Động thái của Pompeo đã mở đường để Trump chấm dứt các ưu đãi thương mại với đặc khu như không phải chịu các mức thuế mà Washington áp với Bắc Kinh, được mua các công nghệ nhạy cảm, đảm bảo trao đổi tự do giữa USD và đô Hong Kong. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phớt lờ lời đe dọa "hành động mạnh tay" của Washington.
Các quan chức chính quyền của Trump lập luận rằng họ đã khiến Trung Quốc phải nhượng bộ, ngồi vào bàn đàm phán thương mại bằng cách áp thuế. Nhưng họ đã thất bại trong mục tiêu thay đổi căn bản hành vi của Trung Quốc về thương mại hoặc bất kỳ vấn đề nào khác.
"Bất cứ điều gì Mỹ nói, làm hoặc sẽ làm, Trung Quốc đều khước từ hoặc phản đối", Shi Yinhong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, các biện pháp trả đũa minh chứng cho tinh thần thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc. "Khi Trung Quốc đang trỗi dậy như một cường quốc kinh tế, Mỹ để yên cho điều đó xảy ra. Giờ đây, khi Trung Quốc đã hùng mạnh, họ bắt đầu đứng ngồi không yên", Shen Dingli, chuyên gia về quan hệ với Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói về cách tư duy của Bắc Kinh.
Khi chính quyền Trump công bố những hạn chế mới để ngăn các công ty trên toàn thế giới sử dụng máy móc và phần mềm do Mỹ sản xuất để hỗ trợ Huawei, Bắc Kinh dọa sẽ nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Khi chính quyền Trump giới hạn số lượng nhà báo Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc trục xuất hầu hết phóng viên Mỹ từ ba hãng tin lớn của nước này.
Cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều cảm thấy phải tỏ ra cứng rắn. Trump coi việc đổ lỗi cho Trung Quốc về khủng hoảng Covid-19 ở Mỹ là con đường để tái đắc cử. Ông Tập đang đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và ngoại giao có thể khuấy động sự phản đối trong nước đối với quyền lực của ông.
Các động thái của Mỹ không khiến Bắc Kinh chùn bước mà dường như còn giữ quan điểm quyết liệt hơn. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, thách chính quyền Trump thực hiện lời đe dọa chấm dứt ưu đãi thương mại với Hong Kong. Ông nhấn mạnh 85.000 người Mỹ hoạt động ở thành phố và hàng loạt công ty sẽ nhận quả đắng vì quyết định của Mỹ.
"Washington quá tự luyến", ông viết trên Weibo hôm 28/5. "Các chính trị gia Mỹ như Pompeo ngạo nghễ nghĩ rằng số phận Hong Kong nằm trong tay họ".
Thực tế, Trung Quốc không muốn phá hủy mối quan hệ với Mỹ. Trong cuộc họp báo bế mạc kỳ họp quốc hội ngày 28/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã giữ giọng điệu hòa giải. Ông dành lời khen ngợi cho công ty Mỹ, Honeywell khi doanh nghiệp này hôm 26/5 thông báo đầu tư vào Vũ Hán. Một tháng trước, Lầu Năm Góc đã trao cho Honeywell hợp đồng cung cấp khẩu trang.
Dù không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào với các yêu cầu của Mỹ, ông Lý kêu gọi thắt chặt quan hệ thương mại giữa hai nước. Thủ tướng Trung Quốc còn hai lần kêu gọi đảm bảo mối quan hệ hòa bình với Đài Loan, sau khi bỏ từ "hòa bình" khỏi tuyên bố trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội tuần trước. Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẵn lòng tìm kiếm nguồn gốc Covid-19.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ thỏa hiệp.
Canada hôm 27/5 ra phán quyết bất lợi cho giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, xúc tiến việc dẫn độ bà sang Mỹ. Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố sẽ trả đũa cả Canada và Mỹ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa cáo buộc Mỹ và Canada lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương, nói rằng "mục đích của Mỹ là hạ bệ Huawei và các công ty công nghệ cao khác của Trung Quốc. Canada hành động như một đồng phạm của Mỹ".
Trung Quốc đã ra các biện pháp trả đũa nhằm vào xuất khẩu thịt lợn, dầu hạt cải và các sản phẩm khác của Canada. Trong những ngày gần đây, họ ám chỉ sẽ nhắm mục tiêu nhiều hơn nữa. Họ đã giữ hai người Canada Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc gián điệp.
Cả Kovrig và Spavor đều không xuất hiện trong các phiên tòa công khai hay được tiếp cận luật sư trong quá trình tố tụng. Điều này khiến ác cảm với Trung Quốc tăng cao ở Canada, nơi trước đây không nghi ngại nhiều về Bắc Kinh như Mỹ.
Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nơi Kovrig làm việc, hôm qua đăng tweet rằng đây đã là ngày thứ 535 ông bị giữ. "Mỗi ngày trôi qua là một vết nhơ trên danh tiếng của Trung Quốc", nhóm này viết.
Nhưng ông Tập dường như không bận tâm đến những lo lắng về danh tiếng. Ông đang có đà tiến khi Trung Quốc đã kiềm chế được Covid-19 và đang thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc để khiến dư luận không chú ý đến sai lầm khi dịch mới bùng phát. Ông mô tả đại dịch và hệ quả kinh tế như lò luyện kim, sẽ khiến Trung Quốc vững chắc hơn. Trung Quốc cũng cho thấy họ sẽ tiếp tục thúc đẩy các yêu sách chủ quyền, từ Biển Đông cho đến dãy Himalaya.
Điều đó làm suy yếu đòn bẩy Mỹ từng giữ: họ cho rằng Bắc Kinh ngần ngại có hành động quyết liệt vì nỗi lo bị quốc tế lên án, đối mặt các hạn chế thương mại hay nguy cơ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đoạn tuyệt. Nhưng Bắc Kinh giờ đây dường như sẵn sàng chấp nhận mọi tổn thất.
Lau Siu-kai, cựu quan chức cấp cao Hong Kong cố vấn cho Bắc Kinh, nói rằng áp lực từ Mỹ không thể khiến Bắc Kinh xem xét lại vấn đề Hong Kong, một phần vì lãnh đạo Trung Quốc đã đoán trước cách phản ứng của Mỹ.
"Bắc Kinh sẽ giữ vững chính sách mới về Hong Kong bất chấp phản ứng của Mỹ và sẵn sàng ăn miếng trả miếng", ông nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)