Câu chuyện đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ chưa bao giờ hết "nóng", thậm chí, nó càng ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn khi xã hội dần phát triển. Thế nhưng, cái gì quá cũng không tốt. Ngày nay, tôi thấy tư tưởng đòi bình quyền nam - nữ đang dần xuất hiện những suy nghĩ, phương pháp tiêu cực, đi quá xa so với lý tưởng ban đầu. Từ chuyện đấu tranh để phụ nữ được bình đẳng về lợi ích, giờ người ta thậm chí còn muốn rạch ròi trong mọi việc: muốn chia đôi việc nhà, muốn chia đôi tài chính, chia đôi lợi ích, thậm chí, mới đây, tôi còn thấy người ta nêu quan điểm "trả lương cho phụ nữ làm việc nhà".
Nền tảng hạnh phúc của một gia đình không thể mang ra đong đếm bằng các giá trị tiền bạc, vật chất. Càng đòi quyền bình đẳng vô lối thì phụ nữ càng cực và chia rẽ thêm nền tảng đạo đức gia đình. Những tư tưởng, quan điểm nữ quyền của phương Tây khiến tôi cảm thấy giá trị đạo đức vốn có của gia đình bị lung lay, bởi chúng hoàn toàn không phù hợp cho gia đình và lối sống của phương Đông nói chung và người Việt nói riêng.
Nếu đòi hỏi phải trả lương cho người phụ nữ làm việc nhà, thì khi rạch ròi mọi yếu tố, chúng ta cũng phải trả lương cho những đóng góp của đàn ông. Đàn ông được sinh ra vốn thể chất khoẻ mạnh, nhanh nhẹn hơn phụ nữ. Thế nên, họ thường kiếm được việc làm tốt hơn, có được thu nhập bình quân cao hơn vợ mình. Vậy thì lẽ ra, với đóng góp kinh tế cho gia đình như vậy, đàn ông cũng phải được trả lương nhiều hơn chứ?
Rồi cả những chuyện điện nước, sửa chữa nhà cửa, phụ nữ đâu thể tự làm mà đều dựa vào sức khỏe của đàn ông. Vậy chẳng lẽ người chồng cũng phải đòi trả công cho những việc ấy mới gọi là bình quyền? Nếu tất cả những công việc trong nhà đều bị đem ra tính công, so đo, tôi tin người phụ nữ chưa chắc đã được lợi, thậm chí họ còn thiệt hơn.
Tôi thừa nhận, phụ nữ phải chịu thiệt thòi hơn đàn ông vì nhiều mặt, họ phải sinh nở, phải chăm sóc gia đình, phải hy sinh sự nghiệp, nhưng đàn ông cũng có nhiều trách nhiệm, gánh nặng khác phải lo như làm trụ cột kinh tế, gánh vác các việc nặng, việc lớn trong nhà. Tạo hóa đã sinh ra mỗi giới với những vị trí, vai trò riêng, đó vừa là trách nhiệm, vừa là thiên chức của người nam và người nữ. Khi lập gia đình và muốn công bằng, không phải là bạn xóa đi ranh giới, phá bỏ hết những nghĩa vụ của mỗi người mà phải san sẻ cùng nhau, hiểu và giúp đỡ nhau hoàn thành cách sứ mệnh đó.
Bạn lấy chồng, nấu ăn cho người đàn ông mà mình yêu, chăm lo cho những đứa con mà mình đẻ ra từ bữa cơm, giấc ngủ... vậy mà còn đòi tính tiền công nữa thì thử hỏi chúng ta lập gia đình làm gì? Với suy nghĩ đó, tốt nhất bạn nên sống một mình, để khỏi phải vướng bận chồng con, rồi mất công đấu tranh đòi quyền lợi.
>> 'Phụ nữ không cần ngày 8/3 để được tôn vinh'
Tôi cũng có vợ con. Vợ tôi cũng phải lo phần lớn việc nhà, từ nấu ăn, giặt giũ đến lau dọn nhà cửa. Bù lại tôi đi làm bận bịu hơn, thu nhập gấp đôi vợ, và lo những việc sửa chữa máy móc, đồ đạc, điện nước trong nhà, lo cả những việc đối nội, đối ngoại lớn. Tôi cũng thương vợ vất vả vì những việc không tên, phải hy sinh nhiều cho gia đình nên cũng cố gắng giúp vợ việc nhà mỗi cuối tuần. Thêm vào đó, tôi quan niệm phụ nữ cần được giải phóng sức lao động chứ không phải đòi chia đôi công việc. Do đó, tôi dùng tiền mình kiếm được, mua tặng vợ những thiết bị hỗ trợ việc nhà như máy rửa bát, máy hút bụi, máy sấy quần áo... để vợ có thời gian nghỉ ngơi.
Bình quyền nam - nữ đôi khi rất đơn giản như vậy. Không nhất thiết người chồng phải bớt kiếm tiền lại và rửa bát, quét nhà bằng vợ, rồi lại bắt vợ phải đi làm kiếm tiền bằng mình. Khi ấy cả hai cùng mệt mỏi, cũng phải làm những việc trái sở trường để rồi hạnh phúc gia đình chưa chắc đã cải thiện được là bao. Ngược lại, hãy làm những gì bạn giỏi nhất, mỗi người gánh một phần trách nhiệm riêng và hỗ trợ nhau hoàn thành trách nhiệm đó, vậy mới là cách làm thông minh.
Có một điều bạn cần nhớ rõ là không bao giờ có thứ công bằng tuyệt đối trên đời này. Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã quá khác biệt nhau về hoàn cảnh, giới tính, đã quá thiếu công bằng ngay từ vạch xuất phát. Thế nên, bạn cũng đừng mất công đi đòi lại "những thứ đã mất" bởi khi đó bạn cũng sẽ phải trả giá không nhỏ. Chuyện đó sẽ chẳng làm gia đình bạn hạnh phúc hơn mà chỉ khiến mái ấm của mình sớm tan vỡ.
Tóm lại, hạnh phúc gia đình được cấu thành bởi cả yếu tố vật chất lẫn tinh thần, đạo đức. Đừng vì chạy theo thứ công bằng vô lối mà đánh mất đi nền tảng đạo đức và những giá trị tinh thần. Bình đẳng nam nữ không phải là thứ có thể đem ra cân, đo, đong, đếm được, nó thể hiện từ ngay trong chính cách bạn sống, yêu thương và hy sinh cho người bạn đời của mình.
Mạnh Hùng Nguyễn
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.