Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 của UBND TP Hà Nội, năm nay học sinh sẽ được đăng ký 3 nguyện vọng, nhiều hơn năm ngoái một. Tuy nhiên, học sinh phải đặt nguyện vọng 1 và 2 vào trường thuộc khu vực tuyển sinh mà các em có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Đồng tình vơi quy định mới này, độc giả Hungtran nêu quan điểm:
"Với khu vực Hà Nội, tôi nghĩ ở đâu đã có tên gọi là Quận thì học đâu cũng thế. Thậm chí, các Huyện giáp ranh, chất lượng giáo dục phổ thông cũng không mấy chênh lệch vì đây cũng mới chỉ là giáo dục ở cấp phổ thông. Các trường top hiện nay thường nằm ở các quận trung tâm, với vị trí khu đất vàng, quang cảnh phố xá văn minh và có cái danh tiếng nên ai cũng thích cho con vào học.
Chính những điều đó đã tạo ra sự cạnh tranh đầu vào, các trường top quy tụ được nhiều học sinh giỏi, chăm học nên tỷ lệ đỗ đạt cao, từ đó tạo được danh tiếng cho nhà trường. Thành công đó, tôi nghĩ chỉ đến từ tỷ lệ nhỏ là do trình độ chênh lệch của giáo viên. Thực tế, các bạn đó đã giỏi sẵn rồi thì học ở đâu cũng giỏi cả thôi.
Tôi cho rằng những nhà hoạch định giáo dục năm nay đã đi đúng hướng khi phân tuyến như vậy. Điều đó giúp cân bằng được các chỉ tiêu tuyển sinh, giúp cho các học sinh đỡ phải đi học xa, mặc dù nghe điều này hơi khó chịu với một số gia đình.
Tất nhiên, mặt trái của nó là việc một số học sinh học trái tuyến ở khu vực muốn thi sẽ không có cơ hội vào trường công ở khu vực này. Tuy nhiên, các trường hợp đó hoàn toàn có thể chọn trường dân lập tốt trong khu vực mình sinh sống, đó cũng là một giải pháp không tồi. Như vậy, vừa góp phần giúp các trường dân lập được hưởng lợi từ đây.
Chắc chắn không có chính sách nào làm thỏa mãn được hết tất cả các đối tượng, nhưng quan trọng chính sách đó phải tạo ra được sự công bằng, cân bằng và phát triển toàn diện cho toàn xã hội, chứ không phải chỉ để có lợi cho một số các đối tượng đặc biệt".
>> Những đứa trẻ thất bại vì cha mẹ ép phải thành công
Trong khi đó, với cái nhìn trái chiều, bạn đọc Anh vu lại đưa ra phân tích về những hệ lụy không đáng có của phương án tuyển sinh mới:
"Cách tuyển sinh này có thể thuận lợi cho việc tổ chức thi, nhưng sẽ khiến nhiều em học sinh giỏi mất đi cơ hội được học ở các trường top đầu. Theo tôi, nên giữ nguyên tuyển sinh theo cách cũ, em nào giỏi thi vào trường top đầu, và giảm dần trong toàn thành phố. Nếu theo cách mới này, chỉ chia theo quận, huyện, nhiều em học lực rất giỏi vẫn sẽ phải chấp nhận học trường làng nhàng chỉ vì lý do hộ khẩu.
Con tôi chưa phải thi cấp ba, và cháu cũng sẽ không đủ năng lực vào trường top đầu. Nhưng tôi thấy học sinh giỏi phải được quyền thi vào trường top đầu, đó là thông lệ chung trên toàn thế giới. Tất nhiên, nếu con bạn đủ điều kiện vào trường top đầu, bạn vẫn có quyền cho con thi vào trường top cuối để học gần nhà.
Điều này cũng như việc sắp xếp chỗ ngồi. Thời chúng tôi, cứ một bạn học giỏi phải ngồi cạnh một bạn học kém, hay gây mất trật tự. Việc này rất thiệt thòi cho những bạn chăm ngoan. Giờ trường con tôi học, ngay đầu năm, cô giáo đã phổ biến quy định sẽ xếp chỗ ngồi theo bốn nhóm: Em nào học kém, hay nói chuyện phải ngồi thành một nhóm. Nếu muốn lên nhóm trên, các em buộc phải phấn đấu, như thế sẽ hình thành ý thức vươn lên cho các cháu.
Trở lại với quy định tuyển sinh mới, việc phân bổ theo khu vực này sẽ làm mất cơ hội cho các học sinh giỏi. Ngược lại, nhà trường cũng chẳng cần phấn đấu gì hết vì đương nhiên có học sinh. Trước kia, muốn giữ học sinh giỏi, trường buộc phải nâng cao chất lượng, nếu không học sinh giỏi sẽ sang hết quận, huyện khác.
Giờ với cách tuyển sinh này, trường sẽ không cần làm vậy nữa vì đằng nào học sinh giỏi cũng không thể chạy sang nơi khác. Trong khi đó, các trường top đầu lại phải nhận cả học sinh yếu kém.
Nên nhớ đây là học sinh cấp ba, chứ không phải cấp một hay cấp hai, là diện giáo dục phổ cập. Cấp ba, các em bắt đầu bước vào độ tuổi công dân, bắt đầu chuẩn bị hành trang để chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình. Gia đoạn này, hoặc là học nghiêm chỉnh, hoặc là nghỉ học để đi học nghề, không có khái niệm vừa học vừa chơi để nâng niu tuổi thơ.
Do đó, theo tôi, cần phân loại học sinh, ai giỏi có quyền học trường tốt, đó mới là công bằng (cơ hội cho mọi người, muốn vào trường tốt phải học thật giỏi). Điều này cũng giống như sau này ra ngoài xã hội, anh nào giỏi có quyền chọn nơi làm việc tốt, lương cao...
Tất nhiên học trường làng cũng có những người vô cùng thành đạt, nhưng tỷ lệ người thành đạt ở trường tốt bao giờ cũng cao hơn rất nhiều. Cũng như trên thế giới có hàng chục tỷ phú là người bỏ học, và đầy người học đại học vẫn thất nghiệp vậy. Vậy bạn sẵn sàng cho con bỏ học để làm tỷ phú, hay vẫn muốn con học đại học?".
>> Bạn nghĩ gì về phương án tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.