"Đã qua bao đợt dịch rồi nhưng mà tình trạng gom hàng tích trữ vẫn cứ tiếp diễn. Chính vì mọi người ai cũng đổ xô đi gom hàng nên mới khiến cho giá của thực phẩm tăng cao. Như tôi sống ở Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), đang là khu dịch, bây giờ có muốn ra chợ mua đồ cũng chẳng còn mấy thứ để mua: cà chua 50 nghìn một kg; ba quả cau 45 nghìn; bí xanh hơn 70 nghìn một kg; giá thịt, tôm, cá cũng lên chóng mặt. Trong khi đó, đây đang là vùng dịch, nhìn mọi người chen chúc mua hàng mà tôi thấy lo ngại. Cứ thế này thì chưa kịp ăn hết đồ có khi đã bị đưa đi cách ly rồi".
Đó là chia sẻ của độc giả Thảo Trần trước hình ảnh người dân Hà Nội đổ xô đi mua gom đồ trong siêu thị trước ngày thành phố nâng cao mức độ phòng chống dịch. Từ chiều tối 18/7, một số siêu thị ở Hà Nội ghi nhận tình trạng chen chúc mua sắm. Quầy thịt heo, gà tươi và rau xanh hết sạch hàng. Tình trạng trống kệ cục bộ xuất hiện tại một số điểm bán.
Trong khi đó, với kinh nghiệm sau nhiều lần giãn cách xã hội, bạn đọc Gà con tỏ ra bình tĩnh sau khi Hà Nội phát đi thông báo cấm tụ tập quá 5 người: "Là một người sống tại Hà Nội, khi nghe tin thành phố siết chặt kiểm soát dịch, tôi không hề hoang mang gì, vì thành phố đã trải qua nhiều đợt dịch với các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc (đợt 1), Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (đợt 2), Bắc Giang (đợt 4)... nên đã quen với nhịp sống này rồi. Tôi không hề tích trữ nhu yếu phẩm vì vùng trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi xung quanh Hà Nội và ngoại thành rất nhiều. Chỉ duy nhất đợt dịch Covid-19 đầu tiên là hoang mang thái quá do phần lớn người dân còn thiếu kinh nghiệm ứng phó với dịch".
Đồng quan điểm, độc giả Toan91676 nói về phản ứng của bản thân và gia đình trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Hà Nội: "Lần đầu Hà Nội giãn cách, bố mẹ vợ và các chị em vợ tôi đổ xô đi gom hàng tích trữ. Vợ tôi cũng sốt ruột, nhưng tôi bảo 'không, vì gia đình mình chỉ cần mua đủ cho hai ngày để hạn chế việc đi chợ, còn chỉ sợ thiếu tiền chứ không bao giờ lo thiếu hàng, chính quyền thành phố sẽ không bao giờ để dân phải đói do thiếu lương thực, thực phẩm'. Quả không sai, chỉ sau hai ngày vợ tôi đi chợ về đã nói hàng hóa tràn ngập như chưa hề có việc 'bão' hàng".
>> 'Nhiều siêu thị không còn gì để mua'
Lấy dẫn chứng từ chính bài học nhớ đời mà bản thân gặp phải khi gom hàng tích trữ, bạn đọc Ánh Dương chia sẻ: "Hồi dịch đợt đầu, ai cũng hoang mang, hoảng hốt đi tích trữ đồ ăn. Tôi thậm chí còn đi khuân hẳn ba thùng mỳ tôm về tích trữ, nhưng sau đó ăn mãi không hết, lại phải đem cho bớt. Ngày hôm qua, có thông tin từ thành phố siết chặt quy định phòng chống dịch nhưng tôi cũng vẫn không đổ xô đi mua đồ, vì tủ cũng đã nhiều đồ ăn từ trước. Sáng nay, tôi chỉ ra chợ gần nhà mua ít rau và chục trứng, giá không thay đổi nhiều. Mọi người xung quanh cũng vậy. Trải qua ba đợt dịch rồi nên tôi cũng quen, tốt nhất là ai ở đâu yên đấy, hạn chế tụ tập đông người dễ lây nhiễm".
Nói về giải pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm cũng như giữ ổn định tâm lý người dân, độc giả Mohaohaomo9 nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, Hà Nội nên sắp xếp bố trí chợ dân sinh ở những địa điểm ngoài trời, đảm bảo cách nhau trên hai mét, vạch sẵn ô cho người mua để phòng dịch, ai vi phạm phạt hai triệu đồng. Người mua, người bán phải đeo khẩu trang và kính chắn, vào một lối, ra một lối để tránh tiếp xúc. Tất cả người bán hàng đều phải đóng phí để chi cho việc kiểm soát trật tự, vệ sinh, tuyệt đối không cho bán hàng chui lủi xó xỉnh để lây bệnh vì không ai kiểm soát.
Nếu cứ dồn hết vào siêu thị thì thứ nhất, không gian kín, điều hòa trung tâm là tối kỵ mùa dịch; thứ hai, giá cả đắt đỏ và không đủ hàng truyền thống. Nếu phải giãn cách thành phố, cần tập kết hàng ở khu vực ven đô, lập ra đội vận chuyển đưa vào thành phố và bán theo kiểm soát nghiêm ngặt, chi phí sẽ do người bán và người mua tính toán theo tỷ lệ thích hợp. Đặc điểm kinh điển của Covid-19 là lây nhiễm trong không gian kín, lạnh, sao cứ chen chúc vào siêu thị làm gì?".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.