Một mùa mưa lũ nữa lại sắp đến nhưng những lùm xùm vụ các nghệ sĩ quyên góp cứu trợ, từ thiện từ mùa mưa trước vẫn còn ầm ĩ. Điều này khiến tôi thấy lạ bởi một chuyện rất đỗi bình thường nhưng lại rơi vào ngõ khuất tất hàng mấy tháng nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trước hết phải khẳng định, quyên góp từ thiện cứu trợ cho những người ở vùng thiên tai, các hoàn cảnh khó khăn là một điều hết sức tốt đẹp. Bởi nó tập hợp không chỉ nguồn lực, tiền bạc, của cải mà còn là những tấm lòng của con người trong xã hội. Nhưng cũng phải nói rằng, việc quyên góp từ thiện chỉ trọn vẹn khi tiền, quà của các nhà hảo tâm được phát đúng nơi, đúng chỗ trong sự minh bạch rõ ràng.
Kinh nghiệm của bản thân là tôi cũng một lần đứng lên kêu gọi giúp đỡ với quy mô nhỏ hơn là lớp đại học. Tôi nằm trong ban liên lạc cựu sinh viên của lớp đại học cũ. Lần đó hay tin một bạn trong lớp rơi vào cảnh bệnh tật, gia đình lại đang gặp khó khăn tiền bạc, tình hình nói chung là rất bi đát. Được tin về hoàn cảnh của bạn cũ, tôi đứng lên kêu gọi tất cả bạn bè trong lớp quyên góp giúp đỡ bạn bằng cách điện thoại, nhắn tin đến từng thành viên. Số tiền quyên góp được hơn bốn mươi triệu đồng.
>> Cứu trợ thế nào để không day dứt
Tôi cùng ba thành viên khác đến tận nơi ở bệnh viện thăm và gửi tiền hỗ trợ, nhưng lúc này bạn bị mệt nên chỉ gặp người nhà là chồng bạn. Chúng tôi trao tiền và cẩn thận nhờ chồng bạn ghi xác nhận đã nhận đủ bao nhiêu tiền và ký tên. Cuối cùng, chúng tôi gửi tin nhắn đến các thành viên trong lớp cũ là đã tận tay giao tiền cho người nhà, một cách rõ ràng và chi tiết nhất có thể. Tất nhiên là khi công khai chi tiết, sẽ biết bạn này góp nhiều, bạn kia góp ít, nhưng đòi hỏi minh bạch là trên tất cả. Với lại ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít và quan trọng là tấm lòng nên chúng tôi cũng không lăn tăn lắm chuyện này.
Quay trở lại vấn đề kêu gọi từ thiện của các nghệ sĩ. Dưới áp lực phải minh bạch hoá của công chúng, một số nghệ sĩ đã phát ngôn đại loại như: Không ai có quyền bắt nghệ sĩ phải công khai sao kê hoặc nếu không có nghệ sĩ kêu gọi thì ai sẽ đứng ra làm từ thiện và nhiều phát ngôn khác.
Tôi thấy nếu nói như vậy là đã có sự ngộ nhận xảy ra. Điều thứ nhất, tôi không phủ nhận việc lan toả khi các nghệ sĩ kêu gọi quyên góp. Bởi dưới sức ảnh hưởng và có đông đảo người hâm hộ, người theo dõi, việc kêu gọi có sức lan toả mạnh và sẽ tập hợp được nhiều nguồn lực hơn. Song vẫn còn rất nhiều người khác cũng đang âm thầm làm từ thiện, theo cách riêng của họ mà không được nhiều người biết đến mà thôi. Nếu nghệ sĩ nào giận lẫy kiểu đó thì tôi chịu vì "vắng mợ thì chợ vẫn đông". Vẫn sẽ có người đứng ra kêu gọi quyên góp, hỗ trợ mỗi khi đồng bào gặp thiên tai.
Thứ hai, những người đóng góp và dư luận đều có quyền được biết mình có được ghi nhận đóng góp hay không, tổng số tiền kêu gọi được là bao nhiêu, đã chi cho ai, ở đâu vào lúc nào và ai xác nhận những điều trên. Không thể nói rằng việc minh bạch kêu gọi từ thiện là "tuỳ tâm" của nghệ sĩ, thích thì minh bạch, không thích thì không làm, không ai ép được.
Khi tiền kêu gọi đổ vào tài khoản cá nhân nghệ sĩ chứ không phải một quỹ từ thiện được đăng ký với pháp luật, có kiểm toán rõ ràng thì công chúng dù hâm mộ, tin yêu đến mức nào cũng sẽ sinh ra cái gì đó gọi là nghi ngờ.
Hơn nữa, người xưa có câu chuyện "qua ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ", sao phải ngại minh bạch sao kê?
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.