Sau khi Liên minh châu Âu áp lệnh cấm phần lớn dầu Nga, Mikhail Ulyanov, đặc phái viên của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, tuyên bố trên Twitter: "Moskva sẽ tìm các nhà nhập khẩu khác".
Một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu mà Nga hướng tới là Trung Quốc, quốc gia năm ngoái đã mua 20% lượng dầu thô xuất khẩu của Moskva, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Hai nước thông báo về một thỏa thuận cung cấp khí đốt trong 30 năm hôm 4/2, ba tuần trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Maria Shagina, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng Trung Quốc rất muốn tận dụng tình hình hiện nay để mua được nguồn dầu giá rẻ từ Nga và ký các hợp đồng có lợi, nhưng Bắc Kinh đồng thời cũng phải rất thận trọng trong thái độ ủng hộ Moskva, để không bị kéo vào các lệnh trừng phạt chưa từng có mà phương Tây đang áp đặt với Nga.
Một quan chức Trung Quốc giấu tên tiết lộ với Washington Post rằng Moskva đã ít nhất hai lần gây áp lực với Bắc Kinh, đề nghị thiết lập thêm các hình thức hỗ trợ kinh tế mới nhằm ứng phó với loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Người này mô tả các cuộc đối thoại diễn ra khá căng thẳng, nhưng từ chối tiết lộ yêu cầu cụ thể từ phía Nga.
Một quan chức chính phủ Trung Quốc khác cho biết Moskva đã đề xuất Bắc Kinh duy trì "các cam kết thương mại" được đưa ra từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngoài ra, Nga kỳ vọng Trung Quốc tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ ở một số hạng mục bị phương Tây trừng phạt.
"Trung Quốc đã nêu rõ lập trường về vấn đề Ukraine, cũng như những lệnh trừng phạt phi pháp nhắm vào Nga", một nguồn tin ở Bắc Kinh được tiếp cận trực tiếp với các cuộc trao đổi Moskva - Bắc Kinh thời gian qua, tiết lộ. "Chúng tôi hiểu tình thế khó khăn của Moskva, nhưng không thể làm ngơ tình cảnh của chính mình. Trung Quốc phải luôn hành động vì lợi ích cao nhất của người Trung Quốc".
Bộ Ngoại giao Nga chưa bình luận về các thông tin này.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang trong tình thế khó xử khi Nga, đối tác chiến lược quan trọng nhất của họ, cần được hỗ trợ nhiều hơn bao giờ hết để đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "người bạn thân thiết nhất".
Trong chuyến thăm của ông Putin đến Bắc Kinh tháng 2, lãnh đạo hai nước khẳng định mối quan hệ hữu nghị "không giới hạn". Thời điểm hai lãnh đạo đưa ra tuyên bố này, căng thẳng biên giới Nga - Ukraine đang tăng nhiệt, nhưng Moskva chưa phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi các bên tổ chức đàm phán hòa bình, nhưng tránh chỉ trích Moskva. "Các nước khác không được làm tổn hại lợi ích chính đáng của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.
Giới chức Mỹ nhận định Bắc Kinh đang nghiên cứu hướng hỗ trợ Moskva, đồng thời hạn chế rủi ro vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. "Đó là một nhiệm vụ khó khăn, trong khi các nỗ lực hiện nay của Trung Quốc, dưới góc nhìn của phía Nga, là chưa đủ hiệu quả", một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nói.
Quan chức này nhận định Trung Quốc dường như đang tìm những cơ hội khác để củng cố quan hệ với Nga, điển hình là thông qua hoạt động diễn tập quân sự chung. Máy bay ném bom chiến lược của Nga và Trung Quốc gần đây đã phối hợp tuần tra chung trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.
Hoạt động này diễn ra trùng thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du đầu tiên ở châu Á. Đó cũng là đợt diễn tập quân sự Nga - Trung đầu tiên kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, thể hiện mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc giữa hai nước.
"Trung Quốc đang tìm cách chứng tỏ họ vẫn sát cánh cùng Nga, đồng thời phát tín hiệu họ trung lập và không thỏa hiệp trên phương diện tài chính", quan chức Mỹ nhận định.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 1/6 tiếp tục nhấn mạnh cam kết tăng cường quan hệ Bắc Kinh - Moskva trong cuộc họp trực tuyến cùng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Nhà ngoại giao Trung Quốc tháng trước tái khẳng định Trung Quốc muốn thúc đẩy đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột Ukraine "theo cách riêng" và không ủng hộ cấm vận kinh tế Nga.
"Trung Quốc và Nga duy trì hợp tác bình thường trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng từ lâu. Câu chuyện hiện nay không phải là ai sẽ giúp Nga lách lệnh trừng phạt, mà chính xác hơn là trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa Nga và Trung Quốc không nhất thiết chịu tổn hại", Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, tuần trước nhấn mạnh.
Ông Lưu cho rằng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Moskva đang tạo ra tình thế "cùng thua" cho các bên liên quan. Ông lặp lại lập trường Bắc Kinh rằng chiến lược trừng phạt chỉ khiến cho nền kinh tế thế giới "vốn đang khó khăn càng thêm ảm đạm".
Các quan chức giấu tên của Trung Quốc cho hay Nga chưa đề nghị họ hỗ trợ vũ khí, đạn dược cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Họ từ chối bình luận liệu Moskva đã bao giờ đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ thêm những công nghệ và vật tư khác có khả năng phục vụ hoạt động quân sự hay không.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong phát biểu ngày 1/6 tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington cho hay Mỹ chưa phát hiện "nỗ lực mang tính hệ thống nào" từ Trung Quốc nhằm hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt. Washington cũng không ghi nhận động thái nào từ Bắc Kinh mang tính chất hỗ trợ quân sự cho Moskva.
Giới nghiên cứu nhận định Trung Quốc không mặn mà với ý tưởng giúp Nga né lệnh trừng phạt, vì không muốn bị kéo vào vòng xoáy này, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ cùng đồng minh vẫn còn lá bài cấm vận công nghệ lõi như chất bán dẫn và thiết bị hàng không. Bắc Kinh cũng không muốn dính lệnh trừng phạt thứ cấp về tài chính, khiến nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào bất ổn.
Một quan chức Trung Quốc cho hay Bắc Kinh và Moskva đã tổ chức đối thoại cấp cao thời gian qua nhằm tìm biện pháp đẩy nhanh tốc độ các dự án song phương, củng cố quan hệ và giảm rủi ro lâu dài.
Nguồn tài chính cho những dự án mang ý nghĩa chiến lược như Đường ống phương Đông Nga - Trung vẫn được duy trì sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, trong đó có những khoản chi cho vật tư và máy móc. Hai nước kỳ vọng dự án đưa 18,9 tỷ m3 khí đốt từ Nga đến đồng bằng Trường Giang trước năm 2025.
Viện Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc hồi tháng 4 tiếp tục thuê dịch vụ và mua thiết bị mới từ OKBM Afrikantov, hãng thiết kế hạt nhân Nga, cho một dự án gần Bắc Kinh. Trong cùng giai đoạn, Trung Quốc mua vật tư mới và sử dụng thêm dịch vụ từ Rosatom, cơ quan năng lượng hạt nhân quốc gia Nga, cho nhà máy điện hạt nhân Điền Loan thuộc tỉnh Giang Tô.
Yun Sun, đồng giám đốc Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson, lưu ý Bắc Kinh vẫn cần Moskva để "tạo thế liên kết chiến lược đối trọng Washington". Bởi vậy, Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì ủng hộ Nga và chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhằm tránh gây tổn hại cho quan hệ song phương.
Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ đối mặt với tình thế khó xử, khi chính quyền Tổng thống Biden sẽ ngày càng tức giận với sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga, theo Neil Thomas, chuyên gia tại Eurasia Group.
"Điều đó sẽ đặt Trung Quốc trước nguy cơ hứng chịu các động thái trừng phạt đơn phương từ phía Mỹ cũng như những hành động phối hợp từ phương Tây trong các biện pháp an ninh kinh tế chống lại Bắc Kinh", Thomas cảnh báo.
Thanh Danh (Theo Washington Post)