Suy thận cấp (hay tổn thương thận cấp) là tình trạng suy giảm cấp tính độ lọc cầu thận trong vài giờ đến vài ngày, khiến cho các chất điện giải, chất thải dư thừa không được đào thải ra khỏi máu. Bệnh có thể xảy ra ở người trước đó có chức năng thận bình thường hoặc người có bệnh thận mạn. Tình trạng này khiến các chất độc tích tụ trong cơ thể và gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu người bệnh có thêm một số bệnh lý kèm theo như tim mạch, phổi...
Triệu chứng suy thận cấp
Suy thận cấp tính có thể xuất hiện một cách rất đột ngột và các triệu chứng thường gặp nhất: giảm lượng nước tiểu bất thường; xuất hiện tình trạng giữ nước, gây sưng phù ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân; đau hoặc tức ngực, khó thở; mệt mỏi, yếu ớt; buồn nôn, nôn; nhịp tim không đều; co giật hoặc hôn mê trong trường hợp nghiêm trọng... Tuy nhiên, theo BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Tâm Anh, đôi khi suy thận cấp không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào và chỉ được phát hiện thông qua các xét nghiệm được thực hiện vì một lý do khác.
Một số trường hợp có khả năng mắc bệnh suy thận cấp tính cao hơn là người lớn tuổi hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe mạn tính ở bệnh thận, bệnh gan, bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi không được kiểm soát tốt..., người bệnh suy tim hoặc huyết áp cao hoặc từng phẫu thuật tim hay cấy ghép tủy xương, người thừa cân béo phì, người bị ung thư. Nếu mắc Covid-19, người bệnh cũng có thể bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có thận.
Biến chứng suy thận cấp
Theo các chuyên gia Thận học tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh suy thận cấp tính thường xuất hiện bất ngờ và ngắn hạn, nhưng nếu không được theo dõi chặt chẽ vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Khoảng 76% trường hợp người bệnh suy thận cấp diễn tiến tới mất chức năng thận và suy thận mạn.
Mất chức năng thận vĩnh viễn được gọi là bệnh thận mạn tính. Những người bị bệnh thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu (chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng) suốt đời để loại bỏ chất độc, chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Nếu thận hoạt động không tốt, tim phải bơm máu nhiều hơn, chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương. Bệnh còn khiến huyết áp của người bệnh tăng lên, nếu không được điều trị, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Suy thận cấp có thể gây rối loạn thần kinh cơ, gây co giật, hôn mê. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho hệ thần kinh bị tổn thương khó phục hồi. Khi chất lỏng và chất điện giải của cơ thể bị mất cân bằng do nguyên nhân suy thận cấp và không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng yếu cơ. Suy thận cấp tính còn dẫn đến tình trạng tích tụ chất lỏng trong phổi, khiến cho người bệnh bị khó thở. Nếu màng ngoài tim bị viêm, người bệnh còn có thể bị đau ngực.
Có nhiều phương pháp điều trị suy thận cấp tùy theo nguyên nhân gây bệnh, mục tiêu là phòng ngừa tử vong, tạo điều kiện cho thận hồi phục, giảm nguy cơ diễn tiến thành bệnh thận mạn. Chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng đều có hiệu quả như nhau trong việc điều trị suy thận cấp tính. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo sẽ được chọn lựa trong các trường hợp quá khẩn cấp như phù phổi cấp, tăng kali máu, rung thất...
Suy thận cấp tính thường khó dự đoán hoặc ngăn ngừa nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh với những lưu ý sau:
- Thận trọng trong việc dùng thuốc: chỉ dùng thuốc khi có bệnh theo toa bác sĩ. Đọc kỹ các nhãn thuốc trước khi dùng bao gồm cả thuốc giảm đau không kê đơn. Không tự ý dùng các thực phẩm chức năng rao bán trên mạng.
- Khám sức khỏe định kỳ: thường xuyên liên hệ với bác sĩ điều trị để quản lý các bệnh liên quan đến thận và các bệnh mạn tính khác. Khám sức khỏe định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Xây dựng lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng cân bằng. Tăng cường rau xanh và trái cây, tránh thực phẩm giàu đường, muối và chất béo. Hạn chế bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích. Tăng cường vận động phù hợp với thể trạng bằng các môn thể thao lành mạnh như: bơi lội, đi bộ, chạy bộ...
Suy thận cấp là một trong những bệnh lý nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh. Nếu phát hiện dấu hiệu của bệnh, nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời, tăng khả năng hồi phục và dự phòng biến chứng.
Anh Ngọc
Trung tâm Tiết niệu Thận học, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, có chuyên môn giỏi chuyên môn, tận tâm, cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực. Phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu nội trú và dịch vụ cao cấp 5 sao. Trung tâm Tiết niệu Thận học với các dịch vụ thăm khám, tầm soát và điều trị tất cả các bệnh lý đường tiết niệu Từ các bệnh thường gặp cho đến các cuộc đại phẫu thuật kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi sỏi thận, ghép thận, cắt bướu bảo tồn nhu mô thận; cắt thận tận gốc; cắt tuyến tiền liệt tận gốc; cắt toàn bộ bàng quang tạo hình bàng quang bằng ruột non; cắt tuyến thượng thận; tạo hình các dị tật đường tiết niệu. - Gọi tổng đài 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc 1800 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng. Địa chỉ Hà Nội:108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội |