Tôi tan ca vào một buổi tối muộn vì ở lại công ty làm thêm giờ. Khi chạy xe về, thấy quán cà phê gần nhà còn mở đèn, tôi vào mua một ly cà phê sữa để dành cho buổi sáng thì có cuộc trò chuyện ngắn với em nhân viên làm việc tại đây?
- Muộn rồi còn vẫn làm hả em?
- Dạ, vẫn còn anh.
- Em chắc còn sinh viên hả?
- Dạ em mới năm hai, đi làm thêm để kiếm chút tiền sinh hoạt.
- Em làm bao nhiêu một giờ?
- Dạ, 17 nghìn một giờ, một ca bảy tiếng.
- Vừa pha chế, vừa bưng bê, vừa lau dọn nhà luôn hả em?
>> Làm nail khi du học, tôi được mời thực tập công ty tốt
Tôi hỏi vì thấy lúc đó cậu sinh viên đang cầm cây lau sàn quán. Khi tôi gọi nước, cậu ấy nhanh nhẹn rửa tay cho sạch sẽ rồi mới vào quầy pha chế.
Tôi lại nhớ quãng đời sinh viên của mình cũng từng đi bưng bê, phục vụ bàn. Thời điểm đó, lương ít hơn, chỉ 8-10 nghìn đồng một giờ. Nhưng giá dĩa cơm bụi ở chợ sinh viên gần chỗ trọ và trường học của tôi chỉ loanh quanh 10 nghìn đồng một dĩa. Hủ tíu gõ chừng 10-12 nghìn đồng một tô. Chỉ cần làm một, hai tiếng là có thể ăn uống đầy bụng, số tiền còn lại có thể dư ra.
Nhưng ái ngại thay, lương làm thêm cho sinh viên hơn chục năm sau, đã có tăng nhưng không đuổi theo đà tăng của vật giá. Dĩa cơm bụi ít nhất cũng 30 nghìn mới đủ chất, hủ tíu gõ cũng đã tăng lên 20 nghìn đồng một tô với vài lát thịt mỏng.
Chưa kể, xăng đã hơn 30 nghìn một lít. Đừng ai hỏi tại sao sinh viên đi làm thêm bằng xe máy nhé? Bởi vì hàng quán thường 22h mới đóng cửa, trong khi xe buýt vào giờ đó đã hết chuyến rồi.
Học phí đại học đang tăng. Các em sinh viên đi làm thêm mang tiếng kiếm thêm tiền học nhưng nếu tính toán kỹ, số tiền lương làm ra chỉ đủ ăn uống, xăng xe và nhín một chút nữa là đủ tiền trọ. Còn tiền học phí, chắc phải trông chờ vào những khoản tiền của bố mẹ, học bổng mà thôi.
Công Nhật
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.