Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng quê gốc ở miền Trung. Đợt mưa lũ quét miền trung vừa qua để lại hậu quả thật nặng nề, cả xã hội hướng về đồng bào miền Trung cứu trợ.
Ở trường tiểu học con gái tôi cô giáo cũng huy động các con về xin tiền phụ huynh ủng hộ. Đương nhiên ít gia đình từ chối và đều đóng góp ít nhiều, gia đình nhà tôi cũng cho tiền vào phong bì cho con đóng góp. Cơ quan tôi có bà chị đăng Facebook làm đồ ăn để bán giá 180 nghìn đồng một kg, sẽ trích 30 nghìn mỗi kg bán được để làm từ thiện đồng bào miền Trung, tất nhiên số lượng đặt hàng cũng lên đến vài ba trăm cân.
Một chị bạn cũng đăng trên Facebook cả khu nhà chị ở bà con lối xóm đang xúm lại cùng gói rất nhiều bánh chưng cứu trợ chuyển vào miền trung thân yêu. Cơ quan chồng tôi vận động mỗi thầy cô giáo ủng hộ tối thiểu một ngày lương.
Trưa nay, ngày chủ nhật bác tổ trưởng bấm chuông từng nhà kêu gọi mỗi nhà cứu trợ miền Trung, gia đình tôi nhất trí đóng góp. Cách đây 10 ngày, tôi gọi điện thoại vào nhà bà chị ở Huế hỏi thăm tình hình lũ lụt, được biết là mưa lũ to lịch sử, nhà anh chị họ ở thành nội khu vực đó không bị ngập lụt, chỉ có nhà mẹ chị ý ở khu vực gần sông An Cựu (Huế) thì có ngập, mưa gây dột nhà (chắc do nhà cũ), nhưng ngập cũng rút sau đó rồi, các anh chị cũng dọn dẹp xong.
Một cuộc gọi nữa cho ông anh họ ở Quảng Bình hỏi thăm bác và các anh chị. Anh nói anh ở thành phố Quảng Bình sát biển nên không bị ngập, chỉ bị mưa to lịch sử thôi, anh lo được cho bác. Bố tôi ở nhà kêu gọi mẹ và các con ủng hộ. Kêu gọi mỗi con 2,5 triệu đồng, mẹ và bố mỗi người 2,5 triệu đồng để được 10 triệu đồng, giúp bác ở Huế lợp lại mái nhà.
Câu chuyện nghe đến đây thì thấy thật hay và cảm động đúng không ạ? Nhưng không như vậy.
Mẹ tôi phản đối vì mẹ gần 80 tuổi, sống chủ yếu dựa vào lương cán bộ nhà nước về hưu, lại còn phải lo thuốc thang hàng tháng. Anh trai tôi phản đối đóng góp vì con gái anh bị ốm phải cấp cứu và nằm viện, còn đang phải lo cho cháu đã. Tôi thì cũng có ít nhiều đưa anh tiền lo cho cháu nằm viện.
Bố tôi vẫn buồn vì luôn nghĩ thương bà chị nghèo không có tiền và luôn mang ơn vì bác nuôi bà nội lúc cuối đời.
Tôi nói với mẹ rằng bác ở Huế đã có các con lo việc lợp mái. Các anh chị con bác cũng là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, có lương hưu và có khả năng lo được cho bác, nhà bác còn có một dãy nhà trọ cho thuê.
Việc bác nuôi bà nội ngày trước thì cũng là trách nhiệm của người con nuôi mẹ, bố và các anh chị em đều đã có trách nhiệm đóng góp nuôi bà.
Việc làm từ thiện hay giúp đỡ người khác là tự nguyện và tùy tâm, tùy hoàn cảnh của mỗi người. Hôm nay lại đọc được bài viết rất hay về giải cứu hàng từ thiện, hiện đang ùn ứ rất nhiều thực phẩm cứu trợ ở nhà ga, bến xe, sân bay cần được giải cứu đến bà con vùng lũ.
Cái bà con cần là tư liệu sản xuất, giống cây trồng vật nuôi sau khi lũ qua đi. Sống ở đời cần lắm một trái tim nhân hậu, nhưng cũng rất cần một sự tỉnh táo lý trí để mọi sự không trở nên trớ trêu.
Rất cần sự góp gió thành bão trong sự huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội, để hàng cứu trợ đến được nơi cần đến, tránh lãng phí do hư hỏng, không thiết thực do không dùng đến và giảm được sự hoài nghi ngờ vực của những người tham gia từ thiện.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.