Trung Quốc ngày 22/1 thông qua luật hải cảnh, cho phép lực lượng này sử dụng "mọi phương tiện cần thiết", kể cả nổ súng, để ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.
Đạo luật còn cho phép hải cảnh Trung Quốc được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Hải cảnh Trung Quốc còn được trao quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.
"Hành động của Bắc Kinh phản ánh sự đuối lý của họ trong vụ kiện tại Tòa Trọng tài năm 2016, khi tòa án bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc với đường chín đoạn phi pháp bao trọn 90% diện tích Biển Đông. Không có định nghĩa rõ ràng về 'các vùng biển thuộc quyền tài phán', Bắc Kinh cũng không nêu rõ những khu vực được họ coi là 'vùng biển thuộc quyền tài phán', giáo sư Lawrence B. Brennan, cựu đại tá từng phục vụ 33 năm trong hải quân Mỹ, chia sẻ với VnExpress.
Giáo sư Brennan chỉ ra rằng Trung Quốc từng tìm cách sử dụng lực lượng hải cảnh để thực thi quyền tài phán ở các vùng biển xung quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Mục tiêu chính của động thái này, cũng như hoạt động của Trung Quốc trong khu vực nói chung, là hơn 3,7 triệu người dân đang kiếm sinh kế dựa vào quyền tiếp cận Biển Đông. Trung Quốc hiểu rằng hành vi, thái độ của cộng đồng này sẽ quyết định liệu Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 được duy trì ở Biển Đông hay bị phá bỏ để phục vụ tham vọng hàng hải của Bắc Kinh", ông nói thêm.
Hunter Stires, chuyên gia tại trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng đạo luật "được xây dựng nhằm uy hiếp" và cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hành động cứng rắn. "Đó là tín hiệu dằn mặt, cảnh báo các bên không thách thức hoạt động của hải cảnh Trung Quốc tại những khu vực vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á", ông nhận xét.
"Đạo luật cho phép hải cảnh Trung Quốc bắn tàu nước ngoài trong những vùng biển tranh chấp là rất đáng lo. Động thái này gây bất lợi cho an ninh khu vực. Nó vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và có thể dẫn tới vòng xoáy căng thẳng và leo thang trên Biển Đông", Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên ngành luật quốc tế tại Đại học Indonesia cho hay.
Luật Hải cảnh được thông qua sau khi Trung Quốc hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật dân sự trên biển để lập Cục Hải cảnh năm 2013. Cục Hải cảnh Trung Quốc chuyển về dưới quyền lực lượng Vũ cảnh trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào tháng 7/2018.
Giới chuyên gia cho rằng ngoài việc tiềm ẩn "ngoại giao pháo hạm", đạo luật mới còn cho thấy nguy cơ Trung Quốc lạm dụng lực lượng hải cảnh, vốn được quân sự hóa mạnh mẽ với nhiều loại vũ khí hạng nặng, để phục vụ các yêu sách chủ quyền phi lý.
Ông Aristyo khẳng định sử dụng đại dương một cách hòa bình và không dùng vũ lực là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong UNCLOS năm 1982, cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc và nhiều điều luật quốc tế. Các bên tham gia UNCLOS, trong đó có Trung Quốc, cần tôn trọng nguyên tắc này và không sử dụng vũ lực, lực lượng quân sự vượt quá phạm vi được quy định trong luật pháp quốc tế.
"Cần nhắc đến việc đạo luật có thể áp dụng trong những vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền, bao gồm cả đường chín đoạn phi pháp trên Biển Đông từng bị Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016. Mọi biện pháp thực thi luật Trung Quốc trong khu vực phi pháp cũng là hành động phi pháp", ông Aristyo nói thêm.
Luật Hải cảnh Trung Quốc có thể cản trở những nỗ lực đàm phán COC, khi mục tiêu chính của các bên đều là duy trì hòa bình và ổn định tại những khu vực có tranh chấp. "COC cần đóng vai trò quan trọng nhằm bảo đảm các bên liên quan không đe dọa sử dụng vũ lực nhằm vào nước khác. Dù thế nào đi nữa, việc cho phép hải cảnh bắn tàu nước ngoài trong vùng biển Bắc Kinh yêu sách chủ quyền thể hiện nước này không có thiện chí đàm phán COC", ông nhận xét.
Aristyo cho rằng Luật Hải cảnh không chỉ gây nguy cơ leo thang với các quốc gia Đông Nam Á. "Mỹ đã tiến hành những chiến dịch di chuyển bảo đảm tự do hàng hải để thách thức yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông suốt nhiều năm qua. Đạo luật mới sẽ dẫn tới nguy cơ căng thẳng bị đẩy cao trong tương lai", ông cảnh báo.
Christian Le Miere, nhà phân tích chính sách hàng hải và người sáng lập tổ chức Arcipel, đồng quan điểm khi cho rằng đạo luật mới của Trung Quốc đã "đánh thẳng vào trung tâm" chính sách duy trì tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông. "Hải cảnh lãnh phần lớn trách nhiệm trong hoạt động cưỡng ép tại các vùng biển gần Trung Quốc. Đạo luật này cần được xem xét chặt chẽ", ông nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27/1 điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, cam kết hỗ trợ Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Blinken nhấn mạnh Mỹ bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông bởi chúng "vượt quá các vùng biển mà Trung Quốc được phép tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế, như được quy định trong UNCLOS năm 1982", đồng thời cam kết sát cánh với các bên tranh chấp Đông Nam Á trước sức ép từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về việc bảo vệ nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ông chủ Nhà Trắng tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ nhóm đảo vốn là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc.
"Nhiều nước sẽ tiếp tục phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Những lời đe dọa sử dụng vũ lực đơn phương của Bắc Kinh là điều đáng lo ngại, chúng có thể tăng đáng kể nguy cơ va chạm và xung đột", giáo sư Brennan nói.
Vũ Anh