(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Việt Nam ngày càng phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều. Những hộ gia đinh thu nhập trên 100 ngàn USD mỗi năm cũng không ít. Nhiều hộ trung lưu có một căn nhà để ở, 1-2 mảnh đất hay nhà để đầu tư và một vài tỷ đồng trong ngân hàng. Với chính sách khuyến khích hai con, các con của họ sẽ không cần lo đến việc tiết kiệm để mua nhà, được lo ăn học, nhiều người còn được đi du học và sau đó tìm được công việc ổn định với thu nhập từ 15-30 triệu đồng/ tháng. Đó là mục tiêu hiện tại của hàng triệu cô gái Việt Nam đến tuổi lấy chồng hiện nay. Họ sẽ chọn chồng theo tiêu chí nào? Lấy chồng để làm gì?
Ai cũng có lúc thăng trầm, vui buồn, khỏe mạnh hay ốm đau. Ai chẳng mong có người chăm sóc lúc tuổi già sức yếu, chia sẻ lúc vui buồn, cùng nhau đi chơi, du lịch ngắn hay dài ngày với người thân thiết, đồng điệu với mình? Bạn bè họ sẽ có mối quan tâm riêng nên đối tượng chia sẻ đó sẽ là chồng, vợ, con. Hàng triệu cô gái đó họ cần người chia sẻ chứ không cần người chu cấp. Hàng triệu cô gái khác, hoàn cảnh khó khăn hơn, cần nỗ lực nhiều hơn nhưng họ cũng chỉ cần người chia sẻ, không cần người chu cấp.
Họ có cần một ông chồng mang tiền về nhiều hơn người khác vài lần (những người hơn người khác trăm lần, ngàn lần thì không nhiều) nhưng hầu như không quan tâm các việc khác trong nhà, đi tối ngày, nhậu nhẹt và nguy cơ ngoại tình cao (có nhân tình hoặc "ăn bánh trả tiền")? Đại đa số phụ nữ sẽ không chọn những ông chồng kiểu này. Trái lại, họ sẽ chọn người thu nhập vừa đủ nhưng biết quan tâm, chia sẻ việc chăm sóc gia đình với họ.
Họ cũng sẽ không từ bỏ công việc, rũ bỏ thành quả cố gắng của bản thân, sự đầu tư, trang bị của bố mẹ để ở nhà sống phụ thuộc vào người chồng. Nhiều người có thể cho rằng đó là ích kỷ, là tự cao... nhưng đó là xu thế hiện nay. Các ông chồng cố gắng vươn lên, lập nghiệp, phấn đấu thăng tiến... đều là việc tốt và được 99% các bà vợ ủng hộ. Ai chẳng muốn chồng mình giỏi giang, muốn kinh tế tốt hơn? Chỉ 1% phụ nữ muốn "đè đầu cưỡi cổ" chồng thôi.
Nhưng trong 99% ủng hộ đó lại 100% phản đối nếu ông chồng "không quan tâm các việc khác trong nhà, đi tối ngày, nhậu nhẹt và ngoại tình". Cũng may không phải ông chồng nào khởi nghiệp hay làm chủ cũng phạm vào lỗi lầm đó. Dù bận rộn nhưng vì tự mình làm chủ nên họ đều có thể bớt chút thời gian cho vợ con, nhờ kinh tế tốt nên họ thuê người giúp đỡ vợ làm việc nhà.
>> 'Đi làm 12 tiếng mỗi ngày, tôi vẫn lo hết việc nhà để chồng tập trung sự nghiệp'
Cũng có các cô vợ chấp nhận hy sinh, từ bỏ công việc của bản thân để ở nhà lo cho con. Thế nhưng hình ảnh của các cô không lung linh nữa, nhà cửa không gọn gàng, con cái không ngoan đều là lỗi của các cô... Sự tài năng ngày xưa, sự hy sinh cho gia đình sẽ bị quên đi, các cô sẽ thành người vợ không có năng lực, ăn bám... Các cô sẽ thua kém những phụ nữ ăn mặc thời trang, ngồi thương thảo hợp đồng với chồng các cô (hình ảnh của chính các cô ngày xưa).
Cũng có cô chấp nhận vất vả, vừa lo sự nghiệp bản thân, vừa một mình lo cho gia đình và coi đó là cái giá phải trả cho lựa chọn sai lầm. Thế nhưng nếu vất vả của họ không được chia sẻ mà còn bị chồng chê trách chỉ vì chồng có thu nhập cao hơn (dù các cô không thực sự cần số tiền đó) thì hôn nhân liệu có cần thiết níu kéo? Ly hôn, các cô thành bà mẹ đơn thân, không ly hôn, các cô vẫn là bà mẹ đơn thân mà còn bị người xét nét. Với con cái, ly hôn, con không có sự chăm sóc của bố. Không ly hôn, con cái cũng không có sự chăm sóc của bố mà còn phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau hàng ngày.
Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp, mỗi ngày có hàng ngàn công ty mới được thành lập, biết bao ông chồng muốn thể hiện tài năng của bản thân. Với những người đàn ông đã có gia đình, xin nhớ rằng khởi nghiệp thành công thì người thu hoạch lớn nhất là các vị (danh vọng, tiền tài). Nhưng nếu thất bại, nợ nần thì cả hai vợ chồng cùng gánh. Gian nan vất vả khi khởi nghiệp các ông chồng phải chịu, nhưng vợ cũng phải gánh thêm phần trách nhiệm chăm sóc gia đình thay các vị.
Vì sự nghiệp, vì gia đình... là lý do rất cao quý, rất đáng được ủng hộ nhưng cần cân nhắc cẩn thận trước khi lập nghiệp. Gia đình có thiếu thốn, có cần thiết mạo hiểm, hy sinh nhiều thứ để lập nghiệp không? Việc lập nghiệp sẽ ảnh hưởng đến gia đình như thế nào trong quá trình khởi nghiệp, khi chẳng may thất bại...? Năng lực, mối quan hệ, vốn liếng của các ông ra sao và khả năng thành công chiếm bao nhiêu phần trăm?
Trong quá trình khởi nghiệp, vất vả, bận rộn lắm đó, nhưng ý kiến của vợ con thế nào, họ mong muốn như thế nào? Đừng vì lý do bận rộn để rồi trở thành ông chồng có cũng như không. Thành công rồi cũng đừng lên mặt với vợ, coi thường vợ và đi tìm niềm vui mới.
"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" là chuyện quá khứ. Bây giờ, đàn bà cũng tham gia xây nhà rồi, nên các ông chồng cũng cần tham gia xây tổ ấm. Nếu ngày xưa đàn bà để tổ ấm nguội lạnh, họ sẽ bị đuổi ra đường. Ngày nay, nếu đàn ông không tham gia xây tổ ấm, để tổ ấm nguội lạnh, có lẽ người ra đường chính là các vị.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.