Khi Anh ngày 1/7/1997 trao trả Hong Kong cho Trung Quốc sau hơn 150 năm cai quản, nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" được thiết lập như nền tảng của mối quan hệ giữa đặc khu và đại lục. Dù là một phần của Trung Quốc đại lục, nguyên tắc trên giúp đặc khu hành chính Hong Kong duy trì mức độ tự trị nhất định trong 50 năm.
Không chỉ được khẳng định trong Tuyên bố chung Trung - Anh, nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" còn được ghi rõ trong Luật Cơ bản, được ví như "tiểu hiến pháp" của Hong Kong. Luật Cơ bản bảo vệ các quyền như tự do hội họp, tự do ngôn luận, đồng thời đặt ra nguyên tắc quản trị cho lãnh thổ Hong Kong cho tới năm 2047.
Trưởng đặc khu là người có quyền lực cao nhất tại Hong Kong, chịu trách nhiệm thực thi Luật Cơ bản, ký các dự luật và thông qua ngân sách, ban hành luật, tuyên bố tính hiệu lực của chúng và ban hành các sắc lệnh hành pháp. Hỗ trợ trưởng đặc khu là Hội đồng Lập pháp.
Theo Luật Cơ bản, tòa án Hong Kong "trong phạm vi quyền tự trị" của đặc khu có trách nhiệm xác định liệu các hành động của chính quyền trung ương có hợp pháp hay không. Nhưng hiến pháp Trung Quốc quy định chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội (NPCSC) mới có quyền tối cao trong diễn giải luật.
Từ khi Hong Kong được chuyển giao, NPCSC đã 5 lần kích hoạt quyền diễn giải luật, chủ yếu trong cuộc biểu tình diễn ra ở đặc khu hồi năm 2016. Giới phê bình cho rằng trong quá trình diễn giải lại luật, NPCSC thực tế đã sửa đổi luật thay vì làm rõ cách thức áp dụng của nó.
Bắc Kinh cũng có quyền phê chuẩn bổ nhiệm trưởng đặc khu và kiểm soát các vấn đề quốc phòng, ngoại giao của Hong Kong. Hiện có khoảng 5.000 lính Trung Quốc đồn trú tại Hong Kong để thực thi nhiệm vụ quốc phòng, nhưng họ chỉ có thể can thiệp vào tình hình ở thành phố nếu chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc chiến tranh, hoặc được chính quyền đặc khu đề nghị hỗ trợ nhằm "duy trì trật tự công cộng và cứu trợ thảm họa".
Tuy nhiên, thực tế này có thể sẽ thay đổi sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh cho Hong Kong. Động thái xây dựng luật an ninh của NPCSC sẽ "vượt quyền" Hội đồng Lập pháp Hong Kong, cơ quan được quy định ban hành luật an ninh theo Điều 23 trong Luật Cơ bản.
Luật an ninh cũng có thể là cơ sở để các cơ quan an ninh, tình báo Trung Quốc mở văn phòng và hoạt động tại đặc khu Hong Kong. Bộ Công an Trung Quốc hôm qua ra thông báo cho biết sẽ "hướng dẫn và hỗ trợ" cảnh sát Hong Kong thực thi luật pháp tại đặc khu, dù công an Trung Quốc trước đây không có quyền hành pháp tại thành phố này.
Giới quan sát cho rằng luật an ninh mới sẽ tác động đáng kể đến quyền tự trị của Hong Kong và làm dấy lên những lo ngại về mức độ ảnh hưởng của chính quyền trung ương tại đặc khu. Tuy nhiên, tương lai Hong Kong không chỉ chịu tác động từ luật an ninh, mà nó còn có thể bị định đoạt bởi một đạo luật được ban hành tại Mỹ.
5 năm trước khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, các nhà lập pháp Mỹ đã thống nhất tiếp tục đối xử với vùng lãnh thổ này như một thực thể riêng biệt với Trung Quốc đại lục.
Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong 1992, Mỹ trao cho Hong Kong trạng thái đặc biệt, đồng thời vẫn duy trì hàng loạt thỏa thuận quy định cách thức tương tác giữa Mỹ và Hong Kong được áp dụng từ trước thời điểm trao trả, bao gồm cả thương mại.
Từ quan điểm của Mỹ, điểm lớn nhất tách biệt Hong Kong với Trung Quốc đại lục nằm ở các chính sách về thương mại và kinh tế. Mỹ coi Hong Kong là một lãnh thổ hải quan độc lập. Hong Kong là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và áp dụng mức thuế suất bằng 0 đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Sau các cuộc biểu tình kéo dài ở Hong Kong hồi năm ngoái, quốc hội Mỹ cuối năm 2019 thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận Hong Kong còn duy trì quyền tự chủ hay không, để đặc khu tiếp tục được hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ.
Vị thế đặc biệt của Hong Kong có nguy cơ bị tước bỏ, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27/5 nói rằng Hong Kong không còn được hưởng quyền tự chủ do luật an ninh mới. Tổng thống Donald Trump sẽ là người quyết định có tước ưu đãi Hong Kong đang được hưởng hay không.
Nếu bị Mỹ tước vị thế đặc biệt, Hong Kong sẽ không còn được hưởng những ưu đãi như được mua các công nghệ nhạy cảm, đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng đô Mỹ và đô Hong Kong, đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư độc lập với Bắc Kinh. Cư dân Hong Kong cũng có thể chịu các hạn chế về thị thực bị Mỹ áp dụng với công dân Trung Quốc đại lục.
"Động thái này sẽ tạo ra rất nhiều tác động, bao gồm cả việc Mỹ mở rộng các hàng rào thuế quan đang áp dụng lên Trung Quốc đại lục sang Hong Kong", chuyên gia phân tích Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, nhận định. "Nó còn gây thêm khó khăn trong việc di chuyển đối với người dân Hong Kong khi họ muốn tới Mỹ và buộc nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hong Kong phải rời đi".
Việc xóa bỏ tình trạng đặc biệt của Hong Kong cũng sẽ khiến những khoản đầu tư từ các công ty ở đặc khu vào Mỹ bị giám sát chặt chẽ hơn.
Hong Kong được coi là một đặc khu của Trung Quốc nhưng Hong Kong "chỉ đặc biệt khi thế giới đối xử với nó khác với đại lục", David Webb, cựu quản lý ngân hàng kiêm nhà đầu tư ở Hong Kong, bình luận.
Tổng thống Trump có thể tự thay đổi trạng thái đặc biệt của Hong Kong thông qua một sắc lệnh hành pháp. Quốc hội Mỹ đang tích cực thúc giục ông phải hành động.
Việc gỡ bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong có thể giúp Trump trông có vẻ cứng rắn hơn với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Đây là chiến lược mà ông đã áp dụng nhằm đánh lạc hướng chú ý từ dư luận khỏi cách phản ứng vụng về, rối loạn của Nhà Trắng với Covid-19.
Tuy nhiên, động thái này đi kèm một số rủi ro chính trị nhất định. Nó có thể đe dọa thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một, một trong những thành tựu quan trọng của chính quyền Trump.
Gỡ bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến người dân đặc khu ngả hơn về phía Bắc Kinh. "Mỹ càng cắt đứt quan hệ với chúng tôi sâu đến đâu, người dân sẽ ngả về Trung Quốc đại lục nhiều đến đó, không phải ư?", Regina Ip, lãnh đạo đảng Nhân dân Mới tại Hong Kong, nhận xét.
Nhưng Washington có thể tính toán rằng thiệt hại gây ra sẽ đủ "thấm" để Bắc Kinh thay đổi suy nghĩ. Các công ty Trung Quốc, bao gồm cả những tập đoàn nhà nước, sử dụng Hong Kong như kênh huy động vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán ở đặc khu.
Đây là nơi có hệ thống tài chính phức tạp nhưng thiết yếu đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc đại lục, vốn bị hạn chế lượng tiền chuyển đến và đi khỏi đất nước do chính sách của Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào ra biên giới. Chấm dứt trạng thái đặc biệt của Hong Kong sẽ làm suy yếu đáng kể những lợi ích này, bình luận viên David J. Lynch từ Washington Post đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, BBC, NPR, NYTimes)