Hai hôm trước, khi còn gần 20 ngày nữa mới đến Tết, anh Hà Văn Thắng, công nhân Công ty cổ phần Sài Gòn Food ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã gói ghém đồ đạc chuẩn bị về quê ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa). So với lịch của nhà máy phải làm việc hết ngày 21/2 (23 tháng Chạp), anh nghỉ sớm hơn 11 ngày.
"Trừ hai ngày đi đường, 7 ngày cách ly, tôi vẫn còn ít thời gian đưa con sắm vài bộ đồ mới", anh Thắng giải thích lý do về Tết sớm của mình. Cách đây một tháng, bố mẹ anh gọi điện thông báo xã yêu cầu người ngoại tỉnh về quê phải cách ly đủ 14 ngày. Vợ anh làm công nhân nhà máy dệt, đứng ngồi không yên vì hai con nhỏ đang gửi ông bà nội. Lo địa phương đổi kế hoạch gia đình sẽ mất Tết đoàn viên, chị tạm nghỉ việc không lương, khăn gói về quê từ nửa tháng trước.
"Chúng tôi sợ chẳng may xã phát hiện vài ca nhiễm rồi cấm cửa luôn người từ nơi khác đến thì hết đường về", anh Thắng nói. Để quãng đường về nhà được nhanh nhất, vợ anh quyết định đi máy bay dù tốn kém. Phần anh, khi nhận được tin quê nhà giảm thời gian cách ly còn 7 ngày, liền chọn đi theo xe đưa rước của công ty để tiết kiệm chi phí.
Anh Thắng là một trong hơn 900 lao động của Sài Gòn Food nghỉ Tết từ 14/1 (12 tháng Chạp), cách Tết 18 ngày. Bà Phạm Thị Hồng Hà, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay phần đông công nhân của nhà máy quê Thanh Hóa. Từ hôm một số địa phương của tỉnh này vận động người dân hạn chế về Tết, tâm lý lao động tại doanh nghiệp khá nôn nao. Chưa kể một số nơi yêu cầu phải cách ly đến 14 ngày làm nhiều người lo lắng, mong được nghỉ Tết sớm.
Theo kế hoạch trước đó, ngày 26/1 (24 tháng Chạp) công ty sẽ tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa người lao động về quê. Tuy nhiên nếu tính cả 2 ngày đi đường, 7 ngày cách ly, công nhân sẽ hết Tết.
"Những ngày đầu năm mới rất quan trọng với người xa quê nên chúng tôi phải thay đổi phương án sản xuất", bà Hà nói. Từ đầu tháng, doanh nghiệp vận động công nhân nỗ lực làm việc tăng sản lượng, hoàn thành các đơn hàng Tết. Cùng lúc đó bộ phận nhân sự lên danh sách người muốn về quê sớm để sắp xếp. Kết quả hơn một nửa nhà máy mong được nghỉ Tết trước 10 ngày so với lịch. Nhiều người quá nôn nóng về gặp con đã bỏ vé xe, chuyển sang máy bay.
Bà Hà cho hay với số công nhân còn lại nhà máy vẫn tổ chức sản xuất dù năng suất sẽ giảm. Sau Tết, doanh nghiệp bố trí xe ra tận nơi đón người lao động.
Cũng để đảm bảo hoàn thành cách ly trước Tết, vợ chồng chị Trần Thị Thùy, công nhân Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh) xin nghỉ trước 7 ngày so với lịch nhà máy.
Vợ chồng Thùy có một con trai 3 tuổi. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, người mẹ trẻ phải gửi con về ông bà ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) để ở lại thực hiện "3 tại chỗ". Nửa năm xa con, nữ công nhân đếm từng ngày được về quê. Theo kế hoạch trước đó, vợ chồng Thùy sẽ nghỉ Tết từ 29/1 (27 tháng Chạp). Tuy nhiên, khi nghe cán bộ xã thông báo người đi làm ăn xa về địa phương cách ly 7 ngày, cả hai đã tính toán lại.
"Nếu cộng cả thời gian đi xe và cách ly, 10 ngày nghỉ Tết của công ty không đủ", Thùy nói. Để có thêm thời gian cho con, vợ chồng chị quyết định bỏ ra gần 8 triệu đồng để mua cặp vé máy bay khứ hồi và xin nghỉ phép một tuần.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty, cho hay khoảng 10%, tức hơn 120 công nhân của Đại Dũng xin nghỉ Tết sớm hơn so với lịch của nhà máy. Lý do chính mà lao động đưa ra để hoàn thành thời gian cách ly khi về quê. Tùy vào yêu cầu của địa phương mà người lao động xin nghỉ 7-14 ngày. Một số chọn nghỉ không lương, số khác đề nghị trừ vào phép năm.
Sau thời gian dài dịch bùng phát, nhiều công nhân không có điều kiện về quê, ban giám đốc Công ty Đại Dũng tạo điều kiện để người lao động được về sớm. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ một phần chi phí đi lại. Những bộ phận có công nhân nghỉ phải sắp xếp lại để đảm bảo hoàn thành tiến độ công việc.
Tương tự, ông Trần Như Cẩn, Phó chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú (TP Thủ Đức), cho biết đã có gần 100 công nhân có quê ở các tỉnh phía Bắc xin được nghỉ Tết sớm khoảng 10 ngày so với lịch nhà máy. Đây hầu hết trường hợp nhiều năm không về quê, có con nhỏ, cha mẹ già yếu...
"Để giúp người lao động chấp hành quy định cách ly của địa phương, công ty phải bố trí để họ được về sớm", ông Cẩn nói.
Gần tháng qua, một số tỉnh ban hành quy định phòng dịch "mỗi nơi một kiểu". Hầu hết địa phương yêu cầu người từ nơi cấp độ dịch mức 3, 4 cách ly tại nhà 7 ngày, các vùng còn lại tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, khai báo y tế. Cấp tỉnh là vậy, song nhiều nơi, chính quyền xã vẫn yêu cầu cách ly 7 ngày với người về quê không phân biệt vùng xanh hay đỏ.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng chủ trương chống dịch hiện nay là kiểm soát rủi ro chứ không "ngăn sông cấm chợ". Các tỉnh cần thực hiện đúng, tránh mỗi nơi một kiểu làm khó người dân.
Lê Tuyết