"Tôi có một ký ức không hề đẹp về việc mua giày dép ngoài chợ. Năm đó, tôi mới 9 tuổi, học lớp 4, được mẹ dẫn ra chợ truyền thống để mua một đôi giày mới. Lúc mang vào thử, do không vừa chân và giày cũng không được êm nên tôi nói mẹ không mua nữa. Thấy vậy, người phụ nữ bán hàng lập tức chửi um lên, rồi còn đốt vía ngay trước mặt chúng tôi. Vậy là từ đó đến giờ, bản thân cũng hơn 30 tuổi rồi, nhưng tôi quyết không ra chợ mua gì nữa. Thay vào đó, tôi cứ vào siêu thị mua cho khỏe đầu".
Đó là chia sẻ của độc giả Họ Lê trước thực trạng ế ẩm thê thảm của tiểu thương các chợ truyền thống. Trước làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam cùng sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, mua sắn online, nhiều tiểu thương chợ truyền thống than trời vì lượng khách sụt giảm tới 90%, doanh thu teo dần. Tuy nhiên, liệu có phải sự quay lưng của người tiêu dùng với chợ truyền thống chỉ đến từ sự lên ngôi của các hình thức mua sắm áp dụng công nghệ hiện đại?
Bạn đọc Legion Sky cho rằng nguyên nhân tới từ chính phương thức bán hàng lỗi thời của các tiểu thương chợ truyền thống: "Tôi hiện rất ngại vào chợ mua quần áo vì các bà, các chị bán hàng toàn nói thách giá rất cao. Khi tôi trả giá xuống thì mặt họ hằm hằm, nói nặng nhẹ tỏ vè khó chịu. Thế nên, tôi thích mua quần áo ở các hội chợ hơn vì họ bán rất rẻ, giá cả phù hợp với chất lượng quần áo. Còn nếu muốn mua hàng chất xịn hơn thì tôi vào siêu thị niêm yết giá rõ ràng. Ngoài ra, các mặt hàng khác, đa số tôi mua trên sàn thương mại điện tử vì giá rẻ hơn nhiều so với mua trực tiếp, lại không lo bị nói thách".
>> Hộp sữa Made in Vietnam thiếu khoen - đẩy khó cho người dùng
Đồng quan điểm, độc giả Vuong.ngotran chỉ ra những điểm yếu kéo tụt lòng tin của khách hàng với chợ truyền thống: "Sao các tiểu thương không xem lại cách kinh doanh của mình, mà lại than vãn sự cạnh tranh từ các sàn thương mại điện tử?
Thứ nhất, cùng một món hàng, tôi mua ngoài chợ gần nhà, họ bán đắt gấp hai, ba lần: ống phun sương trên sàn điện tử bán giá 1.500 đồng một mét, trong khi ra chợ bị hét giá 4.000 đồng. Hay đôi dép tôi mang từ thuở còn sinh viên đến nay, kiểu dáng tương tự, chất liệu như nhau nhưng ngoài chợ hét giá 280.000 đồng, trong khi trên sàn online chỉ bán 100.000 đồng.
Thứ hai, về các mặt hàng phụ kiện thay thế: tôi mua cái máy sinh tố giá 500.000 đồng, nay bị hư cái đế lưỡi dao, thế nhưng đi khắp chợ, gần chục tiệm không có hàng thay thế, người ta toàn gạ tôi mua máy mới. Trong khi đó, lên sàn điện tử, tôi dễ dàng mua linh kiện về thay, giá chỉ 10.000 - 20.000 đồng.
Thứ ba, về việc mua lẻ: Tôi muốn mua lẻ vài m2 vải địa kỹ thuật, bạt hồ cá, bạt trồng cây nhưng ra chợ người ta lắc đầu không bán, bắt tôi phải mua nguyên cây. Trong khi đó, tôi lên sàn, muốn mua bao nhiêu cũng có, từ vài m² đến cả cây, mẫu mã đa dạng, tha hồ lựa chọn.
Thứ tư, nếu bảo sàn thương mại điện tử toàn bán đồ 'dỏm' nên giá rẻ, thì chắc gì ngoài chợ đồ mắc mà chất lượng hơn? Đồ chất lượng chỉ có ở các mặt hàng uy tín mà hầu hết nó nằm trong các shop, các cửa hàng nhượng quyền hết rồi. Các sạp ngoài chợ cũng chỉ toàn bán đồ fake, hàng tầm trung trở lại thôi, nên chẳng khác gì trên sàn.
Thứ năm, tiểu thương ngoài chợ tốn tiền thuê kho bãi nên giá thành bán ra luôn phải cao hơn, đó là điều dễ hiểu. Nhưng đắt hơn cũng chỉ 5-10% thôi còn được, đằng này họ hét giá cao gấp mấy lần, vậy ai muốn mua?
Tuyệt không nói thách, mua lẻ hay mua sỉ cũng đều hoan hỷ bán, thì khách hàng tự khắc sẽ ghé chợ khi cần. Còn không chịu thay đổi thì mất khách là đương nhiên".
Bạn đọc Huynh anh duy kết lại: "Thay vì ngồi đó than vãn thì các tiểu thương nên học cách thích nghi với những mô hình kinh doanh mới. Nếu cảm thấy mình không còn phù hợp nữa thì chuyển đổi ngành nghề khác cho phù hợp. Ai cũng cần thích nghi với sự phát triển của xã hội chứ không thể bắt xã hội dậm chân tại chỗ vì mình. Tương lai sẽ còn khốc liệt hơn nữa khi các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam với giá rẻ. Nếu chợ truyền thống không thay đổi thì sớm muộn cũng bị đào thải".
- Ổ cắm điện 'made in Vietnam' vừa dùng vừa bực bội
- Nỗi oan hộp sữa Made in Vietnam bất tiện vì thiếu khoen
- Thất vọng ổ cắm điện 'made in Vietnam' rẻ nhưng không bền
- Tôi mua bình giữ nhiệt 'made in Vietnam' thua xa hàng Trung Quốc
- Tôi cạch mặt các shop bán hàng online yêu cầu 'inbox hỏi giá'
- Thế 'cửa dưới' của người mua hàng online