Có một vấn đề tôi muốn đặt ra đó là "Sinh viên Việt Nam có thể sống độc lập ngay từ năm đầu khi học đại học được không?"
Chắc hẳn tỷ lệ phần trăm học sinh, sinh viên độc lập, không phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính của gia đình ở Việt Nam sẽ rất thấp so với những nước phát triền khác như Mỹ, Anh, Đức, New Zealand...
Vậy nguyên nhân do đâu mà đa số các sinh viên vẫn chưa thể tự mình độc lập? Theo góc nhìn của tôi, vì chi phí phải chi trả cho cuộc sống hằng ngày và chi phí thu nhập hằng tháng vẫn còn chênh lệch rất nhiều.
Một sinh viên muốn tự lập thì hằng tháng phải đảm bảo chi trả đủ tiền nhà, tiền ăn uống, tiền đi lại, tiền học phí và những chi phí nhỏ nhặt khác. Theo thống kê năm 2021, số tiền mà sinh viên chi trả cho một tháng chưa kể tiền học phí dao động từ 3.000.000 đến 5.500.000 đồng, đó là chưa kể tiền học phí.
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Nếu cộng thêm tiền học phí, phụ thuộc vào từng trường thì có lẽ, đối với một sinh viên nếu không nhận sự trợ giúp tài chính từ gia đình thì quá nhiều. Chưa kể nếu sinh viên học trường tư, thì chi phí ấy thậm chí lên tận con số 10.000.000 đồng một tháng cũng là chuyện dễ hiểu.
Trong khi đó, tiền lương công việc phục vụ bình thường có mức lương dao động từ 17.000 đến 30.000 đồng một giờ. Tôi lấy ví dụ mức lương trung bình là 25.000 đồng một giờ, vậy trong một tháng sinh viên kiếm được bao nhiêu, khi mỗi ngày làm bốn tiếng (bốn tiếng là số giờ phù hợp để sinh viên không bị sao nhãng bởi việc học).
Vậy 4x25.000x31=3.100.000 đồng là số tiền mà sinh viên đi làm thêm có thể kiếm được. Con số từ 2.000.000 đến tầm 3.000.000 đồng là tiền lương đa số các bạn xung quanh tôi làm được hằng tháng và thậm chí làm hơn bốn tiếng một ngày nhưng mức lương chưa bao giờ hơn bốn triệu đồng một tháng.
Từ đây thì có thể thấy rằng, việc tự lập hẳn rất khó khăn với đại đa số các sinh viên. Ở đây tôi sẽ đi sâu hơn một chút về khoản chi tiêu. Ở Đức, một phần ăn sáu miếng hotwings ở KFC giá là tầm 6 euro, nhưng một giờ làm việc cho sinh viên bình thường ở đây là 10 euro một giờ (chưa tính tiền tips). Ở New Zealand, lương mỗi giờ cho sinh viên là 16.5 đôla Newzealand (NZD) và một phần ăn cho 1 người ở KFC ở New Zealand cũng chỉ giao động từ 9 NZD. Như vậy cứ một giờ làm là có thể chi trả cho một bữa.
Nhưng ngược lại, ở Việt Nam thì chưa hẳn một giờ làm có thể chi trả phần ăn. Thậm chí bạn tôi có những người làm mức lương 18.000 một giờ, thì ăn được tô hũ tiếu gõ qua ngày, chưa đủ tiền mua một miếng gà rán...
>> Sinh viên, bạn trẻ sẽ không định hướng được tương lai nếu chạy xe ôm công nghệ
Ngoài công việc là phục vụ thì vẫn có những công việc lao động trí óc dành cho các sinh viên giỏi thì các bạn mới có thể tự mình chi trả cho cuộc sống riêng. Ví dụ như công việc trợ giảng, trợ lý...
Ngoài chi phí ăn uống, chi phí phòng thuê tôi thấy giá cả cũng hợp lý và không quá mắc (trừ những chỗ gần trung tâm thành phố) thì vấn đề nan giải tiếp theo là phí. Học phí tối thiểu rơi vào tầm 15.000.000 một năm, tức hơn 1.000.000 một tháng. Nếu học trường tư thì con số có thể lân tận 40.000.000 một năm.
Ngoài cách giành được học bổng với đa số các sinh viên thì con số này vẫn nhiều nếu các bạn muốn không phụ thuộc vào tài chính gia đình.
Qua bài tính so sánh nhỏ và theo góc độ của tôi thì rất khó để có một cuộc sống hoàn toàn độc lập và không nhấn sự trợ giúp từ gia đình, và vẫn còn sự chênh lệnh rõ ràng giữa số tiền thu nhập và số tiền hằng tháng phải chi tiêu.
Hồng Trân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.