"Bản thân tôi là người Việt nên rất muốn ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng thú thật là muốn cũng không được. Tôi đặt mua online một cái bình giữ nhiệt 'made in Vietnam' trên sàn thương mại điện tử với giá 85.000 đồng, cộng thêm tiền ship 45.000 đồng, dù shop đó ở cùng nội thành Hà Nội.
Theo thông tin mà shop quảng cáo trên sàn, đây là bình inox 304. Thế nhưng, khi nhận hàng xong, tôi test thử bằng cách đựng nước qua đêm, chờ sáng hôm sau xem thế nào? Kết quả là bình đã rỉ sét. Ngược lại, tôi đặt mua một cái bình giữ nhiệt tương tự, hàng Trung Quốc với giá 65.000 đồng, được miễn phí ship. Khi nhận hàng, tôi thấy chất lượng tốt hơn hẳn, xài mấy tháng trời mà không thấy rỉ một chút nào".
Đó là chia sẻ của độc giả ADA xung quanh thực trạng hàng Trung Quốc lấn át hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Hàng Trung Quốc vốn có lợi thuế về giá rẻ, mẫu mã đẹp, luôn sẵn sàng tại các tổng kho gần biên giới, lại thêm được sự "hậu thuẫn" từ các nền tảng TMĐT. Trong khi các nhà sản xuất trong nước đang gặp nhiều khó khăn: sản xuất còn phân tán, chưa có năng lực tự động hóa cao khi phải xử lý nhiều đơn hàng. Đặc biệt, chi phí logistics cao, làm cho hàng hóa sản xuất trong nước thiếu tính cạnh tranh với nước ngoài.
Nói về lý do khiến hàng Việt thất thế ngay trên sân nhà, bên cạnh vấn đề chất lượng sản phẩm, bạn đọc Btechi cho rằng: "Hàng Trung Quốc tràn ngập từ nhỏ đến lớn vì người Việt có sản xuất đâu mà bảo cạnh tranh? Nói đến những cái nhỏ nhất là cái lưới chắn rác bé xíu tôi cũng phải mua hàng của Trung Quốc. Nếu không mua trực tiếp thì phải mua qua trung gian là người Việt nhập về thôi (có thể nhập lậu, không đóng thuế) và giá thì tăng gấp đôi. Nói thật, chỉ có cách đánh thuế 7% hàng giá trị thấp như Thái Lan mới là khả thi nhất để cạnh tranh với hàng Trung Quốc, dù việc này rất khó".
>> 'Bó tay' vì không mua nổi cái remote thay thế
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, nửa đầu năm nay, mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị khoảng 50 triệu USD không phải đóng thuế. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nước đang chịu sự canh tranh bất bình đẳng khi phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nội địa, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng các ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu?
Làm gì để người Việt ủng hộ hàng Việt? Độc giả Nhật Lê nhận định: "Muốn người Việt ủng hộ mua hàng Việt trên sàn TMĐT thì các shop trong nước nên thay đổi tư duy bán hàng: không bán hàng kém chất lượng, có sẵn sản phẩm mới đăng bán, chứ không câu kéo theo khách kiểu hết hàng vẫn đăng bán rồi lèo lái khách hướng sang sản phẩm khác. Bán sản phẩm đúng như quảng cáo, được đổi trả nhanh chóng nếu hàng bị lỗi từ phía người bán... Nếu không thay đổi, e rằng nhiều người mua hàng sẽ vẫn đặt mua các sản phẩm của Trung Quốc vì sự cạnh tranh giá cả.
Bản thân tôi từng đặt mua hàng của shop Việt Nam nhưng khi không có hàng giao cho khách, người bán lại yêu cầu khách phải tự hủy đơn hoặc giao sản phẩm kém chất lượng. Tôi mua cái súng hút bụi, nó không hỏng ngay mà lại chờ dùng đến một tuần sau mới hỏng, làm tôi chủ quan không giữ lại đầy đủ hộp thiết bị và không thể trả lại hàng được nữa. Vậy thử hỏi khách còn hào hứng tiếp tục ủng hộ mua hàng của các shop trong nước nữa?".
Đứng trên góc độ quản lý, bạn đọc GreenBamboo bình luận: "Nhiều món hàng trên sàn TMĐT ở Việt Nam nhập từ Trung Quốc qua thì không bị đánh thuế, trong khi hàng các shop trong nước lại bị đánh thuế. Điều này dẫn tới hàng Trung Quốc chi phí rẻ hơn nên người bán không cần phí ship và đây là mồi câu người mua hàng.
Việc cần làm lúc này là bỏ giá trị thuế tối thiểu, đánh thuế nhập khẩu 7-10% bất kể giá trị, thì mới ngăn được sự xâm lấn ào ạt của hàng Trung Quốc. Nếu mỗi ngày, các sàn TMĐT bán lượng hàng Trung Quốc trị giá 50 triệu USD vào Việt Nam. Vậy một năm, người tiêu dùng Việt chi 18 tỷ USD để mua hàng Trung Quốc, một con số quá khổng lồ".
Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
- Lý do nhà sản xuất quạt không bán remote thay thế
- Những sản phẩm 'made in Vietnam' thách thức độ kiên nhẫn của khách hàng
- Thất vọng từ nắp chai nước mắm đến gói gia vị 'made in Vietnam'
- Nỗi bực mình vì keo dán nhãn 'made in Vietnam' rửa mãi không sạch
- Anten 'Made in Vietnam' gỉ sét sau vài trận mưa nắng
- Những nút chai bất tiện 'Made in Vietnam'