Cuối năm, tôi có dịp lắng nghe những trăn trở của một số người quen trong công việc và cuộc sống cá nhân. Hầu hết họ đều gặp khó khăn hoặc chưa ý thức được tầm quan trọng của kỹ năng tự ghi nhận, trân trọng bản thân. Họ cho rằng phải chờ đến những dịp đánh giá lương, phát thưởng, đạt KPI, hoặc khi có thành tựu hay làm được cái gì đó lớn lao ít ai làm được thì mới xứng đáng được khen, chứ chỉ giống người khác thì không.
Tôi đã đặt cho họ những câu hỏi như: Đâu phải lúc nào cũng có người ở kề bên để khen ngợi chúng ta? Chẳng phải những thứ chúng ta làm mỗi ngày như ra quyết định, thực hành một kỹ năng nào đó giúp mình tiến bộ hơn từng chút, có những trải nghiệm mới vì thực chất đâu có ngày nào giống ngày nào, thậm chí là rút ra bài học từ những sai lầm... cũng rất đáng được ghi nhận hay sao? Nếu chúng ta còn không tin tưởng và ghi nhận những gì mình đang làm, thì xây dựng sự tự tin theo kiểu gì?
Việc ghi nhận bản thân, theo tôi, phải đến từ hai phía - từ chính bản thân mình và từ người khác. Đôi khi, tự mình công nhận mình còn quan trọng hơn cả. Bởi vì hành trình phát triển của mỗi người luôn mang tính cá nhân, cho dù có bao nhiêu người đồng hành và hỗ trợ đi chăng nữa thì sẽ không tránh khỏi những thời điểm mà bạn phải tự đối diện với thách thức và ra những quyết định khó khăn.
Chẳng lẽ, chúng ta cứ phải chờ một ai đó kề bên để nói lời khen ngợi, cổ vũ? Khi chúng ta càng lớn, những lời khen càng trở nên hiếm hoi. Nhưng tệ hơn nữa là, chúng ta ghi nhớ những lời khiển trách, phản hồi về những lỗi lầm, thiếu khuyết của bản thân một cách sâu đậm và dài lâu hơn những gì được người khác đánh giá cao.
Thỉnh thoảng, tôi cũng nhớ đến một giai đoạn từ thời đi học: đám học sinh chúng tôi phải chịu sự chê bai, so sánh của người lớn trong một thời gian dài, như một cách thức để bản thân ý thức được sự kém cỏi so với bạn bè khác và biết phấn đấu, bứt phá hơn nữa. Khi nghĩ về giai đoạn đó, tôi nhớ rất rõ cảm giác xấu hổ vì bị so sánh, bị nói nặng nhẹ, từng có những suy nghĩ khó chịu và rối bời khi rơi vào trạng thái hoang mang giữa việc mình giỏi hay không giỏi? Những lúc đó, chúng tôi chỉ biết im lặng và cố hết sức để học, để bằng bạn bằng bè. Và có một sự thật là, tại thời điểm đó, cả bọn chúng tôi đều đang có kết quả học tập khá tốt.
Với trường hợp những bạn gặp khó khăn trong việc tự ghi nhận bản thân và thường xuyên khắt khe với chính mình trong suy nghĩ, đặc biệt là khi mắc phải lỗi lầm, thất bại, tôi không biết rõ chính xác những gì các bạn đã trải qua. Nhưng cũng có thể trong quá khứ, các bạn đã "học" được từ những trải nghiệm tương tự kể trên, rằng không được dễ hài lòng với những gì mình làm được, rằng tha thứ cho lỗi lầm hay thất bại là dung túng cho nó xảy ra lần nữa, rằng tự khen mình là tự cao tự đại, rằng những gì mình làm tốt cũng chẳng là gì so với người khác đâu... Rồi thậm chí, bạn bỏ qua những gì mà người khác công nhận ở mình, cho rằng mình ăn may, hoặc không đủ tốt, không xứng đáng với lời khen đó...
>> Tôi bình thản khi thấy thiên hạ khoe con
Nói chính xác, chưa cần đến ai khác, mà chính chúng ta đã tự "dìm hàng" mình trong suy nghĩ, vì tin rằng đó là cách để chúng ta biết phấn đấu hơn nữa. Tôi cho rằng cách này thật sự rất mệt, hao tốn năng lượng và động lực, gây mất tự tin và không công bằng.
Chúng ta đều từng là những đứa trẻ tiến bộ hơn từng ngày trong quá trình tập ăn, tập nói, tập đi, tập viết, tập hát múa... từ những lời khen và tiếng vỗ tay cổ vũ. Những lời khen đủ chân thành và chính xác sẽ tạo động lực rất mạnh mẽ. Vì vậy, trong lúc chưa có ai kịp khen mình, hãy học cách tự khen bằng cái nhìn sáng suốt, tỉnh táo và công bằng.
Việc rèn luyện lòng trắc ẩn dành cho bản thân có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi cái vòng lặp suy nghĩ này. Nói một cách đơn giản, chúng ta học cách tử tế với chính mình từ trong suy nghĩ. Chúng ta mạnh không hẳn vì có những điểm mạnh và chỉ dựa vào chúng. Chúng ta mạnh thật sự khi hiểu rõ và chấp nhận cả những điểm chưa tốt, những yếu điểm của bản thân.
Lòng trắc ẩn khác với sự đồng cảm, thấu cảm ở chỗ là nó đi kèm với hành động phù hợp. Vì vậy, khi nhìn nhận rõ ràng về bản thân với tất cả các mặt mạnh, yếu và lựa chọn hành động phù hợp, chẳng phải đó là mạnh bền vững đó sao?
Khi biết tự ghi nhận chính mình, bạn mới cảm thấy những gì mình sống, mình làm mỗi ngày có niềm vui và ý nghĩa. Không phải ngày nào chúng ta cũng cảm thấy vui về bản thân và những thứ xung quanh, nhưng vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của nó. Sự ghi nhận khách quan giúp chúng ta biết mình đang tiến bộ dần lên, thay vì nghĩ mình kém cỏi hoặc trong tay không có gì. Ngoài ra, khi biết tự ghi nhận chính mình, chúng ta mới có thể làm được điều tương tự với người khác một cách chân thành, tự nhiên và đúng lúc.
Ghi nhận, trân trọng bản thân sẽ cần cái đầu khách quan và sáng suốt. Nhưng nếu làm được, đó sẽ là khởi đầu của sự tự tin, suy nghĩ tích cực về bản thân và về cuộc sống xung quanh. Và đó cũng là cách bạn tự tạo động lực cho mình một cách bền lâu.
Phương Thy
>> Chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.