Tôi chuẩn bị có em gái lên đại học. Tương tự, em họ tôi (con cô ruột) cũng vừa đậu một trường đại học ở Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi tham khảo các phòng trọ, liệt kê chi phí và điều kiện gia đình, chúng tôi dự định để tạm thời ở cùng với nhau cho tiện.
Qua những kinh nghiệm của bản thân cộng thêm với quãng thời gian ở trọ tương đối dài thời sinh viên, tôi đề xuất như sau:
Ở Cầu Giấy, giá phòng trọ trung bình tầm 2,5 triệu đồng, cả điện nước (tủ lạnh, điều hòa, quạt) ít nhất sẽ thêm vào 500 nghìn đồng mỗi tháng. Nếu ở hai người thì trung bình sẽ mất 1,5 triệu đồng.
>> Sinh viên Việt khó sống nếu không có tiền cha mẹ
Tiền ăn sẽ tùy, nếu như hàng tháng được bố mẹ gửi đồ ở quê lên (thịt, rau củ quả) nhưng đợt này giá cả vẫn hơi cao, nên chắc chắn tiền ăn sẽ tối thiểu một triệu đồng. Nếu tự nấu ăn, chi phí sẽ chia đôi, thì cũng tương đương 1,5 triệu đồng cho một người (hai người sẽ tốn ba triệu đồng).
Còn nếu ai "ăn ngoài" thì tính trung bình 30 nghìn đồng cho một bữa trưa và tối (chưa kể thỉnh thoảng ăn sáng). Trung bình sẽ mất hơn hai triệu đồng tiền ăn cho những bạn ăn ngoài.
Rồi tiền trà sữa, trà chanh, liên hoan, tham gia sinh hoạt đội nhóm... cũng sẽ chiếm một khoản chi phí tương đối. Ít thì 500 - 700 nghìn đồng, nhiều thì cả triệu đồng.
Tổng hợp tất tần tật chi phí ở trên, hiện, một sinh viên sống tối thiểu ở Hà Nội cần có khoảng 3 triệu đồng, một con số tương đối nếu xét trên tiêu chí lương vùng tối thiểu ở khu vực nông thôn, vùng 3, vùng 4.
Với nhiều gia đình khá giả, có điều kiện, thì 3 triệu đồng hay 4,5 triệu đồng không phải là một con số lớn. Tuy nhiên, với gia đình cô tôi (chỉ làm viên chức cấp xã) với mức lương 3,8 triệu đồng sau hơn 10 năm làm việc, thì việc trợ cấp hơn 3 triệu quả là một vấn đề đau đầu.
>> 'Ép giá' lương văn phòng 5-6 triệu
Vậy với sinh viên năm nhất, gia đình nên "trợ cấp" như nào cho hợp lý? Ngoài ra, tôi cũng đưa ra quan điểm, cho các em lên học một thời gian rồi sẽ hướng dẫn việc làm thêm để:
Thứ nhất vừa có tiền để trang trải sinh hoạt phí.
Thứ hai, quan trọng nhất ở đây, chính là tạo thói quen và giúp các em có những kinh nghiệm để sau này ra trường không "bị cuộc sống vỗ mặt".
Cuối cùng, các em sẽ làm quen nhiều người mới, bạn mới, biết được xã hội này có "người này, người kia", sếp này, sếp nọ, tạo cho bản thân những kinh nghiệm sống quý giá trong bốn năm đại học sắp tới.
Rất mong nhận được góp ý từ các quý độc giả.
Anh Nguyễn Đình
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.