Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 3/3 phát phóng sự cho thấy lính hải lục không quân và thủy quân lục chiến Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập trái phép ở đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong video, một số tàu đệm khí Type 726 chở theo xe tăng chủ lực Type 96A và các binh sĩ thủy quân lục chiến với đầy đủ vũ khí, rời tàu đổ bộ Type 071 và cập vào bờ biển. Khu trục hạm Type 052D, hộ vệ hạm Type 054A và một tàu hỗ trợ cảnh giới vòng ngoài, trong khi một tiêm kích Su-30 MKK và một oanh tạc cơ H-6K yểm trợ từ trên không.
CCTV cho biết cuộc diễn tập nhằm "khai thác chiến thuật và phương pháp hiệp đồng tác chiến quân binh chủng", song không nêu thời gian diễn tập cụ thể. Một số nhà quan sát cho rằng cuộc diễn tập được tổ chức gần đây.
Theo kịch bản diễn tập, lính Trung Quốc đổ bộ từ tàu và trực thăng, song vấp phải hỏa lực mạnh của đối phương. Lục quân sau đó điều xe tăng lên phá hủy các lô cốt của đối phương. Tàu chiến Trung Quốc còn huấn luyện khoa mục phòng không, chống tên lửa, cất hạ cánh trực thăng vào ban đêm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định các cuộc tập trận của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa "vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, gây phức tạp tình hình, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết.
Trung Quốc công bố thông tin về cuộc diễn tập sau khi quân đội nước này ngày 1/3 thông báo tổ chức diễn tập kéo dài một tháng gần bán đảo Lôi Châu. Đợt diễn tập trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực eo biển Đài Loan và Biển Đông leo thang.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho đã triển khai 75 lượt trinh sát cơ hoạt động trên Biển Đông trong tháng 2, tần suất dày đặc chưa từng thấy. Tại eo biển Đài Loan, lực lượng phòng vệ hòn đảo cũng liên tiếp tiến hành các cuộc diễn tập, phóng thử tên lửa.
Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Nước này còn bồi đắp, cải tạo, xây dựng tiền đồn quân sự và cho binh sĩ đồn trú trái phép trên các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bất chấp luật pháp và sự phản đối của dư luận quốc tế.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)