Cuộc cạnh tranh đã trở thành tâm điểm chú ý trong những ngày gần đây, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hoàn thành chuyến công du 10 ngày tới 8 quốc đảo trong khu vực. Chuyến đi của ông Vương không chỉ nhằm tăng cường hợp tác, mà còn để thúc đẩy một thỏa thuận an ninh, kinh tế sâu rộng giúp tăng vai trò của Bắc Kinh trong khu vực.
Chuyến đi của ông Vương và tin tức về một "siêu thỏa thuận" như vậy đã khiến các cường quốc có mối quan hệ lâu năm ở Nam Thái Bình Dương chạy đua hành động. Washington tuần trước cam kết tăng cường hỗ trợ khu vực, trong khi Australia lập tức cử Ngoại trưởng tới công du nhiều quốc đảo.
Dù đề xuất của Trung Quốc cuối cùng không được các quốc đảo chấp thuận, ông Vương đã để lại một thông điệp rõ ràng về mục tiêu của Bắc Kinh trong khu vực và làm tăng lo ngại rằng các đảo quốc Nam Thái Bình Dương sẽ là đấu trường tiếp theo chứng kiến cạnh tranh khốc liệt hơn giữa hai cường quốc, theo Simone McCarthy, nhà phân tích chính trị của CNN.
Trong con mắt của Washington và Canberra, Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ với các nước khắp Nam Thái Bình Dương để có thể biến các thỏa thuận cơ sở hạ tầng hoặc an ninh có vẻ khiêm tốn thành một chỗ đứng quân sự trong khu vực.
Điều này gây lo ngại cho Mỹ, khi nước này duy trì các căn cứ quân sự và Hiệp ước Liên kết Tự do với Liên bang Micronesia, Cộng hòa Palau, Cộng hòa Marshall, cho phép họ có quyền hoạt động quân sự trên không phận và vùng biển của ba nước.
Australia cũng có hoạt động hải quân ở khu vực và từ lâu duy trì quan hệ quốc phòng, an ninh với các chính phủ láng giềng, gồm triển khai lực lượng giữ gìn hòa bình và huấn luyện quân sự. Cả Australia và New Zealand đều là một phần của các hiệp ước an ninh khu vực và song phương ở Thái Bình Dương.
Nam Thái Bình Dương được đề cập trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuần trước, trong đó bày tỏ lo ngại về "một quốc gia không có chung lợi ích với chúng tôi thiết lập hiện diện quân sự lâu dài ở Thái Bình Dương".
"Các quốc đảo này án ngữ tuyến lưu thông quan trọng cho các tàu hải quân và tàu thương mại của Mỹ, Australia", Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại tổ chức RAND ở Mỹ, nói. "Nếu Trung Quốc thiết lập hiện diện quân sự ở đây, họ có thể triển khai tàu sân bay và máy bay chiến đấu tới các đảo quốc. Tàu chiến và máy bay của họ có thể đe dọa phương tiện của Mỹ, Australia đi qua đó".
Heath thêm rằng ngay cả khi chỉ tăng hiện diện thông thường, không phải là khí tài quân sự, tại các quốc đảo này, Trung Quốc cũng có thể "thu thập thông tin tình báo nhạy cảm về các hoạt động quân sự của Mỹ và Australia".
Việc Trung Quốc nỗ lực xây dựng quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương không phải động thái mới. Đầu những năm 2000, khi Mỹ tập trung ứng phó các mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo ở Trung Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu nỗ lực trở thành đối tác kinh tế và ngoại giao với khu vực. Bắc Kinh được cho là đã gây tác động khiến Quần đảo Solomon và Kiribati cắt quan hệ với đảo Đài Loan, chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 2019.
Trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán hơn và tăng tài trợ phát triển trên toàn cầu nhằm mở rộng ảnh hưởng quốc tế, tham vọng của họ ở khu vực Nam Thái Bình Dương cũng tăng lên.
Trung Quốc tài trợ các dự án ở một số quốc đảo, như một sân vận động để tổ chức Pacific Games tại Solomon, các tuyến cao tốc ở Papua New Guinea, cầu ở Fiji. Bắc Kinh cũng cử các đặc phái viên cấp cao tới khu vực, trong đó có hai chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2014 và 2018. Trung Quốc dần trở thành đối tác thương mại lớn với các nền kinh tế ở đây.
Dù Australia vẫn là nhà tài trợ hàng đầu của khu vực trong 5 năm qua, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Lowy, một số chuyên gia cho rằng một số quốc đảo, coi Bắc Kinh là đối tác tốt hơn các nước phương Tây.
"Họ cho rằng Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn", Celsus Talifilu, cố vấn chính trị ở Quần đảo Solomon, nói. "Có thể các chính trị gia của chúng tôi nghĩ rằng hợp tác với Trung Quốc dễ dàng hơn khi mọi thứ diễn ra nhanh chóng, trong khi các nhà tài trợ phương Tây tỏ ra chậm chạp".
McCarthy cho rằng sau nhiều thập kỷ dồn lực vào Trung Đông, Mỹ dần thay đổi cách nhìn nhận về mối đe dọa từ Trung Quốc. Mối lo ngại về tham vọng quân sự của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương bùng lên hồi tháng 4, khi Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký một thỏa thuận an ninh.
Ngoại trưởng Vương Nghị nhanh chóng trấn an những lo ngại, nói Bắc Kinh không có ý định xây căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon và kêu gọi các bên "đừng quá lo lắng" về mục tiêu của Trung Quốc trong khu vực. Ông thêm rằng Trung Quốc "không có ý định tranh giành ảnh hưởng".
Trước các mối lo ngại về Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường hiện diện ở khu vực, như chính sách Step-Up của Australia và kế hoạch tái thiết Thái Bình Dương của New Zealand năm 2018, cũng như cam kết Thái Bình Dương của Mỹ năm 2019.
"Các nước này đã phát triển nhiều sáng kiến mới về Thái Bình Dương, nhưng đều chung một mục tiêu là đảm bảo họ vẫn duy trì vị thế đối tác chính của khu vực và Trung Quốc không thể chiếm ưu thế ở đây", Sandra Tarte, phó giáo sư Trường Luật và Khoa học Xã hội thuộc Đại học Nam Thái Bình Dương ở Fiji, nói.
Giới quan sát cho rằng điều này sẽ khiến các quốc đảo đứng trước áp lực phải "chọn phe" giữa các cường quốc. Tuy nhiên, đây cũng có thể là đòn bẩy để họ phát triển kinh tế.
"Người dân đảo quốc Thái Bình Dương không còn xa lạ gì với những cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu", Tarcisius Kabutaulaka, phó giáo sư Đại học Haiwaii ở Manoa, cho hay.
Ông cho biết khu vực đã chịu nhiều áp lực từ những năm 1800, khi các đảo là trọng tâm cạnh tranh thuộc địa, cho đến Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Nhưng ông thêm rằng nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng, việc duy trì thế cân bằng của các đảo quốc giữa đấu trường của hai cường quốc có thể trở nên khó khăn hơn.
Đó có thể là một yếu tố khiến đề xuất về thỏa thuận an ninh, kinh tế của Bắc Kinh cuối cùng không được các đảo quốc Thái Bình Dương thông qua. Một nguyên nhân khác có thể liên quan tới khái niệm "Thái Bình Dương Xanh", nhấn mạnh rằng việc ra quyết định tập thể về khu vực phải được thông qua tham vấn với tất cả các thành viên.
"Quan điểm của chúng tôi là bạn không thể có thỏa thuận với khu vực khi khu vực chưa nhóm họp để thảo luận về nó", Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata'afa nói.
Ông Vương đã ký một số thỏa thuận song phương về hợp tác kinh tế, quản lý thảm họa và trị an với một số quốc đảo. Nhưng ngay cả khi Bắc Kinh không đạt được một "siêu thỏa thuận" như mong muốn, xu hướng cạnh tranh nước lớn gia tăng và những quan điểm khác nhau về vai trò của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể làm giảm gắn kết của khu vực.
"Tôi lo ngại rằng cạnh tranh địa chính trị sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến mối quan hệ của các quốc đảo ở đây", Kabutaulaka cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo CNN)