Sự việc ba cháu bé ở Hà Nam bị bỏng cồn, do các cô giáo ở trường mầm non tư thục, sử dụng giáo cụ để dạy phòng cháy chữa cháy, dạy thoát hiểm khiến bất cứ ai cũng thấy đau xót. Một vụ việc xảy ra, làm cho tất cả phụ huynh có con nhỏ đang chuẩn bị vào mầm non, không khỏi lo lắng, đồng thời nói lên một vấn đề đáng lưu tâm của ngành giáo dục mầm non hiện nay.
Ai cũng nghĩ, dạy trẻ rất dễ dàng, chỉ một bài dạy từ 20- 30 phút, tùy theo độ tuổi, là đơn giản. Nhưng nếu cứ muốn đưa ra tình huống nào thì đưa, hình ảnh trực quan không phù hợp với độ tuổi, mà không nghiên cứu trước, thì đó là sự thờ ơ, thiếu kiến thức chuyên môn.
Tôi nghĩ, và chắc chắn rằng những người làm công tác giáo dục luôn ý thức, rằng dạy kỹ năng cho học sinh mầm non rất cần chuẩn bị kỹ. Kiến thức, sự chuẩn bị tiết dạy, có mục đích yêu cầu chi tiết, soạn giáo án được nghiên cứu thật cụ thể. Điều này vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định cho việc truyền tải nội dung, thông điệp dễ hiểu nhất cho trẻ em. Ở độ tuổi mầm non, nguy hiểm luôn bao vây, rình rập xung quanh các em, ngay cả những hột hạt để đếm, sợi dây thun, cây bút chì màu, cây kéo thủ công, cây viết..., đôi khi cũng trở thành vật nguy hiểm đến các em, huống chi là cồn.
Bản thân cũng là một giáo viên mầm non, tôi không khỏi bàng hoàng, đáng tiếc cho các đồng nghiệp ở trường mầm non tư thục Tuổi Thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) bởi đã tạo một tình huống thực tế không phù hợp với trẻ con. Ngay cả với các khối lớp lớn hơn, hoặc chính người lớn chúng ta, khi thấy lửa còn lúng túng, chưa xử lý kịp thời được, chứ chưa nói đến những đứa trẻ đang độ tuổi rất tò mò, nghịch ngợm, chưa ý thức được sự nguy hiểm của lửa.
>> Thời đại 4.0 sao còn dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm bằng cách thực hành?
Việc tạo ra những tình huống thu hút trẻ chú ý vào tiết dạy, có rất nhiều lựa chọn, không nhất thiết phải tạo ra lửa thật để giả định với trẻ con, trong khi bản thân cô giáo còn chưa thể giữ nổi bình tĩnh khi mâm học cụ chứa cồn bén lửa. Tôi được biết trong chương trình giáo dục mầm non, có phần dạy kỹ năng sống cho trẻ. Ở "Chuẩn 6" - phát triển trẻ em 5-6 tuổi - đó chỉ là những bài học giúp chúng "có hiểu biết và thực hành an toàn cá nhân":
- Nhận ra và không chơi một số đồ vật có thể gây nguy hiểm.
- Biết và không làm một số việc có thể gây nguy hiểm.
- Không chơi ở những nơi mất vệ sinh, nguy hiểm.
- Không đi theo, không nhận quà của người lạ khi chưa được người thân cho phép.
- Biết kêu cứu và chạy khỏi nơi nguy hiểm.
- Biết hút thuốc lá là có hại và không lại gần người đang hút thuốc."
Rõ ràng, người không cần có chuyên môn về giáo dục mầm non, cũng nhận biết, việc không cần thiết tạo tình huống phải dùng đến lửa như trường mầm non Tuổi Thơ đã làm. Chúng ta chỉ cần dạy cho trẻ biết lối thoát hiểm, cách kêu cứu, cách di chuyển xếp hàng, không hoảng sợ, và chờ đợi người lớn đến cứu. Đâu cần thiết phải dạy trẻ chữa cháy, phải dập lửa và tạo lửa cháy thật...
Muốn tạo tình huống cháy, chỉ cần lên mạng tải âm thanh, tiếng còi xe chửa cháy, hú inh ỏi thì đã có một tình huống cho các cháu diễn tập rồi. Hoặc có thể kể một câu chuyện cho các cháu nghe, đàm thoại, đóng kịch cùng các cháu, sáng tác, tìm kiếm một bài thơ về phòng cháy, thoát hiểm cho các cháu đọc thuộc là hiệu quả mang lại rất cao.
>> Đưa con đến trường, cha mẹ đừng chỉ biết 'trăm sự nhờ cô'
Tôi nghĩ rằng, trước tiên chúng ta cần phải nhìn lại việc đào tạo giáo viên mầm non khi những tấm bằng cử nhân sư phạm liên tục được cấp, mà những tai nạn đáng trách vẫn luôn xảy ra. Thứ hai, là vai trò của các chủ trường, các cán bộ quản lý, khi duyệt nội dung, kiểm tra chương trình giảng dạy của giáo viên trường mình, để việc sử dụng học cụ trực quan, một cách thiếu khoa học như vậy, cứ tưởng là lý thú, nhưng lại là nguy hại đến tính mạng cho trẻ, mang thương tật, di chứng suốt đời.
"Gốc có vững thì cây mới bền"- đó là câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc quan tâm đến môi trường giáo dục học tập cho tất cả các gia đình, là làm cho tất cả người dân trên đất nước an tâm, tin tưởng vào nền giáo dục nước nhà, là nhiệm cụ của tất cả ban ngành từ trung ương đến địa phương.
Những người lớn chúng ta, cần một lần nữa nhìn lại sự an toàn cho trẻ. Giáo dục mầm non là cấp học những ngày đầu đời, như một mầm cây đang rất cần sự vun đắp của toàn xã hội, nên rất cần được lưu tâm chú ý. Áp lực thành tích, những đổi mới trong giáo dục mầm non cũng chỉ nên vừa đủ.
Hoan nghênh việc giảng dạy sáng tạo trong giờ học, nhưng xin đừng dùng lửa, dùng những hình thức ngoài tầm kiểm soát của mình, mà để mối nguy dành cho trẻ. Người lớn ơi, xin đừng thờ ơ với những đứa trẻ ngây thơ bằng những hành động thiết thực nhất.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.