Sau bài viết 'Trường quốc tế không dạy để thi đại học' độc giả Trang chia sẻ:
Tôi tán thành với tác giả ở một số điểm chính. Về cơ bản trường quốc tế dạy khác trường công lập. Trường công lập chương trình nặng nhưng chủ yếu ghi nhớ. Còn trường quốc tế dạy cách tư duy và tự tìm ra câu trả lời.
Trường quốc tế buộc học sinh phải làm việc nhóm, chia sẻ câu trả lời của mình với người khác để hiểu rằng luôn có những ý kiến khác thậm chí trái chiều qua đó cổ vũ sự chia sẻ và tôn trọng khác biệt. Mỗi học sinh quốc tế là một cá thể độc lập suy nghĩ và lựa chọn nhưng lại rất tự giác và tôn trọng luật lệ và quy định chung.
Ở những môn học khoa học cơ bản dường như các học sinh giỏi ở công lập không khó khăn gì khi chuyển sang tiếng Anh. Tuy nhiên khi viết luận ở các môn khoa học khác học sinh công lập sẽ rất vất vả.
Thành công của một đứa trẻ trước hết phụ thuộc vào năng lực của đứa trẻ đó, sự chăm chỉ và quyết tâm học hỏi sau đó sẽ là một môi trường học khoa học và tiên tiến. Nếu gia đình có điều kiện cho con học trường quốc tế là một trải nghiệm quý giá rất đáng dành cho con trẻ.
Đồng quan điểm, độc giả có nickname khacsau2904 phân tích:
Người đi du học có hai loại. Một là: Dùng kiến thức để kiếm được học bổng để đi du học (kiểu này thì là những người có kiến thức, thông minh). Không cần phải bàn vì những người này sẽ thích nghi nhanh với điều kiện mới và môi trường mới, và sau này có vứt đi đâu thì họ cũng sống được, sống khoẻ.
Loại thứ hai là con nhà có điều kiện kinh tế khá giả: thành phần này cũng được chia thành hai loại nhỏ:
1. Con nhà giàu nhưng tiền tỉ lệ nghịch với sự thông minh dù có du học và tốt nghiệp các trường quốc tế thì cũng không thành công trên con đường học vấn được, trừ khi quay về dựa vào thế lực gia đình để làm kinh tế.
2. Con nhà có điều kiện và có sự thông minh, thành phần này thì thích nghi được với mọi điều kiện rồi và cũng sẽ thành công và tự lập được. Cho nên học quốc tế hay học trường công và du học hay học trong nước thì mức độ thành công còn phụ thuộc vào độ thông minh, tư duy và bản lĩnh cuộc sống nữa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.