Số là hồi năm ba đại học, một bạn trong lớp của tôi bị bệnh hiểm nghèo. Nằm trong ban cán sự lớp, tôi và hai bạn khác đứng ra quyên tiền giúp đỡ. Hình thức nhận là chuyển khoản internet banking, do năm ba đi thực tập nhiều, không lên lớp thường xuyên. Sau một tuần kêu gọi, chúng tôi nhận được số tiền hơn 9 triệu đồng. Bạn nhiều thì quyên 500 nghìn đồng, bạn ít nhất quyên 50 nghìn.
Chuyện tưởng không có gì, khi ba đứa tôi chạy xe máy xuống tận nhà bạn để thăm và trao tiền. Khi về nhà, bạn lớp phó mới nói rằng chỉ trao chẵn chín triệu đồng, còn số tiền vài trăm lẻ xem như tiền xăng đi xuống nhà bạn. Tôi giật mình hỏi bạn đã công bố thu chi trong nhóm Facebook của lớp chưa? Nếu chưa thì chuyển hết cho người bạn đang bị bệnh số "tiền lẻ" kia. Dứt khoác không được tính "tiền xăng", dù chỉ là một đồng. Bởi tiền quyên góp, dù 2 nghìn hay 5 nghìn, đều là tiền cho người bạn bệnh tật tội nghiệp, chứ không phải để chi cho "công" của người đi trao tiền. Đến lúc này, người bạn mới tỉnh ra và giật mình, suýt chúc nữa sẽ khơi mào cho một trận tranh cãi mà tôi biết chắc chắn là sẽ xảy ra, nếu bạn công bố số tiền lẻ vài trăm kia vào khoản "tiền xăng".
Mấy tháng cuối năm ngoái, miền Trung tả tơi vì bão lũ dồn dập. Cả nước hướng về miền Trung. Một số nghệ sĩ, với sức ảnh hưởng của mình đã đăng đàn kêu gọi quyên góp từ thiện. Bằng sự nổi tiếng của mình, một số người đã quyên được vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng.
Lớp tôi nhỏn trăm người, số tiền quyên được cũng chỉ có 9 triệu đồng, nhưng suýt đã gây tranh cãi nếu thu và chi không đúng việc. Với số tiền chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng như thế, công chúng và những người quyên góp rất cần sự minh bạch thu chi ơn bao giờ hết. Mà bản thân người kêu gọi, cũng cần ý thức được mình phải có trách nhiệm báo cáo lại với công chúng việc mình thu tiền thế nào, chi tiền ra sao. Càng chi tiết, càng tránh được thị phi.
Câu chuyện một nghệ sĩ hài quyên được hơn 14 tỷ đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung gây lùm xùm dư luận mấy ngày gần đây sẽ là bài học rất lớn về minh bạch từ thiện.
Bởi, thời điểm kêu gọi ủng hộ, đồng bào miền Trung đang bị lũ lụt, hơn hết, họ rất cần tiền để tái thiết cuộc sống với tinh thần một miếng khi đói, bằng một gói khi no. Vậy mà sau nửa năm, nghệ sĩ này xác nhận tiền vẫn còn nằm trong tài khoản vì "dịch bệnh" chưa đi phát tiền được, vậy thì ý nghĩa của "ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung" ở đâu? Sau nửa năm, nước lũ cũng đã rút, cuộc sống đã vào guồng bình thường, nhà ai lụt nhiều, ai thiệt hại nặng, thống kê và gửi tiền cho họ bằng cách nào?
Nhiều người cũng đặt câu hỏi, tại sao lúc nhận tiền, thì mấy ngày nghệ sĩ này cập nhật tài khoản một lần. Rồi bẵng đi dù chưa chuyển tiền cũng không thông báo lý do mà đợi đến khi dư luận ồn ào thì mới lên tiếng?
Tôi đã từng đứng ra quyên góp giúp đỡ người khác, và thấy rằng nếu không đi kèm theo sự minh bạch chi li, dù bản thân biết mình hoàn toàn trong sáng, không tơ hào một xu nào cũng rất dễ gây thị phi.
Tôi nghĩ, với tất cả ồn ào, thì đây là bài học rất lớn cho các nghệ sĩ quyên tiền từ thiện. Bởi cầm tiền của người khác đi làm từ thiện, nào có dễ dàng chi.
Và điều quan trọng, hằng năm đất nước ta đều có thiên tai, bão lũ. Chúng ta rất cần các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, có đăng ký với nhà nước, thu chi minh bạch để làm cầu nối tình nghĩa đồng bào. Việc quyên góp từ thiện bộc phát theo cá nhân này nên bị pháp luật chế tài, bởi nó gây ít nhiều thị phi. Dù người đứng ra quyên góp trong sáng đi chăng nữa, cũng không thể làm hài lòng tất cả người đóng góp khi số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hoàng Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.