Chiến lược "Ba mũi giáp công" được Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương nước này thông qua từ năm 2003, với mục đích kiểm soát Biển Đông để phục vụ mục đích kinh tế lẫn quân sự mà không gây ra chiến tranh ở khu vực chiến lược này.
"Các hành động từ đó cho tới nay của Trung Quốc tại Biển Đông cần được nhìn nhận theo chiến lược 'ba mũi giáp công' này của họ", chuyên gia pháp lý Antonio T. Carpio, cựu quyền chánh án tòa án tối cao Philippines, viết trong bài bình luận hồi tuần trước.
Mũi giáp công đầu tiên là chiến dịch tuyên truyền với thế giới bằng luận điệu sai sự thật rằng "Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại". Trong tuyên bố lập trường được đệ trình lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, Trung Quốc cho rằng họ đã có hoạt động tại Biển Đông "từ hơn 2.000 năm trước".
Trung Quốc cũng ngang nhiên tự nhận là "quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên" tại những quần đảo ở Biển Đông, đồng thời "liên tục thực hiện chủ quyền với chúng".
Carpio nhận định đây chỉ là những lập luận "lịch sử giả mạo" mà Trung Quốc đưa ra nhằm độc chiếm Biển Đông. PCA trong phán quyết năm 2016 đã bác bỏ "các bằng chứng lịch sử" do Trung Quốc đưa ra.
"Tòa không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy trước Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Trung Quốc từng thiết lập quyền lịch sử với việc độc quyền sử dụng tài nguyên sinh vật và phi sinh vật tại Biển Đông", phán quyết của PCA có đoạn.
Phát quyết này của PCA đã khiến mũi giáp công đầu tiên của Trung Quốc "chết từ trong trứng nước", chuyên gia Carpio nhận định.
Mũi giáp công tiếp theo là uy hiếp các quốc gia xung quanh khu vực Biển Đông. Trung Quốc năm 2013-2015 bồi đắp và tiến hành hoạt động quân sự hóa trái phép 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nước này cũng thường xuyên điều tàu hải cảnh trang bị vũ khí cỡ lớn, tàu chiến các loại hoạt động trên Biển Đông, nhằm sử dụng sức mạnh quân sự để gây sức ép buộc các quốc gia trong khu vực chấp nhận yêu sách lãnh thổ phi lý với đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra.
Tuy nhiên, phán quyết của PCA khẳng định đường 9 đoạn của Trung Quốc "không thể dùng làm cơ sở" cho yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Phán quyết cho biết Biển Đông có những vùng biển "thuộc về toàn thể nhân loại" và những vùng đặc quyền kinh tế chỉ thuộc về các quốc gia ven Biển Đông.
"Do đó, các cường quốc hải quân trên thế giới có thể điều máy bay, tàu thuyền đi qua Biển Đông, tổ chức các cuộc diễn tập ở vùng biển quốc tế lẫn vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông", Carpio viết.
"Các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không của Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và Canada đã ngăn ý đồ của Trung Quốc biến 'đường 9 đoạn' thành biên giới quốc gia trên Biển Đông. Các quốc gia khác như Đức và Hà Lan, cũng bày tỏ ý định khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông", Carpio cho biết.
Mũi giáp công cuối cùng là lập luận pháp lý của Trung Quốc cho rằng các quyền chủ quyền của họ đối với Biển Đông có trước UNCLOS, đồng thời tuyên bố công ước này "không làm tổn hại đến các quyền chủ quyền" có từ trước đó.
"Đây là một phần trong nỗ lực đưa 'đặc sắc Trung Quốc' vào luật pháp quốc tế, do chúng được thiết kế chỉ để phục vụ lợi ích quốc gia của Trung Quốc", Carpio nhận định về chiến lược này của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, lập luận trên của Bắc Kinh đã bị PCA đập tan với phán quyết rằng tất cả quốc gia phê chuẩn UNCLOS, trong đó có Trung Quốc, đồng ý rằng tất cả quyền lịch sử với tài nguyên hàng hải vượt quá những gì Công ước cho phép "sẽ bị chấm dứt khi UNCLOS có hiệu lực".
"Tòa kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong 'đường 9 đoạn' không phù hợp với UNCLOS. Mọi quyền lịch sử mà Trung Quốc có thể có với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong 'đường 9 đoạn' đã được thay thế", phán quyết của PCA cho biết. Carpio nhận định "mũi giáp công" pháp lý này của Trung Quốc cũng "chết từ trong trứng nước".
Sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận quốc tế đối với các hành động ngang ngược trên Biển Đông, Trung Quốc gần đây ban hành đạo luật cho phép hải cảnh nước này nổ súng vào tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển họ nêu yêu sách chủ quyền, trong đó có khu vực trong cái gọi là "đường 9 đoạn" ở Biển Đông.
"Điều này đồng nghĩa tàu hải cảnh Trung Quốc có thể bắn tàu cá hoặc tàu khảo sát của các nước hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, vốn chồng lấn với đường 9 đoạn Trung Quốc vẽ ra", Carpio viết. "Điều này vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải".
"Cả thế giới cần phản đối động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm bóp méo luật pháp quốc tế để phục vụ duy nhất lợi ích của họ", chuyên gia Philippines nhấn mạnh. "Việc chấp nhận cam kết của Bắc Kinh rằng họ sẽ 'kiềm chế' khi áp dụng luật hải cảnh mới sẽ là hành động ngây thơ, bởi luật này có thể được họ sử dụng bất cứ khi nào nhắm vào bất cứ quốc gia ven biển nào".
Nguyễn Tiến (Theo Straits Times)