Tôi là sinh viên năm nhất của một trường đại học lớn ở TP HCM. Mấy ngày gần đây, dư luận bàn tán xôn xao về việc "Có nên bỏ xếp hạng học sinh không?". Trong những cuộc tranh luận, tôi luôn trả lời "không", do xếp hạng sẽ giúp bạn biết vị trí của học sinh ở đâu so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, theo tôi, thái độ của học sinh và phụ huynh với kết quả xếp hạng của chính em đó mới là quan trọng trong vấn đề này.
Về cơ bản, học sinh nước ta đang chịu áp lực rất lớn từ căn bệnh thành tích. Học sinh phải học quá nhiều để xếp hạng cao trong lớp. Căn bệnh này khiến cho phụ huynh và nhà trường ảo tưởng quá đà, để rồi sau đó ngã ngựa khi lên cao. Và chính điều đó đã khiến cho việc xếp hạng học sinh trở thành ác cảm với nhiều người và vô tình sinh ra những "tác dụng phụ".
Tôi cũng từng trải qua những thứ đó, và nhận ra thái độ với kết quả xếp hạng mới là điều đáng nói. Tôi xin kể vài câu chuyện của bản thân về những "tác dụng phụ" của việc xếp hạng học sinh:
Câu chuyện thứ nhất là về một người em hàng xóm kém tôi một tuổi. Khi tôi học lớp 2, em học lớp 1, cùng trường với tôi, và nổi tiếng với việc đạt điểm 10 toàn môn trong các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Trong khi đó, tôi học khá không ổn định, có môn điểm rất cao và có môn điểm không cao cho lắm, khiến cho tôi luôn bị so sánh với em đó trong giờ ăn cơm, kiểu như "con nhà người ta" một cách nặng nề.
Đến cấp hai, do thành tích học tập tốt, nên em đậu vào trường top đầu của thành phố Biên Hòa. Trong khi đó, tôi được mẹ cho học trường làng. Khi thi vào cấp ba, nhờ sự nhanh nhạy và hiểu biết kiến thức một cách vững chắc về Toán học và Tiếng Anh, tôi thi đậu vào trường không chuyên top đầu ở Đồng Nai, mặc dù điểm Ngữ văn không được cao cho lắm. Trong khi đó, khi em thi trượt à phải học trường cấp thấp hơn.
Sau khi nghe được tin em hàng xóm thi trượt, tôi vô cùng hả hê và vui âm ỉ suốt mấy ngày liền. Không vui sao được khi mà người luôn được đem ra để so sánh với tôi, khiến tôi bị mắng mỏ, chê bai suốt mấy năm trời, giờ đã bị "hạ bệ" một cách thuyết phục như vậy.
>> 'Học sinh yếu cũng cần được xếp hạng, đánh giá'
Chuyện thứ hai là khi tôi đang học lớp 12, thỉnh thoảng lúc ăn trưa, tôi bị so sánh kiểu "con nhà người ta" với một người bạn cùng lớp. Người bạn đó có bố làm cùng cơ quan với bố tôi, cho nên những cái tốt của bạn đều được bố tôi nghe được. Điều đáng nói là chỉ vì điểm 7.0 IELTS, tôi đã trở thành kẻ thấp kém hơn so với bạn đó trong mắt bố. Điều này khiến cho tôi trong lòng tức sôi máu, muốn phản ứng lại bố, nhưng buộc phải câm lặng.
Rồi mọi thứ thay đổi khi sang học kỳ II, trong kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1, tôi và người bạn đó cùng đăng ký dự thi. Khi nhận kết quả, điều bất ngờ đã xảy ra. Trong khi người bạn có kết quả không cao thì tôi bất ngờ vượt lên với số điểm 866, cao nhất lớp đợt đó và nằm trong nhóm 5% cao nhất trong số những người tham dự kỳ thi.
Rồi sau đó, khi bị bố so sánh trong giờ ăn trưa, tôi lập tức gửi bức hình chụp kết quả nhận được như một lời đáp trả: "Con có thể có trình độ tiếng Anh thấp hơn, nhưng chắc chắn kiến thức tổng của con hơn bạn đó". Và từ đó đến cuối năm học, bố tôi không còn so sánh tôi với người bạn đó thêm một lần nào nữa.
Những câu chuyện trên đây khiến bạn nghĩ gì? Rõ ràng, xếp hạng học sinh không xấu, nó thậm chí sẽ giúp học sinh đó biết được mình đang ở đâu so với mặt bằng chung. Vấn đề là chính học sinh và phụ huynh cần phải có thái độ đúng, cần phải nhìn vào đó để biết điểm mạnh và điểm yếu của con em mình, từ đó điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Chứ nếu nhìn nhận xếp hạng học sinh như một cách dè bỉu, so sánh, thì sẽ hoàn toàn đi ngược lại với mục đích giáo dục.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.