Cô nhân viên văn phòng 27 tuổi ở quận Tân Bình, TP HCM lên kế hoạch cho chuyến đi này từ tháng 11/2021, sau lần gặp bác sĩ tâm lý và được chẩn đoán "căng thẳng quá độ".
"Sáu tháng làm việc tại nhà khiến tôi thường xuyên đau đầu, mất ngủ, cáu gắt, không tập trung, thi thoảng bật khóc giữa đêm", Trân cho biết. Khi tình hình có vẻ trầm trọng, cô đã phải tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ và thuốc.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E (Hà Nội), trường hợp như Trâm không hiếm. Trong khoảng nửa cuối năm ngoái, số người đến khám do stress, rối loạn lo âu, căng thẳng tăng hơn so với trước đại dịch. "Khó có thể khẳng định bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần hoàn toàn do Covid-19. Nhưng trong thời gian này, dịch bệnh là một trong những yếu tố tác động chính", bác sĩ Chung nói.
Nhóm người dễ bị tác động nhất là người làm việc ở nhà hoặc bị cách ly dài ngày, không được gặp gỡ bạn bè, đi du lịch hoặc công việc, thu nhập bị ảnh hưởng dẫn đến stress, lo lắng, rối loạn cảm xúc.
Trâm thú nhận lý do khác khiến cô quyết định trốn Tết năm nay là do sự không nhất quán trong quy định cách ly người về từ vùng dịch và liên tục đối diện với những câu hỏi: Bao giờ lấy chồng; Lương cao không; Tết này mang bao tiền về cho bố mẹ... khiến người trẻ như Trân sợ về nhà.
"Tôi sẽ dành trọn kỳ nghỉ lễ ở Đà Lạt", cô khẳng định.
Biết Trân đi chơi trong Tết, một số người họ hàng nói cô ích kỷ, không biết nghĩ cho gia đình. Nhưng ông Hoàng Anh, 65 tuổi, bố Trân, lại ủng hộ. "Giờ về cũng phải cách ly, tôi muốn con được tự do, giải tỏa căng thẳng trong những ngày Tết", ông nói.
"Chuyện người trẻ đi du lịch trong Tết là bình thường", TS Nguyễn Ánh Hồng, nhà nghiên cứu văn hoá nhận định. Theo bà, nếp nghĩ "Tết là dịp người đi xa được đoàn tụ, ăn ngon và vui chơi lễ hội" đang dần thay đổi. Khi đời sống vật chất cao hơn, nhu cầu hưởng thụ về tinh thần cũng cần cải thiện.
Du lịch Tết là xu hướng được nhiều người Việt lựa chọn và trở nên phổ biến vài năm trở lại đây. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, Tết Nguyên đán 2016 Việt Nam có hơn 9 triệu lượt khách du lịch. Đến Tết năm 2020, thời điểm ngay trước khi đại dịch bùng nổ, con số này là khoảng 12 triệu.
Trốn Tết theo cách của Trâm được nhiều người gọi là "sang chảnh". Sau làn sóng Covid thứ tư, nhiều người buộc phải trốn Tết vì không có tiền.
Nguyễn Xuân Hưng, 25 tuổi, quê Nghệ An, sống tại quận Phú Nhuận, TP HCM, là nhân viên một công ty truyền thông. Ngày mới bước chân vào thành phố, mỗi tháng Hưng kiếm được 10 triệu đồng. Trừ chi phí ăn uống, tiền trọ... anh gửi về nhà ba triệu.
Dịch Covid-19 tràn tới Sài Gòn, từ tháng 5/2021 lương của Hưng giảm liên tục, xuống bảy rồi hai triệu. Tháng 10, Hưng nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự. Để sống, anh bán quần áo online, tháng nhiều nhất chỉ đủ ăn, không gửi nổi về quê dù chỉ một đồng.
Mất hỗ trợ từ con trai, mẹ Hưng lo mất ăn mất ngủ, tưởng tượng cảnh thằng con duy nhất thiếu tiền nên đói kém, gầy rộc. Bà liên tục gọi điện hỏi thăm, giục về nhà. "Việc làm ngày càng khó, Tết kiếm đâu ra tiền mà về. Nếu biết tôi thất nghiệp, bố mẹ chỉ lo thêm", Hưng trăn trở.
Hưng chỉ là một trong hàng triệu người Việt đang trải qua năm khó khăn nhất do Covid-19 gây ra. Gần 13 triệu lao động mất việc, giãn việc, giảm thu nhập hoặc giảm giờ làm vì làn sóng dịch thứ tư, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tháng 7/2021.
"Nguyên nhân của nhiều người không dám về quê đón Tết là do đang trải qua cú sốc thu nhập", tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế TP HCM nhận xét. Trong khảo sát về việc làm và thu nhập người lao động do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Báo điện tử VnExpress thực hiện tháng 8/2021 trên gần 70.000 người, trong đại dịch chỉ có hơn 45% giữ nguyên thu nhập, gần 19% giảm nửa thu nhập và 4,5% mất 80% lương.
Khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế YouGov cũng cho thấy đại dịch đã làm thay đổi bức tranh tài chính cá nhân tại Việt Nam. Hơn 53% người tiêu dùng Việt cắt giảm các khoản không thiết yếu trong 6 tháng qua. Trong khi đó, 80% dự định tiếp tục cắt giảm trong tương lai.
"Giảm chi tiêu trong đợt Tết có thể là kế hoạch của nhiều người", tiến sĩ Nam nhận định.
Sự phức tạp của dịch Covid-19 và các chính sách đối xử với người từ tỉnh khác về quê ăn Tết cũng khiến nhiều người quyết định ở lại. Gia đình Hồng Minh, 34 tuổi, ở Đồng Nai là một ví dụ. Kế hoạch Tết năm nay của vợ chồng cô là thuê một villa biệt lập ở ngoại thành để nghỉ dưỡng, cùng các con gói bánh chưng, bó giò gửi tặng bạn bè, nhằm tăng không khí Tết.
"Xa quê, vợ chồng tôi chỉ trông Tết để về, mong thấy cha mẹ khỏe mạnh, anh em tề tựu đông đủ sau một năm nhiều biến cố. Nhưng năm nay cả gia đình sẽ ở lại vì sự an toàn của mọi người", Minh bày tỏ.
Công Tuấn, 27 tuổi, chọn ở lại TP HCM ăn Tết bởi gia đình ở Đắk Lắk có trẻ nhỏ, ông bà nhiều tuổi, sức khỏe yếu và độ phủ vaccine ở địa phương chưa cao. Kế hoạch của anh là tận hưởng trọn vẹn 9 ngày nghỉ sau khoảng thời gian dài làm việc đến kiệt sức. "Không về, không có nghĩa là chối bỏ quê hương. Bởi điều tôi mong mỏi là sự bình an cho cả gia đình", anh cười.
Với một số người, Tết là dịp tranh thủ kiếm tiền, bù vào khoảng thời gian thu nhập sụt giảm trong dịch. Trường hợp này đúng với Minh Trang, 22 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Trang là nhân viên phục vụ quán ăn với mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng, nhưng bốn tháng qua chỉ nhận 2 triệu đồng tiền trợ cấp do nơi làm đóng cửa vì dịch.
Là chị cả, dưới còn ba em, Trang nói về Tết ít nhất phải "giắt túi" 10 triệu đồng. Cô định đăng ký làm năm ngày xuyên tết, từ 29 âm lịch đến hết mùng 4 Tết, lương tăng gấp ba.
"Ai cũng nhớ nhà, nhưng làm năm ngày gần bằng tháng lương, tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội, khi nhiều tháng sống trong túng thiếu", Trang kể và hy vọng số tiền kiếm được những ngày đầu năm sẽ đủ để gửi biếu bố mẹ và sắm thêm quần áo, dụng cụ học tập cho các em.
Quỳnh Nguyễn - Hải Hiền