Làm gì khi con bị cô giáo đánh? Đó là nỗi trăn trở của rất nhiều phụ huynh khi có con đang ở độ tuổi đến trường. Câu chuyện dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ từ lâu cũng tạo nên hai luồng quan điểm trái ngược: một bên ủng hộ, còn bên kia phản đối. Tác giả bài viết "Cô giáo mầm non tát vào mặt con tôi" đã lựa chọn thái độ quyết liệt, không nhân nhượng với giáo viên đánh con mình và nhận được nhiều ý kiến đồng tình của không ít độc giả VnExpress:
Bạn đọc Xuan Thanh chia sẻ: "Năm con tôi học lớp mầm cũng có trường hợp chính cô hiệu trưởng là người lấy muỗng đánh vào tay con tôi. Về nhà, tôi thấy trên tay con rớm máu nên hỏi con sự tình. Con nói: 'Cô hiệu trưởng lấy muỗng đánh vào tay vì con ăn chậm'. Hôm sau, tôi dẫn con đến trường hỏi cho ra nhẽ, vì lý do gì mà cô đánh cháu? Mới đầu, cô chối, nhưng sau một hồi quanh, bị tôi dọa làm lớn chuyện, đưa lên báo, cô mới thừa nhận và nói là 'có đoàn kiểm tra đến kiểm tra trường mà cháu ăn chậm, trong lúc bực nóng quá nên có đánh'.
Con nít làm sao biết có đoàn kiểm tra gì đó chứ? Nghe những lời của cô hiệu trưởng, tôi dẫn con tôi về ngay và báo với cô giáo quản lý lớp sẽ cho con nghỉ học, lấy lại số tiền mới đóng. Cô hiệu trưởng muốn níu kéo và sợ tôi đưa lên báo, nên nhắn tin, gọi điện suốt. Tôi nói rõ rằng sẽ bỏ qua cho cô nhưng mong cô đừng lặp lại chuyện tương tự với các bé khác và nhất quyết cho con chuyển trường".
Đồng tình với quan điểm không thỏa hiệp khi con bị giáo viên đánh, độc giả Huong cua gio lấy dẫn chứng từ giáo dục Mỹ: "Tôi đang làm việc ở trường mầm non tại Mỹ. Ở đây, giáo viên tuyệt đối không được có hành vi xâm phạm thân thể học sinh vì bất kỳ lý do gì. Khi nóng giận, giáo viên cũng phải kiềm chế. Khi các bé nói chuyện, dù giáo viên đã nhắc nhiều lần mà trẻ không nghe thì cũng tuyệt đối không được đánh vào người học sinh, kể cả rất nhẹ.
Việc các bé 3-5 tuổi thi thoảng bị tè dầm, giáo viên phải hỗ trợ lau chùi và thay quần áo cũng là chuyện hết sức bình thường. Đợt trước, lớp tôi có một bé bốn tuổi, mỗi ngày ba lần đi nặng trong quần. Tôi và đồng nghiệp phải luân phiên thay quần cho bé, chỉ nhắc nhở con chứ không dám quát mắng gì, huống hồ là đánh, tát. Đừng lấy lý do lương thấp, áp lực cao ra để bao biện cho việc giáo viên không đủ bản lĩnh kiềm chế hành vi, cảm xúc của bản thân trước học trò".
>> 'Giáo viên đánh học sinh để thỏa mãn cảm giác bề trên'
Lương không đủ sống, áp lực từ công việc và sự kiểm soát của phụ huynh cao, quá tải vì số lượng học sinh lớn... là những lý do thường được đưa ra để lý giải cho những hành động đánh mắng học sinh của giáo viên, đặc biệt là ở bậc mầm non. Nhưng liệu lý do ấy có thực sự chính đáng?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.