Tôi không biết văn hóa phương Tây ra sao, nhưng ở Việt Nam, tôi thực sự thán phục những người phụ nữ "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Với tôi việc đó quá khó. Phụ nữ độc thân sống cho mình, khi có chồng, họ sống thêm cho chồng. Thế nhưng chặng đường đó vẫn còn trải hoa hồng. Khi có con, người mẹ có thể hy sinh mọi thứ vì con.
Phụ nữ Việt không đành lòng thoát phụ thuộc
Nhân một ngày trông con ốm nằm viện, tôi càng thấy cái sự nghiệp của mình thật "phụ thuộc". Nhìn thông tin đăng tuyển công việc lương cao nhưng tôi không dám ứng tuyển. Không phải tôi thiếu tự tin mà vì nghĩ đến câu "cái gì cũng có giá của nó". Đời đi làm thuê, nhiều tiền hơn đồng nghĩa với trách nhiệm nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, thời gian cho con ít hơn. Muốn chấp nhận thử thách ấy, có lẽ tôi phải phó mặc con để ông bà hỗ trợ, thuê người giúp việc trông lo việc nhà... Không đành lòng nên tôi lại chẳng dám bước tới.
Đời làm chủ thậm chí còn phải hy sinh gấp hai, ba lần như thế mới mong làm được một điều gì đó. Tôi không biết cần phải kế hoạch cho sự nghiệp như thế nào khi con cái tuổi nào cũng có cái lo. Vậy nên, tôi lại đành lòng nhường phần "sự nghiệp" cho chồng.
Phụ nữ bị trách nhiệm
Đời đàn bà ở Việt Nam theo tục là cứ phải gánh 100% chuyện nhà cửa, chuyện bếp núc, chuyện ăn uống, tắm giặt của con. Chẳng có mấy ông chồng biết chia sẻ bởi vì "phần" của họ sẽ là lo việc lớn. Mà kể cả có lo được việc lớn thật hay không thì cái trách nhiệm kia cũng không phải của người đàn ông. Nếu có chăng, họ cũng chỉ là "giúp một hôm thôi nhé".
Sự thật là đàn ông cũng có thể trông con, nấu cơm, giặt giũ như phụ nữ bởi họ có đầy đủ năng lực để làm những việc này và chia sẻ vất vả với người họ yêu. Xã hội cần phải học cách ngừng đánh giá những người đàn ông "thực thụ" này là "thiếu bản lĩnh" vì không để vợ gánh mấy cái việc "vớ vẩn" đấy cho mình. Ngược lại, chúng ta cũng ngừng đánh giá những phụ nữ để chồng làm giúp việc nhà là nhưng người "vụng", không làm tròn bổn phận.
Cũng có những người chồng tư duy đổi mới, cởi mở và bình đẳng hơn, sẵn sàng vào bếp, tắm cho con, cho con ăn để vợ bận liên hoan, làm việc, tiếp khách ở công ty. Thế nhưng số này còn ít. Câu chuyện hay thấy sẽ là vợ hoặc ôm con đi cùng và tối về vẫn làm đủ các nghĩa vụ khác, hoặc hy sinh buổi liên hoan để về ôm con.
Tôi đã gặp nhiều cô bạn băn khoăn: "lấy chồng làm gì", "biết thế chẳng lấy chồng"... vì có chồng hay không họ vẫn xoay xở được, vẫn chăm lo con như vậy và họ có khả năng độc lập tài chính. Có chồng, họ thiếu thốn sự chia sẻ, lại có thêm gánh vác, trách nhiệm và mất đi đôi cánh bay bổng tự do. Đấy là phụ nữ hiện đại sống trong một môi trường "chưa hiện đại kịp". Đối với cuộc sống gia đình, tiền quan trọng để đủ ăn đủ mặc, có thể cười và tận hưởng hạnh phúc và tình yêu. Nhưng giàu có chưa bao giờ là quan trọng. Biệt thự hay chung cư cũng chỉ là nơi để ở. Một bó hồng Ecuador hay một bông hồng tỉ muội cũng đều là hoa. Trong khi nụ hôn lại không mất tiền. Tôi vẫn cho rằng thà cười trong cái tổ nhỏ còn hơn là khóc trong tòa dinh cư.
Nói vậy để con người ta biết cân bằng cuộc sống và sự nghiệp, lúc đầu tư cho cái này thì phải có lúc đầu tư cho cái kia. Chẳng có cái gì bỏ bê mà còn. Hoàn hảo nhất là cả nhà có điều kiện và thời gian, dắt nhau đi khắp thế gian.
>> 'Đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm'
Phụ nữ chấp nhận hy sinh
Tôi lại nhớ câu trả lời của hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên về vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Có nhiều người phản đối nhưng chẳng phải quá đúng sao? Chịu hy sinh mơ ước và hoài bão của mình để làm hậu phương và sân sau cho sự thành công cho người khác đâu có dễ. Sự nghiệp của đàn bà đa số đặt con cái lên trên, chấp nhận phấn đấu vừa phải, thành công vừa phải. Vì thế nên cũng không lạ nếu thấy đàn ông giỏi hơn đàn bà.
Trong nghề nào, hạng "top" cũng thuộc về đàn ông, kể cả những việc tưởng chừng như thuộc về các chị các mẹ như nấu ăn, trang điểm, thiết kế thời trang, các anh cũng đứng top. Vì sao? Vì các anh được tập trung làm "việc lớn", các việc nhỏ khác đã có đàn bà của các anh lo. Các anh được đam mê còn các đàn bà thì chỉ được "đảm đang".
Cũng vì phụ nữ Việt Nam hy sinh nên tỷ lệ ly hôn so với các nước phương Tây còn được gọi là thấp. Họ chịu đựng, họ nhường và nhẫn nhịn. Xã hội hiện đại tân tiến hơn, ắt tỷ lệ này đang và sẽ tăng. Phụ nữ không còn lý do để chịu đựng nữa, gia đình chỉ tồn tại khi hiểu, hòa hợp về tư tưởng và quan điểm, cuộc sống và trách nhiệm cân bằng.
Trong lúc đợi chờ xã hội kịp đổi mới, tôi xin nhắn nhủ tới các bạn gái rằng:
1. Đừng vội làm đàn bà: Hãy cứ đam mê, sống hết mình, tranh thủ thời gian phấn đấu, xây dựng sự nghiệp và chiều chuộng bản thân. Cái đặc quyền này không tồn tại nữa khi các bạn gái đã trở thành đàn bà. Hãy chuẩn bị để làm đàn bà tự chủ và độc lập, kể cả về tài chính.
2. Không ngại chia sẻ: Nếu đã muốn và đã đủ điều kiện làm phụ nữ rồi thì hãy sáng suốt lựa chọn một nửa. Đừng ngại chia sẻ với họ từ những điều nhỏ nhất. Phụ nữ và đàn ông bình đẳng, không có phân công xã hội theo định kiến, chỉ có sự phân công tự nguyện dựa trên cơ sở đồng thuận và theo khả năng năng lực mà thôi.
3. Hãy dạy con trai thành đàn ông biết chia sẻ và dạy con gái thành phụ nữ độc lập nhưng biết chuyện: Trong cuộc sống nếu không có sự nhường nhịn, hy sinh thì mỗi con người sẽ là một con ngựa đua chỉ nhắm mắt chạy hùng hục trên đường đua của mình. Nhẫn nhịn và hy sinh là cần thiết từ cả hai phía, nhưng đừng bao giờ để sự hy sinh là chịu đựng và ép buộc mà không được trân trọng đúng mức.
Nói tóm lại, một gia đình cần:
1. Tình yêu, đam mê, nồng nhiệt.
2. Sự tôn trọng.
3. Niềm tin và chân thành.
4. Chia sẻ.
Thiếu điều gì trong bốn thứ trên thì gia đình cũng sẽ "tàn tật". Sống đã không đơn giản, sống vì người khác càng chẳng đơn giản chút nào. Mỗi người cần chuẩn bị hành trang, kể cả vật chất và tinh thần, để bước vào cuộc sống hôn nhân và không muốn bước ra.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.