Hiện nay, tại một số phường ở Hà Nội đang bắt đầu áp dụng phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn lẻ. Đây là giải pháp hữu ích, tuy nhiên lại chưa thể áp dụng thống nhất, đồng loạt trên toàn địa bàn thủ đô, cộng thêm việc quản lý cũng không hề đơn giản nếu không muốn nói là khá phức tạp. Đặc thù của chợ truyền thống là không gian chật hẹp, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Vì lẽ đó, tôi mạnh dạn có ý kiến góp ý về giải pháp trưng dụng vỉa hè để mở các kios bán hàng cho tiểu thương. Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đều đã đóng cửa theo Chỉ thị 16, đường phố cũng ít phương tiện qua lại hơn, nên việc tạm thời trưng dụng các tuyến phố có vỉa hè rộng để làm chợ tạm là hoàn toàn khả thi.
Các kios có thể dựng cách nhau ít nhất 10 mét, giống như những kios bán bánh trung thu mọi năm, điều này sẽ giúp đảm bảo khoảng cách an toàn theo khuyến cáo. Vì là ngoài phố nên không gian cũng thoáng, rộng hơn trong chợ truyền thống, giảm khả năng lây nhiễm Covid-19. Lương thực, thực phẩm bán tại đây bắt buộc phải đóng gói sẵn thành từng túi, ví dụ: rau bán theo từng kg, thịt đóng túi 1/2 hoặc một kg. Người mua đến chỉ cần chọn số lượng theo túi đóng sẵn rồi tính tiền theo giá niêm yết là xong, vừa nhanh, vừa an toàn.
Mỗi chợ tạm này sẽ có một bộ phận gồm công an khu vực và dân phòng quản lý trật tự. Ưu điểm dễ thấy của giải pháp này là vỉa hè có không gian và tầm nhìn thoáng hơn trong chợ rất nhiều, nên lượng người quản lý sẽ ít hơn, dễ bao quát và đảm bảo hiệu quả hơn trong chợ. Vì bán ngoài vỉa hè nên người mua cũng thuận tiện và dễ dàng hơn. Nên có quy định chợ chỉ được phép đi theo một chiều (một đầu vào và một đầu ra), đầu chợ đặt camera để giám sát và kịp thời xử lý khi có vi phạm.
Khi làm phiếu phát cho các hộ dân trong khu vực, tổ dân phố sẽ gắn cho mỗi hộ một mã số, in to trên phiếu. Người dân khi đến chợ chỉ cần đưa mã số phiếu trước camera rồi bỏ vào thùng. Làm như vậy, chỉ cần một người ngồi xa giám sát là đủ, không cần phải tiếp xúc gần giữa người với người. Sau này, khi có ca nhiễm mới, cần truy vết, chúng ta chỉ cần mở camera, tra mã số là biết ngay hộ nào?
Riêng khoản "đi chợ hộ", trên mỗi phường sẽ có một đội shipper chỉ được phép hoạt động trong địa bàn. Ai muốn tham gia đều phải đăng ký với chính quyền địa phương để tiện quản lý, họ sẽ được cấp phù hiệu, có ảnh đính kèm. Đội ngũ này thường xuyên được giám sát y tế, phải tuân thủ 5K khi giao hàng, ai vi phạm sẽ bị xử lý. Do những shipper này đã qua xét duyệt nên họ sẽ dễ tuân thủ, hiếm khi dám vi phạm. Vì hoạt động trong phạm vi hẹp, cung đường ngắn nên phí vận chuyển cho người đặt hàng cũng sẽ giảm ở mức tối thiểu, vừa tiết kiệm cho người dân mà lại đảm bảo thu nhập cho shipper.
Với những ưu điểm nói trên, tôi tin chắc biện pháp này sẽ giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, thuận tiện cho việc quản lý, truy vết, mà vẫn đảm bảo cho người dân mua bán lương thực, thực phẩm thiết yếu một cách thuận lợi. Điều đó sẽ giúp khắc phục những nhược điểm tồn tại của chợ truyền thống, cũng như giảm bớt chi phí giao hàng đắt đỏ khi người dân đặt hàng online như hiện nay.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả về giải pháp này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.