Vừa qua, tôi có đặt mua hàng online ở một trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Gần như hai lần liên tiếp, người bán cố tình giao hàng thiếu cho tôi. Nghĩa là họ đăng rất nhiều sản phẩm đẹp, hay, giá rất rẻ lên shop online của mình nhằm tăng lượng tương tác, giao dịch cho bản thân. Nhưng thực tế, họ không có những món đó, mà chỉ có vài sản phẩm cơ bản. Khi bạn chọn mua một vài món, họ sẽ chỉ có thể giao được một phần trong số đó.
Đến đây, trang thương mại điện tử sẽ cho người mua hàng hai lựa chọn để trả hàng hoặc hoàn tiền. Thứ nhất là nếu hàng bị lỗi, người mua cần phải chứng minh được hàng mình nhận bị lỗi (bằng hình ảnh hoặc video chi tiết). Thứ hai là hàng bị thiếu, người mua có thể trả hàng, nhưng trường hợp này người mua sẽ phải chịu chi phí vận chuyển của sản phẩm cần hoàn đó.
Bây giờ, giả sử bạn đặt ba món hàng nhưng chỉ nhận được hai, nếu bạn chọn trường hợp thứ nhất để yêu cầu được hoàn tiền thì sẽ không được bởi trường hợp này đòi hỏi người mua phải gửi hình ảnh sản phẩm lỗi, nhưng không có hàng thì chụp như thế nào? Còn nếu bạn chọn trường hợp hai thì có thể được hoàn lại tiền với những món bị giao thiếu, nhưng vấn đề là chi phí vận chuyển không được hoàn lại. Tức là dù lỗi này xuất phát từ phía người bán, nhưng người mua lại phải chịu toàn bộ chi phí phát sinh.
>> Thế khó của người bán hàng online nếu bị truy thu thuế
Như vậy, với chính sách này, nhiều người bán sẽ có thể lợi dụng kẽ hở để thoải mái đăng hàng không có thật để dụ người mua trả tiền, rồi không xuất đủ hàng. Khi đó, người mua vừa phải trả phí vận chuyển, vừa không có hàng, lại mất thời gian, công sức.
Tôi ngạc nhiên rằng tại sao nhiều sàn thương mại điện tự lại trao toàn bộ quyền quyết định cho người bán như vậy? Tại sao không hoàn lại phí vận chuyển cho người mua trong khi lỗi là của người bán? Lẽ ra, người bán buộc phải chịu thay phí vận chuyển này vì họ cố tình làm sai, thậm chí còn phải bồi thường cho người mua nữa kìa.
Rõ ràng, quy định như trên đang tạo điều kiện không nhỏ để nhiều người bán hàng online làm việc tùy tiện, cố tình gian lận. Rất phi lý khi họ gây tổn thất về thời gian và tiền bạc cho người mua mà vẫn không hề hấn gì. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần có chế tài quy định hoạt động bán hàng của người kinh doanh online trên các trang thương mại điện tử trong nước. Bản thân các sàn thương mại cũng cần phải tăng cường các quy định chặt chẽ, hợp lý với người bán nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.