(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nhiều bạn khuyên tác giả bài viết Tài sản chục tỷ nhưng không con để thừa kế lấy tiền đi làm từ thiện. Nói thì dễ, làm mới khó. Đâu có ai dễ dàng dành tiền tỷ tích cóp cả đời để đi làm từ thiện. Tôi nhận thấy rất nhiều người có "tư duy từ thiện". Thấy một cô ca sĩ, một người mẫu mua ôtô đắt tiền hay một cái váy nghìn đôla, nhiều người lại bình luận "sao không làm từ thiện?".
Tôi không hiểu sao nhiều người có thói quen là khuyên người khác làm từ thiện như thế. Do họ quá nhân ái, quá giàu lòng trắc ẩn? Hay nói nhiều đến từ thiện để người khác thấy họ sống bác ái, quan tâm tới người nghèo khó hơn mình?
Trừ những trường hợp bệnh tật đột xuất cần được giúp đỡ tiền bạc để chạy chữa, giúp giữ lại mạng sống ra, nói việc cho tiền hay tặng quà người nghèo là nói đến câu chuyện con cá và cần câu.
Quê tôi ngày trước có mấy hộ gia đình thuộc diện nghèo. Dịp lễ, Tết hay đợt phát quà từ thiện nào cũng có tên. Họ đến nhận gạo, dầu ăn, phong bì... rất hồ hởi. Nhưng cuộc sống quanh năm vẫn ì ạch, họ nghèo đâu phải tại số phận, đa phần do lười biếng.
Sáng sớm thì ông chồng đã lên kèo nhậu, vợ thì đi bán vé số, ghi đề, bán qua loa kiếm đủ tiền mua gạo, thức ăn là xong. Con cái đi học thì không quan tâm, học đến lớp nào thì hay lớp đó. Thậm chí họ còn bảo: "Cho đi học để biết đếm, thối được tiền bán vé số cho khách là được rồi". Với những trường hợp như vậy, dù có cho tiền tỷ thì họ vẫn không thể thoát nghèo được.
Thế nên, đừng tưởng có tiền thì thì làm từ thiện được, tưởng dễ mà lại rất khó. Theo tôi, làm từ thiện có ba cấp độ:
Cấp độ một: Cho tiền, cho quà. Cấp độ này chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt. Ngày qua ngày lại chả đọng được gì.
Cấp độ hai: Giúp người nghèo, người khó khăn học nghề, giới thiệu việc làm để họ tự lao động để nuôi sống bản thân.
Cấp độ ba: Tạo công ty, mở nhà xưởng kinh doanh rồi thu nhận họ vào làm việc. Đỡ đầu hay nâng đỡ một hoặc nhiều trẻ em nghèo khó, cho học nghề, học đại học... để có công việc tốt rồi vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên ở một chừng mực nào đó, từ thiện đem lại một tác dụng phụ là tạo ra sức ì làm cho người nghèo cứ trông chờ vào quà từ thiện. Một xã hội muốn phát triển thì không thể trông chờ vào từ thiện. Bản thân mỗi người phải nỗ lực, tự mình mới có thể giúp mình phát triển.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Đăng Bách