Trong thực tế, nhu cầu uống rượu, bia của người dân là có thật. Chúng ta thường sử dụng rượu, bia trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết, hội họp, gặp mặt... hay ma chay... Trong khi đó, hầu hết người dân Việt Nam (kể cả nông thôn và thành thị) đều có thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (ôtô, xe máy, xe đạp...) để di chuyển. Điều đó khiến Nghị định 100 về nâng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khiến cuộc sống của phần đông xã hội bị ảnh hưởng, gây nên một làn sóng phản đối không nhỏ trong dư luận thời gian qua.
Thế nhưng, để đánh giá tính hợp lý của việc quy định mức nồng độ cồn cho phép với người điều khiển phương tiện là 0 mg/ lít khí thở là hợp lý hay không, chúng ta phải nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Về mặt khoa học, rượu, bia sau khi vào cơ thể sẽ qua cơ quan chuyển hoá để đi vào máu. Tùy vào tửu lượng nhưng khi cơ thể được báo nồng độ cồn trong máu là vượt ngưỡng, thì sẽ phải bài tiết cồn qua các cơ quan thận, da, hơi thở. Khi đo nồng độ cồn trong khí thở mà có rượu, dù nhiều hay ít, thì chứng tỏ trong máu đã vượt ngưỡng của bản thân người đó. Khi đó, việc tham gia giao thông sẽ không tỉnh táo như bình thường, dù bạn cố tỏ ra mình ổn. Đó là lý do khiến quy định mới đưa nồng độ cồn cho phép về mức 0.
Dạo qua một vòng những ý kiến của bộ phận phản đối Nghị định 100, tôi thấy có một vài những lập luận như: "Tối hôm trước tôi uống rượu, hôm sau vẫn còn hơi cồn trong người thì sao? Hoặc tối về nghỉ ngơi ăn cơm, uống một chén rượu trước khi đi ngủ nhưng bất chợt có việc phải ra ngoài thì sao? Những trường hợp này hoàn toàn tỉnh táo không thể ảnh hưởng đến giao thông được". Phải khẳng định lại rằng, việc bạn thấy mình tỉnh táo sau khi uống rượu hay không hoàn toàn là đánh giá cảm tính cá nhân. Hơi cồn trong người mới chính là đáp số chính xác nhất đánh giá mức độ tỉnh táo của bạn, đảm bảo cho việc lái xe an toàn.
Ngay cả các nhà khoa học cũng không thể trả lời câu hỏi: Bao nhiêu mg/ lít khí thở thì không kiểm soát được hành vi khi lái xe? Bởi mỗi người sẽ có một tửu lượng khác nhau, một giới hạn sức khỏe khác nhau, một khả năng tiếp nhận và đào thải rượu bia khác nhau. Với người uống được nhiều thì có 10 chai cũng cho rằng mình còn rất tỉnh. Ngược lại, đối với người không uống được, chỉ 1/2 ly cũng là vấn đề, cũng có thể mất kiểm soát. Có thể với người này thì 0.2 mg/ lít khí thở vẫn có thể lái xe, nhưng với người khác thì đã là mức nguy hiểm rồi, không ai có thể đảm bảo tính an toàn trong các tình huống đó. Do vậy, đã là luật cấm thì phải quy định cứng rắn, chứ không thể ra một mức giới hạn là 0.2 hay 0.4 mg/ lít khí thở được. Quy định nồng độ trong máu bằng 0 đối với người tham gia giao thông sẽ khiến tất cả người dân phải xem xét lại thói quen uống rượu của mình.
Cũng có người phản biện rằng: "Tôi uống nước hoa quả lên men hay ăn trái cây, uống thuốc ho rồi bị phạt oan thì sao?". Xin trả lời rằng không có quá nhiều người uống nước hoa quả lên men mỗi ngày. Khi bạn không uống rượu, chẳng có ai phạt được bạn hết. Bộ Y tế đã nói rất rõ, nếu nồng độ cồn do hoa quả và chất khác không phải bia rượu thì chỉ 15-20 phút là sẽ hết. Khi chẳng may bị bắt thổi, bạn cứ trình bày rõ ràng với CSGT. Nếu bạn thực sự ăn hoa quả thì chỉ cần đứng đợi thêm 15 phút, xin thổi lại, kết quả về 0 là có thể đi tiếp. Việc này tất nhiên có thể khiến bạn mất thêm thời gian chờ đợi, nhưng nó sẽ giúp mọi người ý thức hơn trong việc kiểm soát đồ uống, thức ăn có cồn (dù không phải rượu, bia) trước khi điều khiển phương tiện giao thông. Mục đích lớn nhất của luật là giảm thiểu việc lái xe khi đã uống rượu, bia và các thực phẩm có cồn. Nếu quy định trên 0% sẽ vẫn có nhiều người tìm cách để "lách luật".
Hoa quả cũng cần một thời gian rất nhiều tiếng mới có thể lên men theo cách tự nhiên (nếu không được bổ sung men rượu), chứ không phải mới ăn vài ba quả vải rồi gặp CSGT là thổi ra cồn. Đó chỉ là ngụy biện. Không chỉ vậy, không có các thiết bị đo nồng độ cồn nào đo được đến giới hạn giá trị tuyệt đối là 0. Bao giờ thiết bị đo cũng có ngưỡng, gọi là "ngưỡng phát hiện" độ cồn. Nhiều người lo ngại ăn hoa quả có thể làm cho máy đo cồn hiện số. Tuy nhiên, tôi không cho là như vậy, vì nếu có thì lượng cồn từ hoa quả là quá nhỏ, nhỏ hơn ngưỡng phát hiện của máy và không thể hiện thị kết quả. Chỉ khi nào chúng ta dùng bia, rượu hoặc các thực phẩn có độ cồn cao thì mới vượt quá ngưỡng phát hiện của máy và bị báo lỗi. Do vậy, việc quy định này hàm ý rằng: khi uống rượu, bia, cho dù một lượng nhỏ thì đều không được phép lái xe.
Một vấn đề khác cũng khiến nhiều người lo ngại là độ chính xác của các thiết bị đo độ cồn. Phải khẳng định rằng tất cả các dụng cụ đo hơi thở, như bất cứ dụng cụ, đồng hồ đo kỹ thuật nào, luôn có sai số. Vấn đề là sai số đó ít hay nhiều. Và như vậy, trong thực tế sẽ có nhiều người, trước đó hoàn toàn không uống một giọt rượu nào, nhưng máy đo vẫn cho kết quả là có cồn trong hơi thở, với kết quả đo dưới ngưỡng sai số cho phép của nhà sản xuất. Khi rơi vào tình huống đó, các giải quyết đơn giản là bạn có thể yêu cầu được đo lại nhiều lần hoặc đề nghị chính CSGT đo thử để đối chiếu kết quả của máy. Khi ấy, sai số sẽ giảm và khả năng bạn bị phạt oan cũng là không thể.
Nói tóm lại, Nghị định 100 được ban hành, ngoài giảm thiểu tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu, còn nhằm nâng cao ý thức về việc sử dụng đồ uống có cồn, vốn đã ăn quá sâu vào thói quen sống của người dân nước ta. Việc giữ cho nồng độ cồn trong máu ở mức 0 thực ra cũng không hề khó khăn, bất tiện gì. Pháp luật không cấm chuyện uống bia, rượu, nhưng nếu bạn muốn được thỏa mãn thói quen này của mình thì đừng lái xe. Còn nếu phải lái xe thì dù là một bát rượu nếp cũng đừng ăn. Tham gia giao thông không chỉ là phục vụ nhu cầu của bản thân mà còn phải nghĩ đến người khác, đến cộng đồng. Chúng ta đâu thể mặc cả với luật pháp rằng "tôi đi xe máy vài trăm mét ra chợ mua mớ rau thì cần gì đội mũ bảo hiểm" nên cũng đừng tranh cãi chuyện nồng độ cồn phải ở mức 0.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.