Những đòn giáng của Mỹ, vốn bắt đầu từ thời chính quyền Donald Trump, chưa bao giờ ngừng lại đối với Trung Quốc ngay cả sau khi Joe Biden lên nắm quyền. Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu liên quan đến vấn đề Tân Cương. Một cảnh báo gửi tới các doanh nghiệp quốc tế về môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi ở Hong Kong. Động thái từ chối cấp thị thực cho sinh viên và nghiên cứu sinh bị nghi ngờ có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Giờ đây, Mỹ tiếp tục tập hợp một loạt nước cùng đưa ra cáo buộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc không chỉ hoạt động gián điệp trên không gian mạng mà còn tấn công mạng vì lợi ích và mục tiêu chính trị.
Hàng loạt đòn công kích khiến Bắc Kinh không khỏi tức giận, nhưng 6 tháng kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa tìm ra một chiến lược hiệu quả để đối phó, giới quan sát đánh giá.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Tổng thống Biden đã thực hiện cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn so với người tiền nhiệm Trump, kêu gọi cả các đồng minh tham gia vào chiến dịch gây sức ép lên Trung Quốc.
Dù hai bên đều khẳng định không bao giờ muốn tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, xung đột ý thức hệ vẫn liên tục bị đốt nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Kết quả là mối quan hệ song phương tiếp tục rạn nứt, thậm chí xuống mức xấu hơn cả dưới thời Trump, điều khiến không ít quan chức ở Bắc Kinh bất ngờ.
"Mỹ đã tuyên bố trở lại nhưng thế giới đã thay đổi", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với trang tin Guancha.cn. "Mỹ cần nhìn ra những thay đổi này, thích nghi với chúng, rút kinh nghiệm và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ".
Không rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức phát đi tín hiệu thay đổi chiến lược chính sách đối ngoại hay chưa, nhưng xét từ những tuyên bố và hành động công khai gần đây, Bắc Kinh dường như đang mất dần kiên nhẫn với chính quyền Biden.
Trung Quốc đã trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu liên quan đến vấn đề Hong Kong và Tân Cương bằng những lệnh trừng phạt của riêng mình. Họ đã hạn chế hoạt động IPO của các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ. Bắc Kinh cũng gia tăng hoạt động quân sự trên một số vùng biển tranh chấp, khi hải quân Mỹ gia tăng các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải dưới thời Biden.
Nhịp độ nhanh chóng của các hoạt động quân sự sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu vũ trang, giới chuyên gia đánh giá. Ngôn từ mang tính đả kích được một số quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc tung ra sẽ khiến nỗ lực xuống thang căng thẳng càng trở nên khó khăn hơn.
Trong bài phát biểu hôm 1/7 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập cảnh báo sẽ "không cho phép bất kỳ ai bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục Trung Quốc". "Bất cứ ai có ý định như vậy sẽ va phải Vạn lý Trường Thành thép được dựng lên bởi máu xương của 1,4 tỷ người", ông nhấn mạnh.
Thời Ân Hoằng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, đánh giá "chính phủ Trung Quốc giờ đây đã nhận thức rõ ràng về những áp lực và thách thức chưa từng có tiền lệ mà họ phải đối mặt trên trường quốc tế".
"Vấn đề là họ biết để thay đổi điều này, Trung Quốc cần thay đổi chính sách cơ bản của mình, việc mà các lãnh đạo Trung Quốc cho rằng không thể hoặc không đáng", ông nói thêm.
Căng thẳng đang gia tăng kể từ khi các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước gặp mặt ở Alaska, Mỹ, hồi tháng ba. Cuộc gặp đã mở ra hàng loạt màn đối đáp quyết liệt, không khoan nhượng về các vấn đề gây chia rẽ đôi bên.
Hồi tháng 4, John Kerry, đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden, đã tới Thượng Hải dự hội nghị với các quan chức Trung Quốc, song một tuyên bố chung về cam kết giảm lượng khí thải được đưa ra sau sự kiện lại không đề cập đến bất kỳ nỗ lực nào nhằm hợp tác cùng nhau.
Từ đó đến nay, mọi mối hợp tác, dù về vấn đề nào, cũng đều rất hiếm hoi, thay vào đó là những lời cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau diễn ra gần như hàng ngày.
Bầu không khí đối đầu trở nên "đậm đặc" đến mức ngay cả chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman dự kiến diễn ra vào tuần tới cũng trở thành chủ đề xung đột, với việc các quan chức hai bên tranh cãi nhau xem ai sẽ dự cuộc họp nào.
Tổng thống Biden, người tháng trước họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đến nay vẫn chưa công bố kế hoạch gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc. Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập cũng chưa nói chuyện thêm kể từ sau cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ hồi tháng hai.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ cáo buộc mới nhất từ phía Mỹ liên quan đến hành vi tấn công mạng, gọi đây đều là "những lời bịa đặt". Ông thậm chí còn phản pháo rằng chính Mỹ mới là nước dẫn đầu thế giới về tấn công mạng.
Wu Qiang, nhà phân tích chính trị độc lập tại Bắc Kinh, đánh giá thái độ nghi ngờ lẫn nhau đang cản trở hai bên tái thiết một mối quan hệ ổn định hơn. "Thiếu tin tưởng về chính trị là trở ngại lớn nhất", ông nói.
Tại Bắc Kinh, mọi lời đổ lỗi đều dồn về Mỹ. Quan điểm chung được đưa ra là những động thái mà chính quyền Biden đang thực hiện chỉ nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc.
"Chính quyền Biden đang cô lập Trung Quốc bằng chiến lược thành lập một câu lạc bộ đa phương", Yan Xuetong, lãnh đạo Viện Quan hệ Quốc tế Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận xét. "Chiến lược này đang tạo thêm không ít khó khăn cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đồng thời gây áp lực lên các mối quan hệ ngoại giao hơn cả chiến lược đơn phương dưới thời Trump".
Trong các tuyên bố công khai và trên mạng xã hội, Bắc Kinh cũng thường tìm cách chế giễu vai trò được cho là "chuẩn mực quốc tế" của Mỹ.
Khi tòa chung cư 12 tầng ở Surfside, Florida, đổ sập hồi tháng trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lập tức nắm lấy cơ hội, chỉ trích cái mà họ gọi là phản ứng "chậm chạp" của Mỹ trong nỗ lực cứu hộ, cứu nạn.
Trong khi phong cách ngoại giao "chiến lang" được đón nhận trong một bộ phận quan chức Trung Quốc có quan điểm cứng rắn, những người khác đang tỏ ra lo ngại về chiến lược mang tính hiếu chiến này.
Tại một hội thảo ở Bắc Kinh do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tổ chức, nhiều học giả đã gióng hồi chuông cảnh báo về hình ảnh toàn cầu của nước này. Một cuộc thăm dò gần đây do Pew thực hiện cho thấy đa phần người dân ở 15 quốc gia lớn đều có nhận thức tiêu cực về Trung Quốc.
Chu Yin, giáo sư tại Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh, kêu gọi các nhà ngoại giao Trung Quốc linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc thể hiện hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
"Tôi thường nói rằng các nhà ngoại giao của chúng tôi đã có những bước tiến lớn về trình độ ngoại ngữ, nhưng khả năng kể chuyện và tìm kiếm sự cộng hưởng về mặt cảm xúc lại đang thụt lùi", Chu cho biết tại hội thảo. "Giờ đây, hình ảnh quốc gia của Trung Quốc không được tốt và nó có liên quan trực tiếp tới điều đó".
Nhưng cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc được cho là sẽ khó có khả năng thay đổi trong tương lai gần bởi nó xuất phát từ tầng lớp lãnh đạo cấp cao nhất.
Chủ tịch Tập dường như không bao giờ nản lòng. Ngay cả trước khi Tổng thống Biden đắc cử, Chủ tịch Tập đã đưa ra một chủ đề mà sau này thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thảo luận công khai. "Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu", ông phát biểu tại một cuộc họp của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm ngoái.
Theo Deng Yuwen, cựu biên tập viên một tờ báo Trung Quốc hiện sống ở Mỹ, rất nhiều người ở Trung Quốc tin rằng 5 năm tới sẽ là thời kỳ căng thẳng nhất trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
"Quan điểm ở Trung Quốc hiện nay là 'Chúng tôi rất mạnh nên việc đối đầu với các bạn không phải là vấn đề. Chúng tôi có thể đối đầu miễn là cảm thấy cần thiết", ông đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)