Canada tuần qua cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục áp sát trinh sát cơ nước này đang giám sát lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên. Đôi lúc, máy bay Trung Quốc bay gần đến mức các phi công có thể nhìn thấy nhau.
Không lâu trước đó, Australia, một đồng minh khác của Mỹ, cũng lên án tiêm kích J-16 Trung Quốc có hành động cắt mặt "nguy hiểm", đe dọa trinh sát cơ P-8 nước này đang "hoạt động giám sát hàng hải thông thường" trên Biển Đông hồi cuối tháng 5.
Bắc Kinh tuyên bố hành động này là nhằm phản ứng với các cuộc tuần tra quân sự của nước ngoài "đe dọa an ninh Trung Quốc". Nhưng với các đồng minh của Mỹ, hành động của phi công Trung Quốc những tuần gần đây là bước leo thang đáng lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm bất ngờ.
Giới phân tích nhận định chiến đấu cơ Trung Quốc đang muốn "thử thách" kiên nhẫn của các đồng minh Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đẩy các yêu sách lãnh thổ phi pháp của mình lên một cấp độ nguy hiểm mới.
Những mối rủi ro này được cho là sẽ trở thành tâm điểm chú ý tại Đối thoại Shangri-La, hội nghị an ninh hàng đầu châu Á đang diễn ra ở Singapore.
Tại hội nghị, các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết Washington sẽ tập trung vào việc "thiết lập các rào chắn bảo vệ trong mối quan hệ" với Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi hoàn thiện cơ chế liên lạc trong khủng hoảng nhằm đảm bảo rằng thế cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới không leo thang thành xung đột.
"Một trong những quy tắc cơ bản mà chúng tôi muốn thiết lập với Trung Quốc là chúng tôi sẽ xác định rõ vị trí của mình và họ cũng thế", một quan chức quốc phòng Mỹ am hiểu vấn đề cho hay.
Các nhà phân tích cũng sẽ theo dõi sát Đối thoại Shangri-La để có cái nhìn sâu sắc về lý do Trung Quốc lại tăng cường các động thái gây căng thẳng gần đây và liệu điều này có phải là dấu hiệu về một mặt trận mới trong cái mà nhiều người mô tả là xung đột "vùng xám" hay không.
Peter Layton, chuyên gia tại Viện châu Á Griffith của Australia, cho rằng các hành động gần đây của Trung Quốc là một phần của chiến thuật gây leo thang "nguy hiểm". "Đã đến lúc phải báo động, không chỉ cảnh giác", ông nói.
Chiến thuật vùng xám
Chiến thuật "vùng xám", theo định nghĩa của chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), là những hành vi cưỡng ép mang tính chất quân sự nhằm đạt mục tiêu chính trị mà không châm ngòi xung đột vũ trang.
Nhiều nhà phân tích sử dụng thuật ngữ này để mô tả các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc nhiều năm qua bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời xây dựng trên đó cơ sở quân sự và đường băng kiên cố. Bắc Kinh cũng bị cáo thường xuyên điều lực lượng dân quân biển gây sức ép với tàu thuyền các nước trên Biển Đông.
Trong bài viết trên blog của Viện Lowy, Layton nhận định Trung Quốc đang có xu hướng đẩy mạnh hơn nữa chiến thuật vùng xám của mình bằng việc "ngày càng quyết liệt" ngăn chặn máy bay của các đồng minh Mỹ hoạt động trên các vùng biển, vùng trời trong khu vực. Các vụ áp sát nguy hiểm với trinh sát cơ Canada và Australia là minh chứng cho chiến thuật này, Layton nói.
Trong khi những sự cố như vậy khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại, Bắc Kinh đổ lỗi cho Australia lẫn Canada "gây căng thẳng".
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cho rằng tiêm kích nước này đã đáp trả "chuyên nghiệp, an toàn, hợp lý và hợp pháp" trước hành động "đe dọa nghiêm trọng an ninh Trung Quốc" của trinh sát cơ Australia, đồng thời cáo buộc Canberra "tung tin thất thiệt".
Layton và nhiều chuyên gia khác không tin vào thông điệp này của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang thực hiện một kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng.
Thăm dò những mắt xích yếu
Theo Oriana Skylar Mastro, chuyên gia về quân sự Trung Quốc kiêm thành viên Viện Doanh nghiệp Mỹ, Bắc Kinh đang tiến hành "trò chơi thách đố" đầy rủi ro với Washington và các đồng minh. Đó là ván cược mà Bắc Kinh tin họ sẽ thắng vì họ không lo lắng về khả năng leo thang thành xung đột quân sự, nhưng biết các nước phương Tây quan ngại điều này, Mastro nói, thêm rằng "Trung Quốc không tin vào khả năng leo thang căng thẳng bất ngờ".
"Nếu xảy ra va chạm bất ngờ trong các sự cố như vậy, Trung Quốc tin rằng phương Tây sẽ không muốn leo thang thành xung đột", Mastro cho hay. "Theo quan điểm của Bắc Kinh, chẳng ai muốn bị đẩy vào cuộc chiến khi họ không sẵn sàng chiến đấu".
Mastro và một số chuyên gia khác cho hay điều đáng chú ý là Trung Quốc tới nay chỉ áp dụng "trò chơi thách đố" này với các đồng minh của Mỹ, thay vì Washington.
Làm như vậy, Bắc Kinh hy vọng có thể tạo rạn nứt trong liên minh đối tác Thái Bình Dương do Mỹ tập hợp, theo Timothy Heath, chuyên gia quốc phòng từ tổ chức tư vấn và nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng coi trọng vai trò của nhóm Bộ Tứ, liên minh không chính thức giữa Mỹ với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, nhằm mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
"Nhắm mục tiêu vào các đồng minh của Mỹ như Canada và Australia có thể là cách để Trung Quốc thăm dò những mắt xích yếu trong liên minh và gửi thông điệp đến dư luận ở các quốc gia này rằng hợp tác quân sự với Mỹ chống lại Trung Quốc luôn tiềm ẩn nguy hiểm", Heath nhấn mạnh.
Theo Mastro, Trung Quốc tin rằng động thái "nắn gân" những quốc gia đó sẽ mang đến ít rủi ro hơn so với Mỹ, bởi họ không có nhiều biện pháp phản ứng trước Bắc Kinh. "Trung Quốc không cần phải trực tiếp chống lại Mỹ để làm suy yếu vị thế của họ ở châu Á. Trung Quốc chỉ cần kéo các đồng minh ra xa khỏi Mỹ", bà nói.
Giới phân tích dự đoán Trung Quốc nhiều khả năng sẽ theo đuổi "trò chơi thách đố" này lâu dài, sử dụng chiến thuật vùng xám để làm suy yếu dần ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
"Trung Quốc hy vọng rằng các máy bay quân sự nước ngoài, khi liên tục đối mặt với nguy cơ va chạm trên không, sẽ dần phải rút khỏi Biển Đông. Khi đó, các hoạt động của Trung Quốc sẽ ngày càng ít bị thách thức hơn", Layton bình luận.
Drew Thompson, chuyên gia cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng để đối phó với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh cần công bố rộng rãi thông tin về các vụ chạm trán và tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc.
Theo Mastro, việc tăng sức ép lên Trung Quốc có thể không tạo ra nhiều thay đổi. "Chúng ta đã lãng phí thời gian khi cố gắng tìm hiểu ý định của Trung Quốc và tự hỏi họ cố ý hay vô tình thực hiện những hành động đó", bà nhấn mạnh. "Washington và các đồng minh cần cho Bắc Kinh biết rằng họ chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm nếu các hành vi đó vượt ngoài tầm kiểm soát".
Vũ Hoàng (Theo CNN)