Giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại đáng buồn. Giáo viên không có đủ uy và tiếng nói với nhà trường và học sinh. Giá như người nào có gia cảnh, nền tảng kinh tế tốt thì làm nghề giáo chứ không phải làm nghề giáo để có kinh tế thì hay biết mấy. Mỗi khi có các giáo viên phản ảnh thu nhập thấp, buộc họ phải tìm nhiều cách mưu sinh, thì cũng sẽ có ý kiến lấy sự cao quý của nghề ra để phản biện. Nên chăng vấn đề cần được nhìn nhận và tìm giải pháp từ gốc.
Nhìn sang các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Pháp... hàng năm ngành giáo dục của họ thu hàng chục tỷ đôla cho ngân sách từ học sinh, sinh viên của các nước khác đến học tập. Các nước đó bao gồm cả Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore... và từ khắp các châu lục, kể cả một số nước châu Âu.
Ở một số nước châu Âu khác, dù không thuộc các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới, số lượng học viên ngoại nhập cũng không đáng kể, nhưng họ cũng không cần gửi con em sang nước ngoài học tập. Vì vậy ngành giáo dục ở các nước hàng đầu đó tạo ra lợi nhuận kinh tế khổng lồ quay lại nuôi dưỡng ngành giáo dục, nên giáo dục của họ càng phát triển qua những mô hình hiện đại mang tính công nghệ lẫn kỹ năng.
Cái gốc ở đây chính là chất lượng chương trình cũng như giáo viên trực tiếp giảng dạy. Chất lượng không thể đánh đồng cho cùng một quy trình. Hiểu đơn giản như con cái sinh ra trong một gia đình cũng khác nhau, sản phẩm cũng có loại A,B,C và ngay tại các nước hàng đầu cũng có trường danh tiếng nhất, nhì như tại Mỹ theo thứ tự có Massachusetts Institute of Technology (MIT), Harvard, Stanford University, California Institute of Technology (Caltech)... thì sao ở Việt Nam không giao cho giáo viên các trường tự quản lý chương trình, tự nghiên cứu soạn giáo trình cũng như chương trình thi cử riêng?
Vai trò giáo viên phải là chủ đạo trong giáo dục. Hiệu trưởng là người tiếp nhận ý kiến của giáo viên và cùng thảo luận chọn ra chương trình phù hợp nhất. Sau đó hiệu trưởng sẽ báo cáo lên Bộ Giáo dục & đào tạo, chịu trách nhiệm giám sát chất lượng cũng như hoạt động của nhà trường. Ở Mỹ, Anh, Phần Lan..., ngay bậc tiểu học, giáo trình của các trường cũng khác nhau.
"Hữu xa tự nhiên hương", khi bằng cấp trường nào đào tạo ra học sinh, sinh viên có chất lượng, có thu nhập mặt bằng cao thì trường đó sẽ tạo ra được giá trị kinh tế từ đó làm bệ phóng để nuôi dưỡng tốt lại ngành của họ. Ở các quốc gia đó cũng có hệ thống đánh giá, thống kê toàn quốc và công bố kết quả thành tựu của học sinh sinh viên đạt được từ các trường, nhất là kết quả của sinh viên vì thống kê từ thu nhập là con số không thể nói dối, nếu chưa chính xác cũng sẽ có những phản hồi trực tiếp từ các doanh nghiệp.
Đôi lúc sự đa dạng về trường học không chỉ trực tiếp tạo ra kinh tế mà còn là sự đa dạng về dạng thức tâm lý tương ứng với tình trạng, trạng thái, hoàn cảnh của một dạng người học nào đó, tạo ra sự chọn lựa đa dạng cho người học. Tại sao lại cần phải đồng nhất về chương trình ở các trường và chỉ do từ một cơ quan chuyển xuống, trong khi thực tế rất đa dạng, biến động và sách vở hiên tại chỉ là yếu tố tĩnh.
Như vậy, một khi đã trao quyền cho giáo viên là chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, họ sẽ phải đầu tư, nghiên cứu với tất cả tâm huyết để tạo ra những chương trình học chất lượng nhất, điều này đồng nghĩa với danh tiếng của trường tỷ lệ thuận với thu nhập cao của giáo viên, lúc này mới có được sự công bằng, sự tưởng thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Đơn giản cũng giống một nhân viên giỏi trong công ty thì sẽ có thu nhập cao. Qua đây, các trường cũng tự nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học viên và thu nhập lúc này mới là chủ động. Tất cả là cần phương pháp hoạch định đúng hướng thì không gì là không thể đảo chiều từ "không thể" thành "có thể".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.