Ba năm sau khi cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, hàng rào thuế quan do cựu tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên hầu hết hàng hóa Trung Quốc vẫn được giữ nguyên. Căng thẳng song phương dưới thời Tổng thống Joe Biden thậm chí còn vượt ra khỏi địa vực thương mại, lan sang một loạt vấn đề, bao gồm cả địa chính trị và nhân quyền.
Kể từ khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng một năm ngoái, Bắc Kinh đã nhiều lần thúc giục Washington rút lại đòn thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ thuyết phục chính quyền. Nhưng các quan chức Mỹ, bao gồm cả Đại diện Thương mại Katherine Tai, đã tuyên bố hàng rào thuế quan sẽ không suy suyển, ít nhất ở thời điểm hiện tại.
Tổng thống Biden lúc này chưa có ý định đốt nóng chương trình nghị sự thương mại với Trung Quốc, song giới phân tích đánh giá ông có xu hướng đi theo con đường mà người tiền nhiệm đã khởi xướng.
Lưỡng đảng Mỹ giờ đây đang dần đồng thuận về việc phải "cứng rắn hơn" với Trung Quốc. Một số thành viên quốc hội mong muốn dùng cuộc chiến thuế quan làm đòn bẩy buộc Bắc Kinh phải thay đổi cơ cấu một cách sâu sắc hơn.
Vì chỉ có Bắc Kinh là bên nhượng bộ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một nên rất ít khả năng Tổng thống Biden sẽ hủy bỏ thỏa thuận này, theo Bryan Mercurio, giáo sư chuyên về luật kinh tế quốc tế tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong.
Hơn nữa, Mỹ hiện có thể vịn vào cái cớ Trung Quốc không tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận để đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán tương lai và các mối quan hệ ngoại giao rộng hơn, ông cho biết thêm.
"Biden vào một thời điểm nào đó được cho là sẽ tìm cách thể hiện quyền lực của mình trong các mối quan hệ thương mại, khi đó, chúng ta có thể thấy những điều chỉnh nhỏ với thỏa thuận thương mại giai đoạn một", Mercurio nhận định.
Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, cho hay sẽ rất khó để Bắc Kinh và Washington bắt đầu lại các cuộc đàm phán thương mại "trong tương lai gần" và một thỏa thuận được cả hai bên chấp thuận sẽ "rất khó xảy ra".
"Chiến tranh thương mại sẽ tiếp diễn, ít nhất trong tương lai gần", ông nói thêm.
Song ông thêm rằng có hai dấu hiệu tích cực xuất hiện những tháng gần đây. Trung Quốc đã mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có các cuộc trao đổi với Đại diện Thương mại Katherine Tai cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từ hồi tháng 5. Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cũng thảo luận với người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo.
Theo thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc cam kết mua thêm 98,2 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm nay, vượt mức kỷ lục hồi năm 2017. Dù vậy, lượng mua đã giảm so với mục tiêu, một phần do đại dịch Covid-19.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, lượng hàng hóa Trung Quốc mua từ Mỹ từ tháng một đến tháng 5/2021 chỉ đạt 69% mục tiêu, dựa trên dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc, và chỉ bằng 62% mục tiêu theo dữ liệu xuất khẩu của Mỹ.
Hai nước ban đầu tranh cãi chủ yếu về thương mại và chính sách kinh tế nhưng hiện tại, căng thẳng đã lan sang hàng loạt vấn đề khác như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan. Thêm vào đó, những lĩnh vực tranh cãi giờ đây còn khó tìm được đồng thuận hơn trước kia.
"Càng làm phức tạp thêm tình hình là hành động của Mỹ liên quan đến những vấn đề như chuỗi cung ứng và chính sách đầu tư, vốn đã đan kết các vấn đề kinh tế và chính trị lại với nhau theo cách rất khó tháo gỡ", Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu về thương mại toàn cầu, nhận định. "Hệ quả là cơ hội giảm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung khá mong manh".
Stephen Olson, cựu chuyên gia đàm phán thương mại tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết bất kỳ ai hy vọng cuộc chiến thương mại nhanh chóng kết thúc dưới thời Biden chắc chắn sẽ thất vọng, bởi chính sách thương mại của ông không có những khác biệt rõ ràng so với Trump.
"Chính quyền hiện tại chưa thực sự bắt tay vào thực hiện những gì họ hy vọng đạt được", ông nói thêm. "Ý định của Biden là theo đuổi chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm cũng như đặt vấn đề nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại, chắc chắn sẽ khiến các cuộc thảo luận về thương mại với Trung Quốc trở nên khó khăn".
Nhà Trắng tháng trước thông báo sẽ thành lập một đội chuyên trách thương mại do Katherine Tai dẫn dắt với mục tiêu ngăn chặn tình trạng suy thoái công nghiệp Mỹ và xói mòn các chuỗi cung ứng quan trọng cho các sản phẩm như chất bán dẫn hay dược phẩm.
Bryan Mercurio cho hay ông không nghĩ việc rà soát chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến thương mại trong ngắn hạn, bởi hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ chủ yếu bởi các công ty tư nhân, không phải chính phủ.
"Để hoạt động tái cấu trúc chuỗi cung ứng diễn ra ở bất kỳ lĩnh vực nào, chính phủ sẽ phải làm cho nó hấp dẫn về mặt tài chính thông qua trợ cấp hoặc các biện pháp khuyến khích. Tôi không nhìn thấy điều này trên quy mô lớn", Mercurio nói.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)