Câu chuyện "phụ nữ ở nhà hay đi làm, có nên độc lập kinh tế hay không?" luôn là chủ đề muôn thuở trong gia đình Việt. Cá nhân tôi không đề cập đến việc chồng hay vợ ở nhà thì tốt hơn, phụ nữ ở nhà nhưng vẫn làm việc lặt vặt, mất khá nhiều thời gian hơn là đi làm, nếu quy đổi ra lương thuê giúp việc thì rõ ràng là cô ấy không hề ăn bám.
Trong bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập đến vấn đề tinh thần và giá trị sống. Tôi có cô bạn, từ ngày lấy chồng cô có thử kinh doanh mấy lần nhưng lần nào cũng bể cả. Vậy nên, cô đành ở nhà chăm con, nhận tiền lương từ chồng. Cô ấy cũng từng là sinh viên giỏi của trường đại học, cũng có công việc nhà nước ổn định nhưng rẽ ngang sang kinh doanh là thất bại. Từng là một phụ nữ có đam mê, có mục đích, có giá trị sống, nhưng từ ngày thất bại trong kinh doanh, cộng thêm việc sinh con, chồng đi làm xa, khiến cô có dấu hiệu trầm cảm nhẹ.
>> Phụ nữ có nên được 'trả lương' cho việc nhà?
Chồng cô lại là người khá tính toán và chắc chắn trong tiền bạc, mặc dù kiếm được 100 triệu hàng tháng nhưng mặc nhiên chồng chỉ đưa cô một khoản đều đặn hàng tháng 30 triệu đồng (vừa phải lo cho hai con học trường quốc tế, vừa phải nuôi một giúp việc, ôtô hàng tháng...). Còn những khoản tài chính và thu nhập của chồng, gần như cô không được biết đến, nó là bí mật của chồng cô.
Đối với nhiều người, 30 triệu đồng có thể đủ đảm báo cuộc sống cho gia đình, nhưng với gia đình cô, sống trong căn biệt thự với đủ thứ chi phí thì gần như không đủ. Vấn đề chúng ta sẽ không bàn cãi cho việc chồng đưa thế đã hợp lý chưa, chi tiêu thế nào là đủ, là thiếu hay là thừa? Vấn đề ở chỗ, từ một người phụ nữ tràn đầy sức sống, cô ấy trở nên bí bách về tinh thần, không giải tỏa được khi gần như cuộc sống của cô ấy xoay quay việc nhà cửa.
Trong mười câu chuyện cô kể thì gần như tất cả đều đề cập đến người chồng và gia đình chồng cô, khiến bạn bè xung quanh đều chán ngắt vì những bức xúc không thể giải quyết được, nhưng lại tồn tại trong tâm trí cô như phản xạ không điều kiện. Trong buổi cà phê với bạn bè, cô chỉ nói được dăm ba câu về thời tiết, chuyện thiên hạ, còn 95% là kể lể về chuyện gia đình của cô với sự kiện hàng ngày, lần nào cũng kêu chán ngán. Dần dần, bạn bè cũng xa lánh cô vì chán phải nghe câu chuyện gia đình mà chung quy lại là đi kể lể, nói xấu về chồng, mẹ chồng, gia đình chồng, không hề có một mối quan tâm nào khác.
>> Kiếm tiền ngang chồng nhưng tôi vẫn làm hết việc nhà
Một trường hợp khác là cô em họ của tôi, từ ngày ra trường, cô ấy gần như không đi làm ở đâu quá một năm cả. Cô ấy cũng là sinh viên giỏi với hai, ba bằng đại học, nhưng khi đi làm ở các công ty, em gần như không chịu được vì tính tự ái rất cao. Tự kinh doanh, em cũng không bán được hàng, cũng không có tính kiên trì.
Thế nên 30 tuổi đầu, em vẫn được bố mẹ nuôi và chăm sóc. Thỉnh thoảng, em có đi kèm gia sư, thu nhập cũng được 4-5 triệu đồng nhưng không đều đặn. Lâu dần, cô ấy dường như mất hẳn những giá trị tinh thần, giá trị cuộc sống, buông xuôi nhiều thứ trong chán nản tuyệt vọng. Năng lượng tỏa ra từ cô ấy là năng lượng tiêu cực, tự ái và luôn đi ghen tỵ khi nhìn bạn bè thành đạt xung quanh.
Tôi nghĩ rằng, phụ nữ cho dù có điều kiện kinh tế khá giả hay không, chồng kiếm được nhiều tiền hay không, cũng nên tìm cho mình một công việc hoặc một đam mê riêng cho bản thân, để đảm bảo sức khỏe tinh thần.
Khi bạn làm những việc có ích, có giá trị (có thể là đi làm kiếm tiền, hoặc làm mảng mà bạn đam mê riêng, không tập trung toàn bộ cuộc sống của mình vào gia đình), bạn sẽ hạnh phúc, có năng lượng tích cực và lan tỏa chúng. Đừng tự biến mình thành một người phụ nữ ngồi lê, đôi mách, chuyên đi soi mói chồng, gia đình chồng. Thực sự hình ảnh đó rất xấu xí.
Peacock
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.