Tòa án quận Fangshan, Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 1 vừa rồi đã đưa ra một phán quyết khá đặc biệt, liên quan đến phiên xử ly hôn của một cặp vợ chồng: Người chồng phải trả 50.000 tệ, bồi thường cho những công việc người vợ làm trong suốt 5 năm hôn nhân của họ.
Người vợ họ Wang cho biết, trong suốt thời kỳ hôn nhân, người chồng "không tham gia và không quan tâm tới bất cứ công việc nào trong nhà". Mỗi ngày, anh để cô chăm sóc con cái, làm tất cả các việc lớn, nhỏ.
Feng Miao - chủ tọa phiên tòa - nói với truyền thông Trung Quốc rằng, trong khi việc phân chia tài sản của một cặp vợ chồng thường liên quan đến thứ hữu hình như nhà, xe... thì việc nhà có thể được coi như một loại tài sản vô hình. Việc phân chia đều tài sản vô hình này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển cá nhân của vợ/chồng.
Phán quyết được đưa ra căn cứ theo luật dân sự mới của nước này, trong đó cho phép người phối ngẫu yêu cầu bạn đời bồi thường khi ly hôn, nếu họ phải gánh thêm trách nhiệm trong gia đình, bao gồm cả việc nuôi dạy con cái và chăm sóc người thân lớn tuổi.
Phán quyết của tòa án Fangshan, Bắc Kinh tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội về giá trị của người nội trợ gia đình. Đa phần phụ nữ Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết – thậm chí cho biết khoản tiền bồi thường cho công việc làm việc nhà là quá ít. Trong khi đó, một số người cho rằng đây là "một khởi đầu tốt" cho việc quan tâm đến quyền lợi, nhu cầu của các phụ nữ làm nội trợ.
Theo tờ Telegraph (Anh), phán quyết của tòa án Bắc Kinh là một lời nhắc nhở thiết thực để phụ nữ suy nghĩ về mức độ công việc nhà mà họ đang làm - và nó sẽ đáng giá bao nhiêu nếu họ được trả lương.
Một phụ nữ đã lập gia đình nhưng chưa có con lấy ví dụ: "Tôi dành 12 giờ một tuần để nấu ăn, bốn giờ một tuần để dọn dẹp. Lấy 12 bảng một giờ làm tiêu chuẩn cho công việc nhà (mức mà các công ty giúp việc gia đình hàng đầu hiện tính phí), tôi sẽ kiếm được 192 bảng một tuần, tương đương 9,984 bảng một năm".
Caro, 36 tuổi, một phụ nữ đã có con cho biết, cô có hai con, hiện nghỉ sinh. Cô hiện làm công việc nhà 13 giờ mỗi ngày và 11 giờ vào cuối tuần, tổng cộng 87 giờ mỗi tuần. Cô sẽ cần được trả 1.044 bảng một tuần hoặc 54.288 bảng một năm.
Liza, 44 tuổi, làm việc bán thời gian 24 giờ một tuần với vai trò trợ giảng và khoảng 20 giờ trông nhà và hai đứa con tuổi teen. Chồng cô làm việc 37,5 giờ một tuần cho hội đồng địa phương và khoảng 30 phút giặt giũ, dọn dẹp mỗi ngày. Liza cho rằng xét về công bằng, rõ ràng cô đang lao động nhiều hơn chồng.
Hồi tháng 1, tòa án tối cao Ấn Độ cũng nhận định rằng giá trị công việc của một người phụ nữ ở nhà phải được đặt ngang bằng với giá trị của người chồng đang đi làm.
Theo Báo cáo về việc sử dụng thời gian ở Ấn Độ năm 2019 cho thấy, trung bình phụ nữ dành 16,9% thời gian trong ngày cho các công việc gia đình không được trả lương, trong khi với nam giới, con số này chỉ là 1,7%. Ấn Độ cũng không phải quốc gia duy nhất tồn tại tình trạng phân công việc nhà không cân xứng. Tổ chức lao động quốc tế ILO cũng cho biết phụ nữ thực hiện khoảng 3/4 - tương đương 76,2% công việc gia đình không được trả công trên thế giới, tức là nhiều gấp 3,2 lần so với nam giới. Ở các quốc gia có bình đẳng giới cao nhất, đàn ông thực hiện khoảng 40% tổng số công việc nhà. Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), phụ nữ ở Trung Quốc dành gần 4 giờ mỗi ngày để lao động không công, gấp 2,5 lần nam giới.
Năm 2007, Thụy Điển - quốc gia đứng đầu về Chỉ số bình đẳng giới của Liên minh châu Âu - đã đưa ra các khoản trợ cấp cho công việc gia đình (dọn dẹp, giặt là và ủi).
Trong khi không ít phụ nữ ủng hộ việc "nên trả lương cho công việc nhà", nhiều ý kiến trái ngược lại với quan điểm này. Diễn viên người Ấn Độ Kangana Ramaut bày tỏ sự phản đối trong một bài viết trên mạng xã hội tháng 1 vừa rồi: "Đừng định giá cho những lần ân ái với bạn đời, đừng quy ra tiền cho những việc mà chúng ta làm cho chính gia đình mình. Phụ nữ không cần lương để trở thành Nữ hoàng trong vương quốc bé nhỏ - là ngôi nhà của chính chúng ta. Đừng coi mọi thứ đơn thuần là công việc".
Thùy Linh (Theo Independent, Telegraph)