Xung quanh câu chuyện "Thấy căng thẳng mỗi lần cô giáo của con gọi điện", nhiều độc giả VnExpress khẳng định phụ huynh không nên im lặng chỉ vì sợ con bị trù dập:
Tôi có con học lớp 1, không biết có phải năm nay áp lực quá không mà suốt ngày cô nhắn tin cho phụ huynh, hướng dẫn học bài này, đọc bài kia... Thời gian đầu, cứ tưởng con có vấn đề về tiếp thu, tôi bỏ thời gian hết buổi tối để kèm cặp, được hai tháng, và thấy con tiến bộ rất nhiều. Tôi quyết định giảm thời gian học, cho cháu chơi thư giãn đầu óc. Tuy nhiên, tôi thấy cô lại gửi đề, yêu cầu đọc bài, làm bài nhiều hơn... Quyết định phải có phản ứng mạnh, tôi nói nói sẽ lên gặp nhà trường vì yêu cầu quá cao, vượt sức chịu đựng của một đứa trẻ... Từ đó, cô giáo đã bắt đầu giảm hẳn chuyện gửi đề, giao bài cho phụ huynh và học sinh.
Thiết nghĩ, phụ huynh là người hiểu con mình nhất, đừng vì sợ con bị cô trù dập mà không dám lên tiếng. Nếu chúng ta không nói hộ con trẻ, vậy ai lấy lại công bằng cho các cháu đây?
Vừa rồi, hai vợ chồng tôi phải bỏ hẳn một buổi làm việc để lên Văn phòng trường nói chuyện với hiệu trưởng về những áp lực học hành, thi cử của con trai đang học lớp 5. Con chúng tôi học trường tư, những năm trước con học rất vui vẻ dù kết quả học tập chỉ mức trung bình khá. Với chúng tôi, con vui vẻ, khỏe mạnh, thích đến trường là tốt rồi.
Đến đầu năm lớp 5, con có cô chủ nhiệm năm nào cũng được giấy khen dạy giỏi của trường. Chúng tôi nghĩ đó điều may mắn với con, nhưng hoàn toàn không phải. Mới đầu năm, cô liên lục giao bài vở về nhà, thúc ép các con ở lớp, tối nhắn tin, gọi điện cho phụ huynh...
Khi mà sức chịu đựng đến giới hạn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với nhà trường để thay đổi cách giáo dục với các con, nếu không chúng tôi buộc đổi trường cho con.
Chốt lại, ở đâu có khen thưởng, có thành tích ở đó sẽ có áp lực học hành lên con trẻ và phụ huynh, nó giống như một kiểu bạo hành tinh thần mang tên giáo dục.
Con tôi, từ lớp 1 đến lớp 8 không phải đi học thêm bất cứ môn gì ngoài Ngoại ngữ. Lớp 1, bé gặp được một cô giáo rất có tâm; từ lớp 2 đến lớp 5, các thầy cô đều dạy thêm. Trong lớp chỉ có con tôi và một bạn khác không đến lớp học thêm của các thầy cô. Ban đầu, lúc nào con cũng nói rằng bị cô nhắc vì không đi học thêm, Tôi đã động viên và đồng hành cùng con. Tôi đã gặp và nói chuyện trực tiếp với các thầy cô chủ nhiệm ngay trong buổi họp đầu năm.
Kết quả ngoài sự mong đợi. Bé thoải mái học, chơi và không bị áp lực nên khi nào cũng dẫn đầu lớp, khối, tính đến giờ. Nói vậy để hiểu thêm mặt trái của giáo dục vẫn còn tồn tại. Cái chính là bố mẹ nên theo sát và đồng hành cùng các con để can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Tôi cũng là giáo viên cấp hai tại TP HCM. Sao phụ huynh có thể lại để con mình bị như vậy mà không ý kiến? Chỉ cần một ý kiến lên BGH là giáo viên sẽ bị xử lý ngay, vì họ đang dạy thêm trái quy định.
Phụ huynh lúc nào cũng sợ rằng con mình bị trù dập nọ kia, nên mới tạo cho một vài giáo viên có cơ hội để làm việc không đúng với nghề, gây ra những điều xấu cho nghề giáo. Trong khi đó, hiện tại có rất nhiều giáo viên đang nỗ lực từng ngày để dạy các em nên người.
Hãy cứ ý kiến nếu thấy chưa phù hợp. Nhưng để giảm bớt sự căng thẳng cho giáo viên, theo tôi, phụ huynh cứ ý kiến theo trình tự: nếu giáo viên chủ nhiệm không giải quyết được thì lên BGH rồi phòng Giáo dục...
Hầu hết các bậc làm cha, mẹ đều nghĩ cho con, sợ con bị này bị kia rồi im lặng cho qua, cũng chỉ mong con không bị trù dập. Nhưng chuyện đâu có qua được mà lại cứ tiếp diễn từ lớp này tới lớp khác. Các con chỉ có mấy chuyện như khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng, chăm lo, bài vở... Chuyện gì cha mẹ cũng cần phải lên tiếng để cái sai được dẹp bỏ.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.