Rất nhiều phụ huynh khác còn bảo cô giáo thế này:
- "Con tôi chỉ biết ăn cơm với chà bông, không biết ăn những món khác".
- "Con tôi không biết ăn rau nên cô đừng cho bé ăn".
Tôi xin kể vài trường hợp như trên qua những năm tôi công tác ở trường mầm non, để một lần nữa khẳng định với tất cả các bậc phụ huynh rằng, sức khỏe và khả năng ăn uống của trẻ quyết định chủ yếu cho việc trẻ tự tin ở trường. Nó góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc dạy dỗ của các cô giáo mầm non, giảm tải những áp lực và tiêu cực có thể hy hữu xảy ra.
Giáo viên mầm non luôn trên tinh thần làm việc, để chiều theo ý phụ huynh, hoặc có thuyết phục nhưng không thành công, vì phụ huynh có quá nhiều lý do. Nhưng việc này ảnh hưởng không nhỏ đến những bước đi tiếp theo, cho trẻ về sau. Có những phụ huynh, ở nhà, mỗi khi cho con ăn đều dắt đi rong, mớm từng muỗng cơm từ đầu làng đến cuối xóm, nhưng khi vào lớp học đâu thể nào cô giáo cho trẻ ăn với hình thức như vậy. Bất cứ cha mẹ nào cũng muốn con mình ngoan, con mình giỏi, nhưng những vấn đề cơ bản ấy các bậc cha mẹ vẫn không giúp đỡ con mình được.
Câu nói: "Mọi việc trông chờ vào thầy cô, nhờ cô dạy giúp", là một thử thách cam go đối với các cô nuôi dạy trẻ. Khi các cô dạy một đằng mà phụ huynh về nhà thực hiện một nẻo. Thật sự là nan giải khi một lớp học gặp những tình huống khó xử như vậy.
Cũng dễ hiểu thôi, khi mùa tựu trường sắp đến, các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi mầm non thường có tâm trạng bất an lo lắng khi thói quen và môi trường thay đổi. Bản thân tôi, là một giáo viên mầm non, nên thấu hiểu và cảm thông những trăn trở đó. Nhất là những bé mới bắt đầu đi học, khi con phải xa ba mẹ, bước vào một không gian mới, hoàn toàn xa lạ, để bắt đầu làm quen với môi trường của tập thể.
Thương con, lo nghĩ cho con là điểm chung của tất cả các bậc phụ huynh và đặc biệt là một nỗi lo sợ con mình bị phạt, bị la rầy, bị bỏ rơi. Tâm tư đó cần được giải đáp, tháo gỡ, chia sẻ để mỗi phụ huynh chúng ta cùng tương tác với nhà trường, với giáo viên của trẻ, tạo cho trẻ những tiền đề, như một nền tảng, để bước đi vững chắc khi con chuẩn bị vào lớp một.
Là một người cha, người mẹ, là người thầy, người cô đầu tiên của trẻ, chúng ta cần tìm hiểu về những hoạt động của trường mầm non, lịch sinh hoạt của từng độ tuổi (thông tin này có rất nhiều trên mạng internet, các trang báo, các cuốn sách chuyên ngành). Đó là những giờ ăn, giờ học, giờ ngủ, giờ chơi. Lịch sinh hoạt này được cập nhật, sắp xếp theo từng khối lớp, con của mình lớn lên theo thời điểm nào thì chú ý ở thời điểm đó. Điều này sẽ giúp cha mẹ tạo cho trẻ những ứng xử của thói quen tốt, phù hợp với việc hòa nhập cùng tập thể nhanh hơn.
Cha mẹ nên loại bỏ những cá tính không phù hợp của trẻ ở gia đình. Cần cố gắng tập cho trẻ việc ăn, ngủ đúng giờ. Cho trẻ làm quen với một số món ăn gần giống như trong thực đơn của nhà trường. Giải thích cho trẻ nghe việc ăn, ngủ ở trường, nên để ý, học hỏi cùng các bạn. Mỗi trẻ em khi đến trường rất nên làm quen những điều này. Tất cả những gì chúng ta dạy không bao giờ là quá sớm.
Khi cha mẹ chuẩn bị cho trẻ về tâm lý và một số kỹ năng cần thiết, trẻ sẽ cảm thấy không quá khó khăn khi rời khỏi vòng tay yêu thương, che chở, bảo bọc của gia đình, mà tự tin vào bản thân mình và yêu thích việc đến lớp, làm quen với bạn bè, học tập từ trường lớp.
Khi hành trang của trẻ có được từ các mặt tâm lý, sức khỏe, tinh thần, thì đi học là một nhu cầu cần thiết cho trẻ. Nắm được những nội quy, những thói quen, và việc đi học là niềm vui, thì trẻ sẽ tự giác trong việc đến trường. Dần dần đi học, tham gia các hoạt động ở trường trở thành nỗi khát khao, mỗi khi trẻ ở nhà cảm thấy vắng vẻ, thiếu bạn chơi chung, khi không được hoạt động nhóm, không được trò chuyện cùng cô giáo.
>> Tôi hãi hùng vì con học trường điểm nhưng được chị bán cá ngoài chợ chở về
Muốn có được những điều đó, thì tất cả người lớn chúng ta phải chuẩn bị cho trẻ. Không có việc gì hình thành nên thói quen tốt mà không có sự đầu tư rèn luyện.
Những điều cần thiết phải chuẩn bị cho trẻ là những điều gì? Đó là những việc làm thiết thực, rất quan trọng cho một đứa trẻ khi bước vào môi trường mới. Đầu tiên, phải chuẩn bị cho con một sức khỏe ổn định, trẻ được chăm sóc dinh dưỡng chu đáo. Cho trẻ làm quen một số món ăn quen thuộc của mọi gia đình, từ lỏng tới rắn, từ băm nhuyễn như hạt đậu đến nguyên miếng như bữa ăn của người lớn. Các trường mầm non hiện nay được đầu tư bữa ăn rất đa dạng thực phẩm, theo hướng đổi mới nhất hiện nay, trẻ được ăn các món xào, chiên, hấp, kho, và nhiều hình thức khác.
Bữa ăn gia đình mình như thế nào thì trường mầm non cũng sẽ lên thực đơn tương tự như vậy. Nên cha mẹ phải cho trẻ ăn đầy đủ các món, tập dần cách tự phục vụ trong khi ăn như: xúc cơm, lấy thức ăn, mời người lớn, nói cảm ơn, giữ trật tự trong giờ ăn... Đây chính là các hoạt động thường nhật của trường mầm non, trẻ vừa học vừa chơi, từng hành vi ứng xử mọi lúc mọi nơi, nhiều nhất là trong giờ ăn. Cho nên, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen tốt, thực hiện đúng trong giờ ăn, là một phần không nhỏ giúp trẻ tự tin khi đi học.
Một vài tuần đầu, với trẻ mới đi học, các bé thường hay khóc, rồi sẽ được cô giáo tạo cơ hội để hòa nhập cùng với các bạn, thông qua giờ học, giờ chơi. Nhưng nếu tới giờ ăn trẻ khó khăn trong việc ăn uống thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự tập trung trong việc học.
>> 'Ứng dụng không thể thay giáo viên liên lạc với phụ huynh'
Cha mẹ sẽ yên tâm nếu trẻ tự tin bước vào môi trường mới ở lứa tuổi đầu đời. Ngoài việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ thì cần giúp trẻ có những kỹ năng cần thiết, như chơi chung với bạn, hòa đồng, biết chia sẻ với bạn. Có một số thói quen tốt nhất định như ăn, ngủ đúng giờ lúc ở nhà, biết tập trung vào những giờ đọc sách, lắng nghe cha mẹ.
Nếu ở nhà bé biết lắng nghe sự chỉ dạy của cha mẹ, biết tập trung chú ý một số sinh hoạt của gia đình, hoạt động làm quen với tô, vẽ, nghe kể chuyện, đọc thơ, thì đến lớp trẻ sẽ rất thích được thực hiện nội quy nề nếp của lớp học.
Trong quá trình trên, cha mẹ sẽ là người kịp thời phát hiện những triệu chứng tâm lý của con như bệnh tăng động (giảm chú ý), bệnh tự kỷ. Tình trạng này hiện nay rất nhiều, khi môi trường sống của trẻ em thành phố, bị giới hạn không gian, thời gian tiếp xúc với màn hình tivi và điện thoại thông minh quá nhiều. Nếu phát hiện, cần gặp bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị cho trẻ kịp thời trước khi quá muộn. Việc can thiệp sớm với những bất thường về tâm sinh lý cho trẻ là điều rất cần thiết, để chúng ta kịp tạo cho con em mình một sự tự tin nhất định. Đó là nền tảng cơ bản nhất góp phần giúp cho nhà trường, cho giáo viên đề ra những phương pháp giáo dục phù hợp nhất với trẻ.
Cha mẹ nào cũng muốn con mình đến trường với một tâm trạng vui tươi và hạnh phúc, nhưng nhiều bậc phụ huynh lại hay có thói quen hăm dọa con. Đó là những câu như: "Con mà không ăn mẹ sẽ mách cô giáo, cho cô giáo phạt con", hoặc "Hôm nay con đi học có bị cô giáo phạt không?", "Ở trường có bạn nào đánh con không", "Con không ngoan, mai mẹ bỏ mẹ không đón con"... Rất nhiều câu nói chỉ khiến môi trường giáo dục trở nên khắt khe trong mắt trẻ, một nơi khiến trẻ bị ám ảnh. Mỗi ngày thức giấc con trẻ sợ phải đi học, khi ở trường chỉ nghe thấy những điều áp lực và ràng buộc, không phải là ngôi nhà thứ hai của trẻ.
Mặc dù chương giáo dục nước nhà đang theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, nhưng người lớn chúng ta sẽ vô tình làm trẻ mất đi sự tự tin khi yêu thương một cách thiếu khách quan, không khoa học, không dựa vào tâm sinh lý trẻ. Muốn con trẻ tự tin đến trường, không phải khóc quá lâu, khi mới nhận cô, nhận lớp, thì cha mẹ phải là người tạo nên những giá trị về kỹ năng sống cho trẻ kịp thời hòa nhập. Ăn - ngủ - vệ sinh luôn là những kỹ năng rèn luyện thường xuyên khi trẻ vừa biết bò, biết lật. Rồi khi vào trường mầm non, trẻ sẽ có thói quen tốt, hòa đồng nhanh với tập thể.
Trong những năm công tác trong ngành mầm non, tôi nhận thấy những trẻ được đi học sớm ở độ tuổi nhà trẻ thì khi lên mẫu giáo trẻ sẽ rất tự tin trong việc đi học, tự phục vụ trong việc việc ăn uống, và rất mạnh dạn tham gia các sinh hoạt văn nghệ, các chương trình hoạt động của nhà trường. Khi trẻ đi học, cha mẹ không phải lo lắng nhiều. Trẻ khóc một chút vì lạ bạn, lạ cô, nhưng khi chỉ cần bắt nhịp được lớp học là niềm vui của trẻ. Bởi một trong những nhu cầu thiết yếu của loài người là giao tiếp với xã hội, trẻ em cũng vậy, giao tiếp với bạn bè, thầy cô là niêm vui của trẻ.
>> Trường học nước ngoài kiểm soát việc đưa đón học sinh thế nào?
Tôi viết những dòng chia sẻ này, với tinh thần mong mỏi các bậc cha mẹ chung tay cùng với các cô giáo mầm non, giúp trẻ tự tin hơn trong việc đến trường, để ngày khai giảng với một tâm thế chung của cả nước, xây dựng một ngành học mầm non vững mạnh trước những khó khăn thử thách.
Cha mẹ không phải nơm nớp ngồi sau màn hình camera của một ngôi trường chất lượng cao để xem con mình như thế nào, cô giáo hành xử ra sao khi con mình khóc? Điều đó thật sự gây mất niềm tin cho cả người dạy và người học. Không một giáo viên nào sung sướng khi phải dùng đến hình phạt nghiêm khắc cho một đứa trẻ, nếu chúng thường xuyên không chịu vào nề nếp. Một lớp học, nếu ở trường công lập có thể từ 40-50 trẻ/ 2 giáo viên đối với lớp mẫu giáo lá. Do đó, việc giáo dục trẻ được hình thành đủ những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, rất cần sự phối hợp chung giữa phụ huynh và giáo viên.
Giáo dục là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Các bậc cha mẹ, các cô giáo cần luôn hiểu rõ vấn đề này, để cùng nhau thảo luận, cùng nhau chia sẻ. Đưa ra những mặt cần phải bổ sung cho trẻ kịp thời hơn, giúp trẻ tự tin bước vào trường mầm non. Đó là một bậc thang, giúp mọi trẻ em đến với ngày khai trường rộn rã niềm vui.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.