chúng tôi đang học đại học và đứa lớn nhất mới bắt đầu đi làm. Tôi nhận thấy ánh mắt hạnh phúc của bố mẹ tôi lúc đó và tự nhủ rằng lớn lên nhất định cả cuộc đời tôi sẽ phấn đấu để làm việc, xây nhà, lo cho con cái mọi điều như những gì mà bố mẹ đã làm. Bố mẹ đã vất vả cả một đời người, nhất định khi đi làm rồi, chúng tôi sẽ báo hiếu bố mẹ, đưa bố mẹ đi du lịch, được khám phá những điều mới mẻ phía bên ngoài thị xã nhỏ bé này.
Năm bố tôi 53 tuổi, một cơn đột quỵ đã đưa bố tôi đi xa mãi mãi, để lại một sự trống trải và hụt hẫng vô cùng đối với gia đình tôi, nhất là với mẹ - người vợ tào khang của bố. Hai ngôi nhà bỗng trở nên trống vắng đến lạ thường. Mẹ tôi ít nói hẳn và không còn thấy nụ cười trên môi kể từ ngày bố ra đi. Chúng tôi vì mưu sinh mà mỗi đứa một nơi, đứa làm Hà Nội, đứa ở quê và chỉ còn mẹ trong hai ngôi nhà thật to đó. Chúng tôi còn chưa kịp trả hiếu với bố mẹ. Bố mẹ còn chưa kịp hưởng thụ giây phút nào trong cuộc đời mình, chưa được đi đây đi đó khi con cái đã trưởng thành. Cuộc sống này thật quá tùy duyên!
Tôi là đứa duy nhất trong nhà làm việc ở Hà Nội sau khi tốt nghiệp đại học. Làm trong một doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hơn mười năm, tư duy của tôi dần dần thay đổi. Sếp của tôi là người nước ngoài, lấy vợ Việt và có con nhỏ hơn bảy tuổi. Tôi lấy làm lạ vì trong nhiều năm liền, sếp tôi không mua nhà, mua ôtô mà chỉ ở trong ngôi nhà thuê hoặc ở nhà công vụ, chỉ đi xe máy khi cần đi lại loanh quanh dù mức lương dành cho người nước ngoài rất cao.
Ông làm việc chăm chỉ và rất chuyên nghiệp. Mỗi năm, ông thường đưa vợ con đi du lịch đến những vùng đất mới một vài lần, khi thì đi trượt tuyết mùa đông ở Nam Hàn hay thuê ôtô chạy trải nghiệm dài ngày qua những vùng quê đầy hoa lavender ở Pháp... Tôi đã hỏi ông lý do vì sao lại thích một cuộc sống không ổn định như vậy? Tại sao không mua nhà, mua xe mà chỉ đi ở thuê? Tại sao không tiết kiệm chi phí để dành cho con cái khi chúng trưởng thành...?
Câu trả lời của ông khiến tôi ngộ ra nhiều điều. Ông nói mục tiêu cuộc sống của mình rất đơn giản, đó là làm việc và tận hưởng từng giây phút của cuộc sống theo cách ông không phải hối tiếc: "Ta đến với cuộc đời này không phải để mỗi ngày chỉ làm ba việc là đi làm, ăn và ngủ. Không ai được chọn nơi họ sinh ra hay nền tảng gia đình, tư duy thế hệ, nhưng họ được chọn cách sống của riêng mình để sống một đời không hối tiếc".
Ông mong muốn "chết nghèo", khi ra đi chỉ cần tay trắng, không cần tài sản gì bên mình cả. Con cái được học hành đầy đủ, lớn lên, các con phải tự lo cho cuộc sống của chính mình như những người trưởng thành. Bản thân vợ chồng ông có tư duy tối giản việc mua sắm, không mua sắm tài sản cố định như nhà cửa, xe hơi... mà chỉ để một phần tiền để mua bảo hiểm đề phòng những rủi ro khi về già, cũng như để có thể để lại cho con cái khi vợ chồng ông mất đi.
Đối với ông, mỗi ngày trôi qua không chỉ là một ngày đi làm vất vả mà còn là ngày gia đình cùng nhau trải nghiệm những điều mới mẻ xung quanh và việc đi làm là để phục vụ cuộc sống, chứ không phải sống chỉ để đi làm. Cuộc sống của ông chính là lựa chọn của ông, và ông không chờ đợi đến khi về già mới hưởng thụ hay khám phá những điều kỳ diệu của thế giới này, cũng không mong con cái trả hiếu để mang đến cho mình những điều đó khi mình về già.
Đặt cốc cà phê đã nguội xuống bàn, tôi như bừng tỉnh ra nhiều điều mà trước đây mình chưa bao giờ nghĩ đến. Đã đến lúc tôi phải thay đổi.
- Hưởng thụ 10% giúp tôi 'sống sót' qua thời kỳ bão giá
- 'Trẻ gap year chữa lành tốt hơn già đổ tiền chữa bệnh'
- Gen Z không muốn 'khổ trước sướng sau' như thời cha mẹ
- 'Không dám uống ly trà sữa 50.000 đồng để tiết kiệm 80% lương tháng'
- Những bố mẹ tiết kiệm từng đồng nuôi con sống hưởng thụ
- Đồng nghiệp Gen Z kiếm tiền giỏi, tiêu xài lắm