Sau vài tháng lắng xuống vì Covid-19, hàng nghìn người biểu tình Hong Kong hôm 24/5 trở lại khu trung tâm để phản đối dự luật an ninh với đặc khu do Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc, đề xuất. Ngoài việc hình sự hóa hành vi "làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ" nhắm vào chính quyền trung ương, luật này còn cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lập văn phòng tại Hong Kong.
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, chính quyền Hong Kong dường như ngay từ đầu không có ý khoan nhượng với cuộc biểu tình vốn không được cảnh sát cấp phép này. Đám đông tập trung tại khu mua sắm Causeway Bay đối mặt với lực lượng cảnh sát đông bất thường, cùng cảnh báo rằng mọi cuộc biểu tình đều vi phạm luật trật tự công cộng của thành phố, cũng như quy tắc phòng chống nCoV.
Năm ngoái, lực lượng an ninh Hong Kong hứng chỉ trích nặng nề vì những biện pháp kiểm soát đám đông cứng rắn. Trong cuộc biểu tình cuối tuần trước, họ đã nhanh chóng sử dụng hơi cay, dùi cui và vòi rồng. Hơi cay được bắn ra 25 phút sau khi đám đông bắt đầu tuần hành, dấu hiệu cho thấy chính quyền dường như quyết tâm gạt bỏ mọi bất đồng trước khi chúng phát triển.
Bình luận viên Griffiths đánh giá hiện nay không có chiến thuật nào giúp người biểu tình Hong Kong ngăn chặn luật an ninh. Dự luật dự kiến được NPC phê chuẩn cuối tháng này, thay vì thông qua tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong, và được cho là sẽ có hiệu lực bất kể chuyện gì xảy ra tại đặc khu trong những tuần tới.
Những nghị sĩ và cơ quan ủng hộ Bắc Kinh tại Hong Kong đã sẵn sàng hỗ trợ dự luật. Ủy viên cảnh sát Hong Kong hôm 25/5 cho biết luật an ninh mới sẽ "giúp chống lại lực lượng đòi Hong Kong độc lập, đồng thời khôi phục trật tự xã hội".
Với những lựa chọn hạn chế, phe đối lập trong thành phố đang trông cậy vào sức ép của cộng đồng quốc tế lên Bắc Kinh, cố nuôi hy vọng về một cú đảo ngược. Tuần trước, hơn 200 nghị sĩ và nhà hoạch định chính sách từ hơn 20 quốc gia ký một thư ngỏ, chỉ trích luật an ninh Hong Kong là "cuộc tấn công toàn diện vào trạng thái tự trị, thượng tôn pháp luật và các quyền tự do cơ bản của thành phố".
Một số nghị sĩ Mỹ hôm 21/5 cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật lưỡng đảng, nhằm trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh ở Hong Kong, bởi hành vi này bị coi là "vi phạm trắng trợn" Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 về phương án quản lý đặc khu. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cũng cảnh báo Nhà Trắng có thể trừng phạt Trung Quốc vì dự luật an ninh.
Tuy nhiên, Trung Quốc thường không lay chuyển trước áp lực quốc tế. Thậm chí dự luật an ninh Hong Kong được thúc đẩy một phần bởi Bắc Kinh coi đặc khu là bàn đạp để các thế lực nước ngoài chống lại họ, Griffiths nhận định. Với quan điểm đó, việc các quốc gia lên án dự luật an ninh có lẽ chỉ củng cố thêm quyết tâm của Trung Quốc, đồng thời càng có căn cứ cho lập luận thế lực nước ngoài đứng sau tình trạng bất ổn ở Hong Kong.
Griffiths còn chỉ ra rằng những lời đe dọa trừng phạt và làn sóng phản đối của dư luận quốc tế gần đây thường không tác động được đến mục tiêu. Bất chấp nền kinh tế tê liệt vì bị cấm vận, Triều Tiên vẫn không từ bỏ chương trình hạt nhân. Những biện pháp trừng phạt cũng không ngăn được Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Trung Quốc không những an toàn về mặt kinh tế và quân sự hơn hai nước trên, mà còn có thể thu hút đồng minh trên thế giới để đối trọng với Mỹ.
"Mỹ sở hữu những công cụ rõ ràng để gây áp lực lên Trung Quốc. Nhưng sau hai năm chiến tranh thương mại, Bắc Kinh đã chống lại tất cả chúng và củng cố khả năng phục hồi. Động thái mới nhất cho thấy Trung Quốc không bận tâm đến chiến thuật gây áp lực của Mỹ. Chừng nào Mỹ còn dám tung ra các quân bài, Trung Quốc sẽ không ngần ngại đối phó", tờ Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong bài xã luận hôm 22/5.
Các cuộc biểu tình chống dự luật an ninh sẽ tiếp diễn tại Hong Kong, với hàng loạt kế hoạch và lời kêu gọi đã được đưa ra. Tuy nhiên, chúng có thể dẫn tới hệ quả nghiêm trọng một khi luật có hiệu lực, bởi bất cứ động thái chỉ trích chính quyền nào cũng có nguy cơ bị cáo buộc là "hành vi lật đổ".
Những người biểu tình vốn đã sẵn sàng dùng bạo lực, đặc biệt là người có tư tưởng ly khai, có thể trở nên cực đoan hơn. Thương tích, các vụ bắt và bỏ tù trong làn sóng biểu tình năm ngoái khiến một số người từ bỏ, nhưng không chấm dứt được tình trạng bất ổn, nên không có lý do gì để nghĩ rằng luật an ninh mới sẽ đạt mục tiêu này ngay lập tức, Griffiths nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo dự luật mới, các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc sẽ lần đầu tiên được phép lập văn phòng tại Hong Kong "khi cần thiết", nhằm thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Do đó, nhiều người biểu tình đối mặt nguy cơ bị giải tán trước khi có cơ hội xuống đường.
Lối thoát cho những người phản đối Bắc Kinh tại Hong Kong trở nên hẹp hơn do Covid-19, nhưng không phải bất khả thi. Năm ngoái, hai người biểu tình bị buộc tội nổi loạn đã được cấp quyền tị nạn tại Đức. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 24/5 cũng cam kết "hỗ trợ dân Hong Kong", dù hòn đảo chưa có luật có thể áp dụng với người biểu tình Hong Kong xin tị nạn.
Ánh Ngọc (Theo CNN)